Đặc sản đậu Bình Long cần nguyên liệu là đỗ tương bản địa

Nói đến Bình Long (Võ Nhai) nhiều người nhớ ngay đến sản phẩm đặc trưng nổi tiếng của địa phương là đỗ tương và nghề làm đậu phụ ít nơi nào sánh bằng. Có thời điểm, đậu phụ Bình Long (Võ Nhai) đã 'cất cánh' bay xa khỏi phạm vi xã, huyện tới các chợ lớn của TP. Thái Nguyên, hay ngược lên các chợ của một số địa phương giáp ranh vơi Võ Nhai, như Bắc Sơn (Lạng Sơn)… Thế nhưng, hiện nay, chính người Bình Long còn khó mua đỗ tương của quê hương mình, mà phải đến các đại lý mua đỗ tương ở vùng khác nhập về.

Bà Đàm Thị Lự, ở xóm Chợ, xã Bình Long, có hơn 30 năm gắn bó với nghề làm đậu phụ, giới thiệu về loại đỗ tương mua ở đại lý.

Bà Đàm Thị Lự, ở xóm Chợ, xã Bình Long, có hơn 30 năm gắn bó với nghề làm đậu phụ. Thời “hoàng kim”, nghề này đã giúp gia đình bà có “đồng ra, đồng vào” để chăm lo cho các con học hành; tích góp xây dựng, sửa sang nhà cửa… Nhưng nay, mỗi ngày gia đình chỉ làm từ 10-15kg đậu; 10 ngày mới phải mua một bao đỗ tương loại 50kg ở đại lý. Bà bảo: Mua đỗ tương Bình Long giờ rất khó, vì không thấy có bán. Loại đỗ tương tôi đang sử dụng tuy hạt to, căng bóng nhưng không có độ ngậy và thơm như đỗ tương Bình Long nên đậu phụ làm ra bán chậm. Để có thêm thu nhập, tôi phải làm thêm cả mỳ gạo để bán.

Lý giải việc nông dân Bình Long không còn mặn mà trồng đỗ tương và làm đậu phụ, bà Nguyễn Thị Gấm, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Long, cho biết: Nguyên nhân chính là trồng loại cây này vất vả. Quá trình chăm sóc cây phải hoàn toàn làm thủ công từ khâu nhổ cỏ, thu hái, tách vỏ…; không được phun thuốc diệt cỏ. Thu hoạch cũng phải chờ hôm tạnh ráo, nắng nóng thì càng tốt nên bà con thường chọn thời điểm thu hoạch vào giữa trưa. Chưa kể, loại cây này còn gây nhặm ngứa, rất khó chịu. Vất vả là thế nhưng giá bán lại không cao, chỉ từ 25-30 nghìn đồng/kg. Hơn nữa, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp để dành quỹ đất cho các mục đích khác; người trẻ lại “ly nông, ly hương” đến các công ty, nhà máy làm việc. Ở địa phương phần lớn lao động chỉ còn người già, nên họ phải lựa chọn loại cây trồng mới cho năng suất, giá bán cao hơn để tăng thu nhập, như ngô ngọt, ngô nếp, dưa bao tử… Tuy nhiên, nghề trồng đậu tương và làm đậu phụ đã trở thành “thương hiệu” đối với xã Bình Long, nên dù khó khăn đến đâu, chúng tôi cũng phối hợp với ngành chức năng của huyện để bảo tồn và phát triển giống mới cho năng suất, chất lượng cao.

Vào vụ xuân, trên các cánh đồng của xã Bình Long như: Bình Tiến, An Long, Liên Bình… có nhiều người đang xới đất, lật cỏ, bón lót phân hoai mục, chuẩn bị cho việc trồng cấy. Chúng tôi xuống hỏi chuyện bà con nông dân, nhưng phần lớn đều cho biết đang chuẩn bị trồng ngô nếp, dưa bao tử… Chị Đỗ Thị Nhị, xóm Đông Tiến, nói có chút tiếc nuối: Trước kia, tôi trồng tới 6 sào đỗ tương, mỗi vụ thu hơn 1 tấn hạt. Nhờ trồng đỗ tương, gia đình cũng có chút tích lũy, nhưng giờ phải chuyển toàn bộ diện tích sang trồng chè lai. Mình là nông dân cũng phải thích ứng với thị trường.

Có lẽ bởi những lý do nêu trên mà diện tích trồng đỗ tương ở Bình Long giảm mạnh qua từng năm, chỉ tính 3 năm gần đây, diện tích đỗ tương toàn xã đã giảm từ hơn 10ha xuống còn 2ha trong năm nay.

Để cây đậu tương và nghề làm đậu phụ truyền thống ở Bình Long không bị mai một, từ năm 2022, xã đã phối hợp với cán bộ phòng chuyên môn của huyện Võ Nhai triển khai Dự án bảo tồn các giống đậu tương chất lượng cao, kết hợp mở rộng vùng sản xuất đậu tương giống mới gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm đậu phụ Võ Nhai. Những hộ đăng ký tham gia được hỗ trợ phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái…

Anh Nguyễn Văn Tiến, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai cho biết: Năm nay, Dự án được triển khai tại các xã Bình Long, Dân Tiến, Tràng Xá và Phương Giao với quy mô 33ha, tổng kinh phí thực hiện hơn 207 triệu đồng. Chúng tôi tích cực phối hợp với các xã để tuyên truyền, vận động bà con bên cạnh đưa các giống cây mới vào gieo trồng thì dành một số diện tích để trồng cây đỗ tương vì lợi ích lâu dài và bền vững. Với chất lượng riêng có của đậu tương, đậu phụ Bình Long thì sớm muộn đỗ tương Tàu cũng sẽ không còn chỗ đứng trên thị trường nơi đây. Các giống chủ yếu hiện nay chúng tôi đang khuyến khích bà con trồng là Cúc bóng, Cúc Nhật, ĐT34, ĐT84… năng suất đạt từ 80-85kg/sào.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202403/dac-san-dau-binh-long-can-nguyen-lieu-la-do-tuong-ban-dia-1e0053c/