ĐẠI BIỂU NÀNG XÔ VI: BỔ SUNG THÊM NGUYÊN TẮC KHEN THƯỞNG ĐÚNG ĐỐI TƯỢNG, ĐÚNG THÀNH TÍCH

Qua nghiên cứu dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Nàng Xô Vi đề xuất bổ sung thêm nguyên tắc khen thưởng đúng đối tượng, đúng công trạng, thành tích vào khoản 2 Điều 6 dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và hoàn thiện quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Nàng Xô Vi phát biểu thảo luận

Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Nàng Xô Vi phát biểu thảo luận

Phát biểu tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng(sửa đổi), đại biểu Nàng Xô Vi thống nhất về nội dung dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) do Chính phủ trình Quốc hội. Đối với nội dung cụ thể của dự án luật, đại biểu có 3 ý kiến góp ý cụ thể:

Thứ nhất, về nguyên tắc thi đua, khen thưởng quy định tại Điều 6 dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), gồm 3 nhóm đã cơ bản khắc phục được những tồn tại, bất cập hiện nay trong công tác thi đua, khen thưởng mà Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2005 và 2013, đó là còn hạn chế việc khen thưởng đối với những người tham gia lao động sản xuất trực tiếp như công nhân, nông dân.

Đại biểu thống nhất việc bổ sung nội dung quan tâm khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, học tập, công tác nhằm tạo động lực để những nhóm đối tượng này tiếp tục hăng say lao động, sáng tạo, tạo ra của cải vật chất. Tuy nhiên, đề nghị ưu tiên khen thưởng những người đang công tác, sinh sống tại địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo, vùng biên giới. Lý do nước ta có biên giới trên đất liền trên 4.500km, giáp với các quốc gia như Trung Quốc, Lào, Campuchia và cũng có biên giới trên biển Đông, bờ biển, biển đảo mà trong đó có rất nhiều đảo, quần đảo như 2 quần đảo lớn Hoàng Sa và Trường Sa. Trong thực tế, để giữ vững chủ quyền biển đảo, gìn giữ biên giới, bờ cõi, phên giậu của Tổ quốc những người sinh sống, công tác, tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại địa miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo, vùng biên giới còn gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ của mình nên rất cần nhà nước ưu tiên trong việc xét khen thưởng để ghi nhận thành tích, công lao và sự cống hiến của họ cho đất nước.

Thứ hai, đề nghị xem xét bổ sung thêm nguyên tắc khen thưởng là đúng đối tượng, đúng công trạng, thành tích vào khoản 2 Điều 6 dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Thứ ba, về việc xử lý vi phạm thi đua, khen thưởng quy định tại Điều 93 dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Dự án luật đã dự kiến được các hành vi vi phạm có thể xảy ra trong quá trình thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng. Khoản 1 Điều 93 dự án Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi quy định cá nhân, tập thể có một trong các hành vi sau có thể bị hủy bỏ quyết định khen thưởng và thu hồi hiện vật, tiền thưởng đã nhận. Các điểm tại khoản 1 Điều 93 căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Theo đại biểu, để việc xử lý vi phạm về thi đua, khen thưởng được toàn diện, đồng bộ, thống nhất với nguyên tắc thi đua, khen thưởng được đề nghị bổ sung nói trên, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung cụm từ "công trạng" vào sau cụm từ "kê khai" quy định tại điểm a khoản 1 Điều 93 dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và biên tập lại như sau: “Gian dối trong việc kê khai công trạng thành tích để được khen thưởng"./.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=60216