Đã quen với Tết vắng nhà

Khi những chuyến xe chở đào, quất hối hả về trưng Tết, bữa cơm tất niên được dọn lên... ai cũng nhanh chóng về nhà để được sum vầy cùng gia đình, người thân thì nhiều cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng công an vẫn miệt mài làm việc. Với họ, tăng cường trực Tết là nhiệm vụ, đặc thù công việc để người dân được đón xuân vui tươi, an toàn.

Gác cho dân vui xuân

Trước, trong và sau Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, nguy cơ cháy nổ lớn và đặc biệt là các loại tội phạm ráo riết hoạt động, điều đó đồng nghĩa với việc cán bộ, chiến sĩ phải làm việc cường độ cao hơn. Bước vào đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) Tết Nguyên đán (từ ngày 15/12/2023), lực lượng công an toàn tỉnh đã sẵn sàng các phương án, chủ động phòng ngừa, quyết liệt đấu tranh với mọi hành vi vi phạm pháp luật.

Lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh làm nhiệm vụ. Ảnh: PV.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Điệp, Phó Trưởng Công an TP Bắc Giang bộc bạch: Để người dân đi lại mua sắm Tết, kinh doanh thuận lợi, an toàn, Công an TP bám sát kế hoạch cao điểm bảo đảm ANTT, an toàn tuyệt đối. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã quen với việc “không có Tết”. Làm nhiệm vụ bảo đảm ANTT đối với chúng tôi không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là niềm vui, hạnh phúc. Cứ hình dung đang đi chơi Tết, mua sắm hàng hóa mà bị móc túi mất tiền, mất điện thoại di động thì buồn biết chừng nào.

Cách đây mấy năm, vào chiều 29 Tết, có trường hợp người dân đi sắm Tết bị cướp giật, Công an TP đã nhanh chóng bắt được thủ phạm, trả lại tài sản cho người mất. Đặc biệt là thời khắc giao thừa, nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ nặng nề hơn bởi rất đông người dân từ khắp nơi đến trung tâm TP Bắc Giang xem bắn pháo hoa, hòa cùng không khí ngày xuân. Để bảo đảm ANTT, Công an TP huy động 100% cán bộ, chiến sĩ cùng với lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở tuần tra, kiểm soát, chốt chặn khép kín các địa bàn, ngăn chặn hành vi đốt pháo nổ trái phép, thanh thiếu niên quá khích vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Trung tá Giáp Ngọc Huyên, Phó Đội trưởng Đội công tác chữa cháy, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) kể: “Công tác trong ngành 25 năm cũng là ngần ấy năm tôi và đồng đội trực giao thừa. Trước những diễn biến phức tạp, đặc biệt là nhiều vụ cháy nổ trong thời gian gần đây, không phải chờ đến dịp Tết, mà các ngày trong năm, chúng tôi luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng trong mọi tình huống nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân”.

Được biết, những ngày bình thường, trong số gần 50 cán bộ, chiến sĩ đều là nam giới của Đội, lúc nào cũng phải thường trực từ 70-80% quân số thì dịp Tết phải bảo đảm đủ 100% bởi “bà hỏa” có thể bùng phát, gây thiệt hại bất kể lúc nào, nhất là tình trạng đốt pháo trộm, thắp hương dễ gây ra cháy nổ. Nhận nhiệm vụ cao điểm bảo vệ Tết, cán bộ, chiến sĩ làm tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các hộ gia đình nhà ở kết hợp kinh doanh.

Dịp Tết, người và phương tiện lưu thông tăng đột biến, trong đó có phương tiện chở hàng hóa cồng kềnh. Ai cũng vội vã, mong sớm trở về nhà, rồi tiệc vui uống rượu dễ xảy ra tai nạn giao thông. Theo Thượng tá Ngô Quang Tuấn, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, lường trước những tình huống đó, đơn vị đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ; quán triệt đến từng cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám tuyến, địa bàn để tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Sẵn sàng hướng dẫn người tham gia giao thông, ứng phó với những tình huống xấu, bảo đảm cho nhân dân đi lại thuận lợi, an toàn trong dịp Tết. Bên cạnh tuần tra kiểm soát trật tự an toàn giao thông còn phòng chống tội phạm trên tuyến. “Dù không được quây quần cùng người thân nhưng chúng tôi luôn thấy tự hào vì đã đóng góp một phần công sức giữ cho giao thông được thông suốt, bảo đảm an toàn cho người dân”.

