Đại biểu QH Lê Thanh Vân: Cán bộ phải phân biệt được đúng sai

TS Lê Thanh Vân (ảnh) , Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng chất lượng cán bộ nhìn nhận trước hết ở khả năng nhận thức sự việc.

Thể hiện đạo đức công vụ

Thưa ông thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc gây bức xúc trong dư luận vì cán bộ cấp xã, phường. Để xảy ra những việc như vậy liệu có phải do cán bộ còn yếu?

Vụ việc cán bộ phường tự ý cắt khóa vào nhà dân bắt gà ở TP.HCM khiến dư luận bức xúc. (ảnh chụp từ màn hình)

"Việc thực thi công vụ thời gian qua có nhiều vụ việc khiến cho xã hội bức xúc, cái đó có nguyên nhân là từ công tác cán bộ. Nói đến chất lượng cán bộ, trước hết là khả năng nhận thức về sự việc, việc nhận thức đó phụ thuộc vào kiến thức mà người cán bộ được học hành, đào tạo hoặc năng lực trí tuệ”.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân

- Đúng như vậy, tất cả mọi thứ liên quan đến chất lượng hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền là từ công tác cán bộ. Bác Hồ từng nói: Cán bộ là gốc của công việc, công việc thành hay bại là do cán bộ tốt hay kém. Việc thực thi công vụ thời gian qua có nhiều vụ việc khiến cho xã hội bức xúc, cái đó có nguyên nhân là từ công tác cán bộ. Nói đến chất lượng cán bộ, trước hết là khả năng nhận thức về sự việc, việc nhận thức đó phụ thuộc vào kiến thức mà người cán bộ được học hành, đào tạo hoặc năng lực trí tuệ. Có người được học hành, đào tạo bài bản, có kiến thức để làm công cụ để soi rọi những vấn đề đúng sai. Có người không được đào tạo, học hành bài bản nhưng bằng trí tuệ và khả năng tự học họ cũng biết cách tự soi rọi.

Điều quan trọng nhất của một người làm cán bộ, công chức, viên chức đó chính là năng lực nhận biết đúng sai. Thời gian qua nhiều vụ việc xảy ra được báo chí phản ánh khiến chính quyền cấp trên phải vào cuộc như việc ứng xử của Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân (Hà Nội), trước đó là vụ bẻ hoa của Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận, chuyện cấp giấy chứng tử ở phường Văn Miếu, rồi cán bộ xã phê xấu vào sơ yếu lý lịch của người dân, cán bộ phường phá khóa nhà dân để thu giữ gà…

Qua những vụ việc nêu trên thể hiện khả năng nhận thức vấn đề đúng sai của người cán bộ. Trước hết là vấn đề đúng sai trong chuẩn mực đạo đức, thứ hai là nhận thức công việc để có hành vi phù hợp với pháp luật. Xin nói là ở nước ta chưa có quy định nào ở tầm đạo luật buộc công dân phải thực hiện nghĩa vụ đóng tiền để làm đường hay các công trình ở cơ sở. Ví dụ như chuyện cán bộ xã phê xấu vào sơ yếu lý lịch của người dân chỉ vì gia đình họ không thực hiện nghĩa vụ đóng góp xuất phát từ nhận thức. Việc đóng góp này trên cơ sở tự nguyện phù hợp với khả năng đóng góp của từng người và sự đồng thuận của tập thể. Đó không phải là quy tắc xử sự mang tính chất như đạo luật. Thế nhưng trong nhận thức của không ít cán bộ xã, chưa đóng góp các khoản theo quy định của địa phương, nghĩa là không chấp hành pháp luật.

Nếu như chất lượng cán bộ đảm bảo sẽ không xảy ra những vụ việc gây bức xúc cho dư luận xã hội như thời gian qua, thưa ông?

- Vấn đề chất lượng cán bộ, trước hết ở đây là trình độ chuyên môn về chính trị, pháp lý, chuyên ngành. Người cán bộ học hành có thực không, chất lượng hấp thụ tri thức thế nào; khả năng nhận thức của bản thân với công việc mình đảm nhiệm, khả năng nhận thức các quan hệ xã hội; khả năng phân biệt đúng sai trong chấp hành pháp luật, vận dụng pháp luật, đó là năng lực nhất định phải có ở một cán bộ công chức.

Vấn đề chất lượng cán bộ còn thể hiện ở đạo đức công vụ. Đạo đức công vụ nghĩa là cái tâm của cán bộ trong giải quyết công việc thuộc thẩm quyền. Quy định của pháp luật không chỉ rõ những hành vi nào là hành vi công vụ nhưng người cán bộ giải quyết công việc đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn, góp phần vào giải quyết nhanh các giao dịch cho nhân dân thì đó chính là thực hiện tốt hành vi đạo đức công vụ.

