Đại biểu Quốc hội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng người lao động Thủ đô

Chiều 13- 5, đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội phối hợp Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri là cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động Thủ đô, lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi).

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mai Quý

Dự Hội nghị, có Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Thái Thu Xương; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai; các đại biểu quốc hội (ĐBQH) Đoàn Hà Nội.

Hiện, Hà Nội có trên 270.000 doanh nghiệp với khoảng 2,7 triệu lao động. Năm 2023, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn thành phố ổn định. Số vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công, ngừng việc có xu hướng giảm mạnh. Tuy nhiên, về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, đánh giá của tổ chức công đoàn cho thấy tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn còn cao, nhiều doanh nghiệp cố tình chây ì, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Tính đến hết tháng 4-2024, toàn thành phố có 93.539 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tổng số tiền chậm đóng là 5.821 tỷ đồng, tỷ lệ chậm đóng là 8,24%.

Người lao động góp ý về giải pháp nâng cao chất lượng sống của người lao động. Ảnh: PV

Tại hội nghị, công nhân, lao động đã nêu nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan các nội dung: Tạo việc làm bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động; các giải pháp phát triển nhà ở, nơi vui chơi, giải trí, trường học cho con công nhân, lao động; vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, tín dụng đen bủa vây công nhân…

Theo chị Phùng Nguyệt Hà - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Fecon và anh Nguyễn Minh Tuấn - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Xích líp Đông Anh, nhà ở là vấn đề quan trọng nhất, giúp người lao động yên tâm đi làm, đặc biệt với lao động nữ có con nhỏ đang phải thuê trọ ở những khu nhà chật chội, ẩm thấp, khó khăn… Với thu nhập khoảng 6 - 9 triệu đồng/tháng, mua nhà rất khó khăn đối với công nhân, lao động. Vì vậy, Đoàn ĐBQH thành phố cần xem xét, đề nghị thành phố có thêm chính sách, giải pháp cụ thể để giải quyết và hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động trong giai đoạn hiện nay. Quốc hội cần ban hành thêm nhiều chính sách hỗ trợ về giá nhà ở cho công nhân, người lao động; khuyến khích thêm nhiều chủ đầu tư tham gia xây dựng hạ tầng xã hội (nhà ở, trường học, bệnh viện...) cho đối tượng là người lao động.

Anh Nguyễn Minh Tuấn - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Xích líp Đông Anh cũng đề nghị Quốc hội xem xét, có chính sách cho người lao động có con từ 7 đến dưới 16 tuổi được nghỉ chăm sóc khi con ốm đau…

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Mai Quý

Trong chương trình, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam, ĐBQH Đoàn thành phố Hà Nội và đại diện các sở, ngành trao đổi, tiếp thu và trả lời ý kiến của đoàn viên, người lao động.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Thái Thu Xương tiếp thu toàn bộ ý kiến của cử tri. Về vấn đề tín dụng đen, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, thời gian qua, tín dụng đen đã gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp và người lao động. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, giới thiệu 2 đơn vị nhằm giúp người lao động trên cả nước tiếp cận các khoản vay từ ngân hàng. Để hạn chế tình trạng tín dụng đen, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam mong muốn cán bộ Công đoàn tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động trong hệ thống Công đoàn của mình tiếp cận các tổ chức tài chính đã ký để vay vốn.

Về chính sách xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân, Luật Nhà ở đã được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, hiện Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp Bộ Xây dựng xây dựng Nghị định trình Chính phủ ký ban hành. Khi Nghị định được ban hành, có Thông tư hướng dẫn, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ có hướng dẫn trong hệ thống để thực hiện nội dung này. Đồng chí Thái Thu Xương cũng đề xuất thành phố Hà Nội dành một phần quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân, giúp công nhân có chỗ ở an toàn, yên tâm lao động sản xuất.

Cũng tại Hội nghị, Tổng LĐLĐ Việt Nam, ĐBQH Đoàn thành phố Hà Nội và LĐLĐ thành phố đã trao 20 suất quà cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi suất gồm 1 triệu đồng tiền mặt và phần quà trị giá 350 nghìn đồng.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dai-bieu-quoc-hoi-lang-nghe-tam-tu-nguyen-vong-nguoi-lao-dong-thu-do-666190.html