Đã tìm ra chìa khóa giải mã kiến trúc điện Kính Thiên

Các nhà khảo cổ học đã tìm ra được những tư liệu tin cậy và xác thực chứng minh rằng kiến trúc điện Kính Thiên thuộc loại kiến trúc đấu củng. Đây là 'chìa khóa' quan trọng cho hành trình nghiên cứu giải mã bí ẩn về hình thái kiến trúc điện Kính Thiên.

Chiều 29/11, Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức trưng bày Giải mã bí ẩn kiến trúc điện Kính Thiên tại Bảo tàng Hà Nội.

PGS.TS Bùi Minh Trí - Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh thành - cho biết lần trưng bày này gồm các tư liệu, hiện vật, mô hình kiến trúc kết hợp công nghệ trình chiếu thành tựu nghiên cứu giải mã hình thái kiến trúc điện Kính Thiên dựa trên kết quả nghiên cứu khảo cổ học, sử học và nghiên cứu so sánh với hệ thống kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á.

Trưng bày Giải mã bí ẩn kiến trúc điện Kính Thiên diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội.

Trưng bày cũng quảng bá những thành tựu nghiên cứu khoa học xã hội và đóng góp của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong nghiên cứu khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau hơn 20 năm, giúp người dân Thủ đô hình dung rõ hơn về vẻ đẹp độc đáo, tráng lệ của kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê sơ.

Điện Kính Thiên là tòa điện thiết triều, nằm chính giữa trung tâm Cấm thành của kinh đô Thăng Long thời Lê sơ. Trải qua hơn 388 năm tồn tại, năm 1816 vua Gia Long đã cho xây dựng cung điện mới ngay tại nền điện Kính Thiên để làm hành cung cho các vua nhà Nguyễn mỗi khi tuần du ra Bắc.

Năm 1886, sau khi Pháp chiếm Hà Nội, điện Long Thiên bị phá hủy để xây tòa nhà của quân đội Pháp. Dấu tích của điện Kính Thiên còn lại trên mặt đất ngày nay chính là thềm bậc đá chạm rồng.

Kiến trúc điện Kính Thiên thuộc loại kiến trúc đấu củng.

Từ năm 2011 đến nay đã có hàng chục cuộc khai quật diễn ra xung quanh điện Kính Thiên. Kết quả khai quật và nghiên cứu khảo cổ có nhiều phát hiện mới, cung cấp nhiều tư liệu khoa học tin cậy cho việc nghiên cứu phục dựng hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ, đặc biệt là tòa chính điện Kính Thiên trong Cấm thành Thăng Long.

PGS.TS Bùi Minh Trí khẳng định các nhà khảo cổ học đã tìm ra được những tư liệu tin cậy và xác thực chứng minh rằng kiến trúc điện Kính Thiên thuộc loại kiến trúc đấu củng. Đây là chìa khóa quan trọng cho hành trình nghiên cứu giải mã bí ẩn về hình thái kiến trúc điện Kính Thiên.

Chìa khóa quan trọng nhất trong việc giải mã hình thái điện Kính Thiên chính là kiến trúc đấu củng.

Dựa vào kích thước của thềm bậc đá chạm rồng có thể tính được gian chính của Điện Kính Thiên có chiều rộng 4,8 m, gian hai bên rộng 4,2 m. “Đây là tòa điện xây dựng trên cấp nền cao, phía trước có thềm bậc đá chạm rồng, kích thước lớn gồm 11 bậc, chia làm 3 lối đi. Kiến trúc này có quy mô lớn, thuộc loại kiến trúc đấu củng, trùng diêm, trên mái lợp ngói rồng men vàng đặc sắc và được trang trí bằng các tượng đầu rồng vươn cao lên trời, tạo nên vẻ đẹp cao sang và quyền lực của vương triều", ông Trí nói.

Ngói vàng hình rồng dùng để lợp mái điện Kính Thiên.

Bộ mái của kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê sơ là công trình “nghệ thuật mái nhà” đặc sắc. Các loại ngói rồng men vàng bừng sáng trên bộ mái chứa đựng và lan tỏa những triết lý văn hóa nội tại của công trình, phản ánh sự kết hợp tinh tế giữa vẻ đẹp hình dáng và vẻ đẹp ý tưởng, đưa lại một sắc thái hay diện mạo văn hóa tươi mới cho nghệ thuật kiến trúc cung điện Việt Nam.

Phương Trang

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/da-tim-ra-chia-khoa-giai-ma-kien-truc-dien-kinh-thien-post1591203.tpo