Đạo đức công vụ còn mang tính biết cách ứng xử giữa con người với nhau. Chẳng hạn việc báo tử của công dân. Nói về việc này trước hết là một vấn đề liên quan đến đạo đức, người cán bộ có trách nhiệm giải quyết thủ tục thì việc đầu tiên phải biết chia sẻ với mất mát của gia đình người dân, sau đó phải giải quyết nhanh chóng trước cái yêu cầu chính đáng của họ, chứ không phải vô cảm, rồi giải quyết chậm khiến người dân đi lại nhiều lần. Qua tìm hiểu, nghiên cứu tôi thấy có nhiều ví dụ để chứng minh vấn đề chất lượng cán bộ đáng báo động.

Phân loại được cán bộ

Được biết mới đây ông có thư kiến nghị rất tâm huyết về vấn đề công tác cán bộ gửi Trưởng ban Tổ chức T.Ư và được hồi đáp một cách trân trọng. Lý do gì thôi thúc ông làm việc này?

- Những suy nghĩ, trăn trở về công tác cán bộ của tôi đã diễn ra từ rất lâu. Từ ngày còn làm cán bộ, rồi lãnh đạo Vụ Công tác đại biểu (nay là Ban Công tác đại biểu), giúp việc cho Văn phòng Quốc hội, tôi đã tiếp xúc nhiều những công việc liên quan đến nhân sự và tổ chức bộ máy. Sau này làm công tác quản lý, giữ chức Vụ phó, Vụ trưởng rồi trở thành đại biểu Quốc hội khóa XIII, nay tiếp tục khóa XIV. Đặc biệt, tôi được T.Ư luân chuyển về làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, tức là đã được ngồi trong nhóm lãnh đạo cao nhất của một tỉnh để giải quyết những công việc.

Qua trải nghiệm như vậy tôi càng nhận ra rằng cán bộ là vô cùng quan trọng, nó là những cấu thành của một bộ máy vận hành, trục trặc của bộ máy chính là trục trặc về cán bộ. Qua trải nghiệm như vậy tôi càng nhận ra rằng cán bộ là vô cùng quan trọng, nó là những cấu thành của một bộ máy vận hành, trục trặc của bộ máy chính là trục trặc về cán bộ. Gần đây khi Ban Tổ chức T.Ư gửi dự thảo về quy định phân cấp cán bộ cho các cơ quan chức năng. Đảng đoàn Quốc hội có gửi đến các tổ Đảng, tôi cũng góp ý về những nét khái quát. Tuy nhiên sau đó tôi cứ trăn trở nghĩ việc góp ý như vậy còn khái quát quá, nghĩ đây là cơ hội nên tôi đã viết kiến nghị gửi Trưởng ban Tổ chức T.Ư. Tôi biết ông Phạm Minh Chính đọc rất kỹ và có gửi thư hồi âm.

Trong thư trả lời, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính có viết “Trước hết, xin cảm ơn đồng chí đã quan tâm và gửi thư trao đổi ý kiến về dự thảo Quy định về phân cấp quản lý cán bộ. Tôi trân trọng đánh giá cao tâm huyết, hiểu biết và những nghiên cứu của đồng chí trong lĩnh vực này đã gợi mở cho chúng tôi suy nghĩ thêm trong quá trình hoàn thiện dự thảo…”.

Bản kiến nghị tâm huyết của ông đã đưa ra những giải pháp gì để góp phần giúp công tác cán bộ tốt hơn thưa ông?

- Nói về công tác cán bộ có nhiều đề, trong thư gửi Trưởng ban Tổ chức T.Ư, tôi mới chỉ đề cập đến một nhóm vấn đề về phân cấp quản lý cán bộ. Vấn đề quan trọng là định nghĩa được cán bộ, thứ hai là phân loại cán bộ. Trong thư tôi có đề cập phân loại cán bộ quản lý điều hành trên 6 lĩnh vực đó là chính trị, quản lý, điều hành, chuyên môn, khoa học công nghệ, văn hóa nghệ thuật. Đó là những lĩnh vực điển hình nhất của các quan hệ xã hội mà công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành tác động tới. Với những các lĩnh vực trên phải có những nhóm cán bộ tương ứng. Phải phân loại ra được, sau đó định nghĩa được tiêu chí để nhận diện ra cán bộ ở mỗi lĩnh vực.

Chúng ta đã có sự nhầm lẫn đáng tiếc trong việc phân loại, nhận diện và sử dụng cán bộ. Đôi khi, vì cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn, vì tính đại diện mà xem nhẹ chất lượng cán bộ. Đối với các chức danh do bầu cử (lãnh đạo, quản lý), phải trình bày được cương lĩnh, chương trình, kế hoạch hành động và bảo vệ được quan điểm, tư tưởng của mình trước tập thể có thẩm quyền. Đối với các chức danh do bổ nhiệm (điều hành), thì nhất thiết phải thông qua thi tuyển. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tiến cử nhân tài, phải xác định trách nhiệm cụ thể của tập thể, cá nhân trong việc tuyển chọn cán bộ và tiến cử nhân tài, với các quy định về thưởng, phạt nghiêm minh…

Xin cảm ơn ông! 

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/dai-bieu-qh-le-thanh-van-can-bo-phai-phan-biet-duoc-dung-sai-795894.html