Đặc sắc Lễ hội Thanh Minh trên đất cao nguyên

Đến hẹn lại lên, cứ vào tiết Thanh Minh hàng năm, đồng bào các dân tộc phía Bắc sinh sống tại tỉnh Đắk Lắk lại nô nức tham dự Lễ hội Thanh Minh tổ chức ở xã Cư A Mung, huyện Ea Hleo. Năm nay, lễ hội có chủ đề 'Cư A Mung nơi hội tụ, giao lưu và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc', diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 4 đến 6/4.

Sau tiếng trống khai hội, người dân và du khách được đắm chìm trong không gian âm nhạc đặc sắc của câu hát then, tiếng đàn tính... tại Lễ hội Thanh Minh ở xã Cư A Mung. Các chị, các cô xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống. Cánh đàn ông quây quần uống với nhau những ly rượu nồng. Người già người trẻ háo hức với những trò chơi dân gian truyền thống xa quê lâu năm, người dân tộc thiểu số phía Bắc ai cũng phấn khởi đến với lễ hội. Mọi người còn mang theo nhiều món ăn truyền thống để giao lưu.

Sắc màu văn hóa tại lễ hội thanh minh ở Cư A Mung

Chị Hoàng Thị Huyền, dân tộc Tày, ở xã Cư Mốt, huyện Ea Hleo, cho biết: “Hôm nay đến với Lễ hội thì bên xã Cư Mốt em đem đến 4 món ăn đặc trưng của dân tộc Tày, thứ nhất là heo quay mắc mật, thứ hai là xôi ngũ sắc, thứ ba là bánh dầy, thứ tư là bánh chuối. Về xôi ngũ sắc thì đây là một trong những món không thể thiếu trong dịp lễ Tết của người dân tộc Tày, tượng trưng cho tình yêu thương, sự may mắn”.

Với bà Triệu Thị Lương, dân tộc Nùng, đến từ xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, được hòa vào ngày hội là niềm vui khó có thể kể hết: “Về tham dự ngày hội Thanh Minh, là ngày lễ có thầy mo này, thầy bựt nè, rồi biểu diễn văn nghệ hát hò thì rất là thích. Tôi cảm thấy rất vui, đời người thấy như thế này là vui lắm”.

Những cô gái Dao Đỏ về chung vui tại lễ hội

Lễ hội thanh minh ở Cư A Mung ban đầu do bà con người Nùng sinh sống tại đây tổ chức. Sau mỗi năm, lễ hội lại ngày càng lan rộng, thu hút đông đảo bà con các dân tộc phía Bắc sinh sống trong vùng cùng tham gia, và có sự giao lưu văn hóa của bà con người Gia Rai ở Tây Nguyên.

Tham dự lễ hội năm nay, ông Y Wen Siu, Trưởng buôn TơZoa, xã Cư Amung, cho biết: “Đồng bào buôn Tơzoa hôm nay đến góp vui với Lễ hội Thanh Minh, thứ nhất là đội biểu diễn cồng chiêng để nói về bản sắc văn hóa của dân tộc Gia Rai, thứ hai là đội múa, thứ ba là không thể thiếu được ché rượu cần, thứ 4 là cái gùi và bọng lúa; hứ năm là cái nỏ, là gian hàng quần áo thổ cẩm, vật dụng… Nói chung là đầy đủ vật dụng cho một lễ hội”.

Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Cư A Mung, cho biết, xã hiện có gần 600 hộ người Nùng An sinh sống, chiếm khoảng 50% dân số. Lễ hội Thanh Minh mang đậm nét tâm linh của người Nùng An, nay đã trở thành lễ hội chung đặc sắc của các dân tộc ở địa phương.

“Đến với Lễ hội thanh minh lần thứ 7 này, du khách sẽ được đắm chìm trong không gian văn hóa mang đậm chất các dân tộc miền núi phía Bắc, cùng với đấy là hội tụ giao lưu văn hóa văn nghệ và hòa quyện với văn hóa Tây Nguyên qua nhịp chiêng điệu xoang của đồng bào Gia-rai. Qua đây không những đời sống tinh thần của bà con được nâng lên mà còn thể hiện được tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em. Và điều đó cũng tạo nên néo đẹp riêng của Lễ hội thanh minh giữa lòng Tây Nguyên”./.

CTV Hoàng Phúc/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/dac-sac-le-hoi-thanh-minh-tren-dat-cao-nguyen-post1012645.vov