Đại biểu Quốc hội đồng tình về cơ chế chính sách đặc thù cho Buôn Ma Thuột

Sáng 7/11, thảo luận về dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, các đại biểu Quốc hội đều đồng tình cần ban hành nghị quyết để thành phố phát triển đột phá hơn trong thời gian tới.

Ưu đãi về thuế cần tính toán để đảm bảo công bằng

Phát biểu tại hội trường, cơ bản các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ý kiến thống nhất cần thiết ban hành nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột để thể chế hóa chủ trương của Đảng, phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển thành phố nhanh và bền vững, trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, cực tăng trưởng có tác dụng lan tỏa tới cấp tỉnh trong vùng.

Đây là trường hợp đặc biệt khi lần đầu trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho một đơn vị cấp huyện. Điều này cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của thành phố Buôn Ma Thuột đối với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên.

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy: với cơ chế tài chính ưu đãi này, cả tỉnh Đắk Lắk cũng được hưởng lợi.

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy: với cơ chế tài chính ưu đãi này, cả tỉnh Đắk Lắk cũng được hưởng lợi.

ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, đây là lần đầu tiên Quốc hội nghiên cứu và ban hành một nghị quyết về mô hình cơ chế, chính sách đặc thù cấp huyện, thị so với các mô hình đã áp dụng với các địa phương khác như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa.

Quan tâm đến ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, ĐB Nguyễn Tạo cho rằng, cần phải đảm bảo công bằng đối với các địa phương khác trong cả nước. Đồng thời phải tính đến tác động ưu đãi này có thể dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, dễ thu hút nguồn lực đầu tư giữa các địa bàn trong khu vực Tây Nguyên và tạo kẽ hở cho chuyển giá nội địa của một số doanh nghiệp.

Hưởng cơ chế ưu đãi về thuế

Theo dự thảo nghị quyết, các doanh nghiệp đầu tư một số lĩnh vực trên địa bàn thành phố phố Buôn Ma Thuột được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Cùng đồng tình với các ĐBQH phát biểu trước đó, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) nhất trí về sự cần thiết ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho Buôn Ma Thuột xuất phát từ vị trí, vai trò của thành phố đối với toàn tỉnh và vùng Tây Nguyên.

ĐB cho rằng, bên cạnh những chính sách đã trình cần có thêm một số chính sách để thành phố phát triển đột phá mạnh hơn, như thế mạnh của Tây Nguyên là rừng và cây công nghiệp. ĐB đề nghị, cần có thêm cơ chính sách đặc thù với những ưu đãi cao nhất về chính sách đầu tư về thuế, về tín dụng, về khoa học công nghệ để Buôn Ma Thuột phát triển thành trung tâm công nghệ cao, chế biến sản phẩm của rừng và cây công nghiệp để tạo nên chuỗi giá trị và thương hiệu sản phẩm đặc trưng của rừng và cây công nghiệp của Tây Nguyên.

Theo dự thảo nghị quyết, các doanh nghiệp đầu tư một số lĩnh vực trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Phát huy lợi thế, tiềm năng và gỡ cả những điểm nghẽn

Theo ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) có đầy đủ cơ sở chính trị cho việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột. ĐB cho rằng, với cơ chế tài chính ưu đãi này, không chỉ thành phố Buôn Ma Thuột mà cả tỉnh Đắk Lắk cũng được hưởng lợi.

Đồng tình với cơ chế ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các lĩnh vực đầu tư và mức ưu đãi đầu tư như tờ trình của Chính phủ, ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị cần rà soát kỹ và cụ thể hơn nữa các lĩnh vực đầu tư. Theo đó, nếu có thu hút ngành sản xuất, chế biến cà phê phải kèm theo điều kiện về công nghệ, độ lớn, nguồn vốn đầu tư và tính mới của sản phẩm để đảm bảo công bằng với các tỉnh trong khu vực.

Buôn Ma Thuột có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Ảnh: TL.

Buôn Ma Thuột có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Ảnh: TL.

Ở một khía cạnh khác, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, nếu có cơ chế đặc thù về tài chính ngân sách nhưng không đồng hành cùng cải cách hành chính công, dịch vụ công, yếu tố con người để tạo điều kiện cho các nguồn lực được khơi dậy mạnh mẽ, thì sẽ không thể mang lại nhiều kết quả.

Sau phần phát biểu của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm.

Theo Bộ trưởng, cơ bản các đại biểu tán thành với chủ trương ban hành Nghị quyết này, tuy nhiên cần làm rõ hơn một số cơ chế đặc thù đối với thành phố.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là lần đầu tiên Chính phủ trình Quốc hội chính sách đặc thù cho đơn vị cấp huyện, đây là điều chưa có tiền lệ, cần thực hiện phù hợp với Kết luận 67-KL/TW của Bộ Chính trị, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và cả những điểm nghẽn của thành phố, của tỉnh, của vùng Tây Nguyên, không phá vỡ hệ thống pháp luật chung đã thống nhất.

“Có một số lĩnh vực cần mở rộng phạm vi để tạo điều kiện phát triển cho thành phố, nhưng lại nằm ngoài phạm vi của thành phố Buôn Ma Thuột, nên Chính phủ cần cân nhắc, xem xét để đảm bảo hợp lý, phù hợp với quy định của pháp luật” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói. Theo đó, để thực hiện Kết luận 67-KL/TW, Chính phủ đã xây dựng một chương trình hành động, đảm bảo không trùng lắp. Sắp tới, Chính phủ sẽ xây dựng các cơ chế đặc thù cho Đắk Lắk nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung để thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 23-NQ/TW.

Về các chính sách ưu đãi, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ sẽ bám sát Kết luận 67-KL/TW để hoàn thiện dự thảo nghị quyết. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tổ chức thực hiện và tiến hành sơ kết, đánh giá, từ đó có cái nhìn khách quan, toàn diện tình hình thực tế, từ đó cân nhắc để có những giải pháp phù hợp trong việc triển khai cơ chế, chính sách đặc thù ở các địa phương./.

Nới dư nợ vay, Buôn Ma Thuột có thêm 1.300 tỷ đồng

Về tổng mức dư nợ vay, dự thảo nghị quyết quy định: Tỉnh Đắk Lắk được vay không vượt quá 40% số thu ngân sách. Phần dư nợ tăng thêm được dành để đầu tư các dự án trên địa bàn. Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi phù hợp để thành phố Buôn Ma Thuột được hưởng và sử dụng toàn bộ phần dư nợ vay tăng thêm.

Nếu được áp dụng chính sách này, trần mức vay sẽ tăng thêm khoảng 1.300 tỷ đồng, góp phần thực hiện mục tiêu “huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng” cho địa phương./.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dai-bieu-quoc-hoi-dong-tinh-ve-co-che-chinh-sach-dac-thu-cho-buon-ma-thuot-116212.html