Năm nay, toàn tỉnh tổ chức bắn pháo hoa vào đêm giao thừa tại 10 điểm. Tại khu vực bắn pháo hoa bố trí nhiều cán bộ, chiến sĩ cắm chốt để điều tiết, hướng dẫn giao thông. Ở những ngã ba, ngã tư đều có ít nhất ba đồng chí công an chính quy phối hợp với lực lượng an ninh cơ sở làm nhiệm vụ. Công tác tuần tra, kiểm soát lưu động trên các tuyến được lực lượng chức năng triển khai đồng bộ nhằm giữ giao thông thông suốt, hạn chế va chạm, tai nạn, ùn tắc. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động... cũng hóa trang vào dòng người để phát hiện, ngăn chặn các đối tượng mang theo vũ khí, ma túy hoặc hàng cấm khác.

Cái Tết chia hai

Công việc thì như vậy, còn đối với gia đình cán bộ, chiến sĩ, cái Tết luôn chia hai, chẳng còn sum vầy đầy đủ, chấp nhận thiệt thòi để nhân dân được yên vui đón xuân. Nhiều cặp vợ chồng công an chia sẻ, dịp Tết, nhất là thời khắc giao thừa, vợ chồng ít được bên nhau.

Là lãnh đạo, chỉ huy, Thượng tá Nguyễn Ngọc Điệp bày tỏ: “Bao năm rồi tôi chưa được đón giao thừa bên gia đình, công việc âm thầm, vất vả nhưng thiệt thòi đó được bù đắp khi nhân dân được hưởng một cái Tết trọn vẹn. Vợ tôi cùng làm trong ngành công an nên cũng dễ thông cảm cho công việc vắng nhà thường xuyên vào dịp Tết của chồng”. Tình trạng “không Tết” cứ lặp đi lặp lại qua từng năm nên gia đình, người thân của cán bộ, chiến sĩ đều hiểu và động viên chồng, vợ, con hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bảo vệ tuyệt đối an toàn cho nhân dân vui xuân đón Tết là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vất vả. Dù không được đón giao thừa cùng gia đình, không được hưởng trọn vẹn cái Tết cùng người thân, nhưng được chứng kiến ánh mắt hân hoan của người dân dưới màn pháo hoa rực rỡ, được góp phần tạo thêm sự bình yên, sum vầy và hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà…, cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh đều cảm thấy vinh dự, tự hào.

Những năm vừa qua, lực lượng cảnh sát giao thông liên tục thực hiện các chuyên đề cao điểm, gần như cả năm đều kín lịch nên thời gian dành cho gia đình rất ít. Được hỏi chuyện trực Tết, Thiếu tá Trần Ngọc Giang, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1, Phòng Cảnh sát giao thông tâm sự: “Ai cũng có gia đình, ngày lễ, Tết được đoàn tụ, sum vầy là điều ai cũng mong muốn. Nhưng là công an, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều nhận thức được trọng trách nặng nề mà hết sức vinh dự.

Chuyện Tết phải ứng trực 100% không hề bỡ ngỡ đối với chúng tôi”. Anh kể, quê vợ ở xa, bố mẹ hai bên đều có tuổi, sức khỏe yếu nên không thể bố trí được thời gian trông nom bố mẹ, chăm sóc con cái. “Nhà riêng vợ chồng tôi ở TP Bắc Giang, những ngày áp Tết, kể cả ngày thường, khi tôi vắng nhà, vợ tôi - một cán bộ ngân hàng luôn chu toàn mọi thứ. Bao nhiêu năm tôi công tác tại Phòng Cảnh sát giao thông là bấy nhiêu năm vợ tôi hiểu và thông cảm, chia sẻ mọi việc nhà để tôi toàn tâm toàn ý với công việc. Thương nhất là hai con nhỏ, vì ít thời gian gần gũi nên mỗi lần bố ở nhà là chúng quấn quýt không muốn rời xa. Trước khi đi làm, chúng cứ ôm chặt lấy chân bố, nhiều khi còn phải trốn con để đi làm nhiệm vụ”.

Bảo vệ tuyệt đối an toàn cho nhân dân vui xuân đón Tết là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vất vả. Dù không được đón giao thừa cùng gia đình, không được hưởng trọn vẹn cái Tết cùng người thân, nhưng được chứng kiến ánh mắt hân hoan của người dân dưới màn pháo hoa rực rỡ, được góp phần tạo thêm sự bình yên, sum vầy và hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà…, cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh đều cảm thấy vinh dự, tự hào.

Bài, ảnh: Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/an-toan-giao-thong/418443/da-quen-voi-tet-vang-nha.html