Đại biểu Quốc hội: Cân nhắc luật hóa thu phí giao thông nội đô

Thu phí giao thông nội đô áp dụng đối với ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung thời gian nhất định để hạn chế sự phát triển quá mức của phương tiện giao thông cá nhân.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy tham gia thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy tham gia thảo luận.

Cân nhắc luật hóa thu phí giao thông nội đô là vấn đề được Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) đưa ra khi Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đường bộ, sáng 21/5.

Đề nghị cân nhắc bổ sung thêm phí giao thông nội đô áp dụng đối với ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung thời gian nhất định, theo bà Thủy, một mặt để hạn chế sự phát triển quá mức của phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị. Mặt khác, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước để tăng cường hỗ trợ phát triển kết cấu giao thông đường bộ và hệ thống giao thông công cộng trong các đô thị.

Theo Phó chủ nhiệm Nguyễn Phương Thủy, hiện tại, cả 5 thành phố trực thuộc trung ương đều đã được phép thí điểm quy định các loại phí chưa được quy định trong luật. Một số thành phố như Hà Nội, TP.HCM đã tiến hành xây dựng các đề án về phí nội đô hay phí kẹt xe.

Tuy nhiên, do cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, ổn định, nên việc triển khai áp dụng còn khá dè dặt. Nếu Luật Đường bộ và Luật Phí và lệ phí có quyết định chính thức về loại phí này đồng thời giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể về phạm vi, địa bàn, đối tượng và mức áp dụng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho việc triển khai ở các địa phương, góp phần giải quyết phần nào các vấn đề bức xúc hiện nay tại các đô thị lớn.

Tham gia ý kiến về đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) đề nghị bổ sung vào luật 1 điều quy định mang tính nguyên tắc: "Nhà nước có trách nhiệm khuyến khích, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân tự nguyện bỏ vốn để đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, bảo trì hạ tầng giao thông đường bộ”.

Điều này, theo ông Thịnh nên giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện để đảm bảo tinh thần khuyến khích tính chủ động, trách nhiệm phục vụ, hỗ trợ và giải trình của Nhà nước khi tiếp nhận các đề xuất của các tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn để đầu tư,

Vị đại biểu Bắc Giang phân tích, hiện nay, nhu cầu tổ chức, cá nhân có nguyện vọng tự bỏ toàn bộ hoặc một phần kinh phí để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông để phục vụ lợi ích của mình và đem lại lợi ích cho cộng đồng, lợi ích chung là có và tiềm năng rất lớn.

Ví dụ, chủ đầu tư một khu công nghiệp có quy mô từ 200 ha đến 300 ha mà khu đất đó gần đường cao tốc, nhưng chưa có đường đấu nối vào nút giao. Nếu quy hoạch mở mới không vướng quy chuẩn, trong khi Nhà nước chưa có kế hoạch đầu tư thì chủ đầu tư sẵn sàng có nguyện vọng bỏ kinh phí ra để làm nút giao và đường đấu nối. Khi đó, chi phí phải tăng thêm bình quân 10 ha đất công nghiệp cũng chưa đến 1 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với lợi ích tăng giá đất công nghiệp nếu có đường đấu nối và nút giao vào cao tốc.

Việc này đem lại lợi ích cho chủ đầu tư khu công nghiệp, chủ đầu tư đường cao tốc, và cả nhân dân địa phương ở khu vực đó, ông Thịnh nhấn mạnh.

 Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) tham gia thảo luận.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) tham gia thảo luận.

Tương tự, một nhóm các nhà đầu tư khu công nghiệp, khu đô thị lớn sẽ sẵn sàng bỏ tiền để đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các hạ tầng giao thông kết nối đến khu công nghiệp, khu đô thị để nâng cao giá trị sản phẩm của mình.

Sau nhận định trên, ông Thịnh nêu thực tế, tại tỉnh Bắc Giang đã có nhóm các chủ bến, bãi cát, sỏi ven sông xin được đầu tư nâng cấp mặt đê với tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn cứng hóa mạch đê cấp một của cơ quan nhà nước để vừa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình và vừa phục vụ được nhân dân tốt hơn. Qua thời gian 10 năm kiểm chứng chất lượng công trình rất tốt. Nhu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ tiền ra đầu tư, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa kết cấu hạ tầng đường bộ rất phong phú, từ các công trình nhỏ như các cây cầu dân sinh tình nguyện, cải thiện hạ tầng nơi sinh sống, kinh doanh đến các công trình lớn như đã nêu ở trên.

Việc bổ sung quy định trên, theo ông Thịnh cũng sẽ mở đường khai thác triệt để phương thức hợp tác công - tư trong đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Hợp tác công - tư trong trường hợp này không trùng hợp với các dự án TPP được quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức công - tư năm 2020.

Hợp tác công - tư dạng này giải quyết được câu chuyện đem lại lợi ích cho tổ chức, cá nhân bỏ tiền và lợi ích của cộng đồng, trong khi xã hội lại tiết kiệm được chi phí đầu tư, Nhà nước thì can thiệp tối thiểu. Nguồn vốn đầu tư xã hội được phát huy hiệu quả, dễ dàng triển khai được ngay khi không phải thực hiện việc đánh giá hiệu quả đầu tư đối với nguồn vốn đầu tư.

Hợp tác dạng này cũng mở đường cho những cách làm mới trong bảo trì kết cấu đường bộ khi huy động được cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có lợi ích trực tiếp từ đoạn đường, tuyến đường tham gia giúp Nhà nước tiết kiệm chi phí, có nhiều phương thức bảo trì để đối chứng, từ đó cải thiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo trì.

Lý do tiếp theo cần bổ sung quy định trên được ông Thịnh nêu là, quy định này trong một số trường hợp cũng sẽ hỗ trợ cho việc phân chia trách nhiệm trong đầu tư hạ tầng cho tổ chức, cá nhân được hưởng lợi trực tiếp nhiều nhất, dành nguồn lực của Nhà nước cho cộng đồng và khu vực khó khăn hơn. Đồng thời cũng giải quyết được câu chuyện phân bổ địa tô tăng thêm khi hạ tầng thay đổi cho cả xã hội cùng hưởng lợi thay vì chỉ một ít người được hưởng lợi lớn, hướng đến mục tiêu công bằng xã hội.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dai-bieu-quoc-hoi-can-nhac-luat-hoa-thu-phi-giao-thong-noi-do-d215680.html