Đa phần người lao động đang 'bán sức khỏe' khi trẻ, về già lo dành tiền đi khám bệnh

Tại Việt Nam hiện nay có hơn 7 triệu người lao động đang làm việc tại 385 khu công nghiệp ở 61 tỉnh thành. Nhu cầu thực tế về chăm sóc sức khỏe người lao động là rất lớn để phát hiện sớm các bất thường sức khỏe phát sinh trong quá trình lao động...

Thông tin trên được ThS Hoàng Thị Khánh Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) nhấn mạnh tại hội thảo tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe chủ động cho công nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang do Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương phối hợp với Sở Y tế Bắc Giang tổ chức hôm nay -15/10.

ThS Vũ Mạnh Cường - Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương tham luận tại hội thảo

ThS Vũ Mạnh Cường - Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương tham luận tại hội thảo

Người lao động không dễ sắp xếp thời gian để đi khám sức khỏe

Theo đó hơn 200 công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tham dự hội thảo và được các chuyên gia lĩnh vực truyền thông giáo dục sức khỏe, dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe sinh sản tư vấn các vấn đề về chăm sóc sức khỏe chủ động, tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sức khỏe, các vấn đề trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tâm thần, an toàn trong sức khỏe tình dục, phòng bệnh nghề nghiệp, phòng tránh tai nạn nghề nghiệp, rèn luyện thân thể thường xuyên, tăng sức đề kháng cho cơ thể để đảm bảo một cơ thể khỏe mạnh để lao động sản xuất và chăm sóc gia đình, người thân.

Theo bà Hoàng Thị Khánh Phương, người lao động tại các khu công nghiệp đa số là người trẻ, làm việc theo ca kíp, không thuận tiện cho việc đi khám sức khỏe, thậm chí là không thông thuộc địa bàn để đi khám bệnh do từ nơi khác đến, trong khi lực lượng này có vai trò quan trọng trong các nhà máy, xí nghiệp tại các khu công nghiệp.

ThS Hoàng Thị Khánh Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) phát biểu tại hội thảo.

ThS Hoàng Thị Khánh Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) phát biểu tại hội thảo.

"Vì vậy việc quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho người lao động là cần thiết bởi công tác chăm sóc sức khỏe người lao động đã được quy định rất cụ thể tại Luật an toàn vệ sinh lao động"- Bà Khánh Phương nói, đồng thời nhấn mạnh thêm: Về phía người lao động cũng cần phải biết cách tự chăm sóc sức khỏe cơ bản cho bản thân có một cơ thể khỏe mạnh về mặt thể chất và thoải mái về mặt tinh thần để lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội.

Những thông điệp của chuyên gia để người lao động 'khỏe về tinh thần, mạnh về thể chất'

Tham luận tại hội thảo, ThS Vũ Mạnh Cường - Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương này tỏ: Đa phần người lao động nói chung, công nhân đang 'bán sức khỏe' để lo kinh tế cho bản thân, gia đình.

"Chúng ta đang trẻ và khỏe nên lơ là chăm sóc sức khỏe, thế nhưng sau này có thể chúng ta phải trả giá về sự thờ ơ với sức khỏe của mình, về già lo dành tiền đi khám bệnh"- ThS Vũ Mạnh Cường nhấn mạnh.

Chuyên gia dinh dưỡng Hoàng Sách Đình.

Chuyên gia dinh dưỡng Hoàng Sách Đình.

Do đó, trong bài trình bày về chăm sóc sức khỏe người lao động tại các khu công nghiệp, ThS Vũ Mạnh Cường nhấn mạnh để phòng bệnh cho bản thân, mỗi người cần ăn sạch, ở sạch, tiêm vaccine phòng bệnh, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, quản lý các bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, tiểu đường...), quản lý thai sản, dinh dưỡng hợp lý...

Trong thông điệp về vấn đề dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, chuyên gia Hoàng Sách Đình nhấn mạnh: dinh dưỡng hợp lý là nền tảng của sức khỏe, trí tuệ và tầm vóc, thể lực. Việc tăng cường sức khỏe góp phần năng cao sức đề kháng để phòng chống bệnh tật. Khi cơ thể tràn năng lượng thì sẽ không có cảm giác mệt mỏi, từ đó tập trung và làm tăng năng suất lao động.

Hơn 200 người lao động tham gia hội thảo rất hào hứng khi tiếp nhận thông tin về chăm sóc sức khỏe nói chung, sức khỏe sinh sản nói riêng và dinh dưỡng để bảo vệ sức khỏe.

Hơn 200 người lao động tham gia hội thảo rất hào hứng khi tiếp nhận thông tin về chăm sóc sức khỏe nói chung, sức khỏe sinh sản nói riêng và dinh dưỡng để bảo vệ sức khỏe.

Chuyên gia cũng đã chỉ rõ những nhóm thực phẩm nào để đảm bảo cân bằng và đầt đủ dinh dưỡng cho bữa ăn của người lao động, bao gồm: Nhóm đạm; Nhóm bột đường; Nhóm chất béo (hạn chế ăn đồ xào, chiên, rán, tăng cường hấp, luộc...); Nhóm vitamin và khoáng chất - nhóm này người Việt Nam hay thiếu nhất do lười ăn rau củ, quả. "Ăn thừa cũng gây bệnh, ăn thiếu cũng gây bệnh mà cần ăn đầy đủ"- ông Sách Đình nói.

Tại hội thảo trao đổi về chủ đề sức khỏe sinh sản truyền tải đến các công nhân, bác sĩ Hồ Mai Hoa - chuyên gia về sản khoa nhấn mạnh. việc hiểu biết và thực hành khoa học về chăm sóc sức khỏe sinh sản không chỉ giúp mỗi người có một sức khỏe sinh sản tốt, không mắc các bệnh lây qua đường tình dục, chủ động quyết định thời gian sinh con mà còn góp phần duy trì được hạnh phúc gia đình.

BS Hồ Mai Hoa chia sẻ thông tin về bí quyết chăm sóc sức khỏe cho người lao động.

BS Hồ Mai Hoa chia sẻ thông tin về bí quyết chăm sóc sức khỏe cho người lao động.

Là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước thành lập Trung tâm y tế tại các khu công nghiệp ngay sau cuộc chiến với COVID-19 (Bắc Giang vốn là một trong những tâm dịch COVID-19), ông Từ Quốc Hiệu – Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang cho biết, hiện bước đầu Trung tâm đã đi vào hoạt động ổn định, góp phần không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe của người lao động tại các khu công nghiệp.

Khu công nghiệp của Bắc Giang hiện có khoảng 300.000 công nhân, chủ yếu dưới 30 tuổi, 2/3 là nữ, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe rất lớn, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ.

Trung tâm này không chỉ có chức năng khám chữa bệnh, giám sát việc chấp hành pháp luật về thực hiện khám sức khỏe cho công nhân, người lao động của các nhà máy, xí nghiệp; giám sát, kiểm tra, hỗ trợ việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho người lao động của các đơn vị, doanh nghiệp...

Ông Hiệu cho biết thêm trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Y tế các khu công nghiệp triển khai công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động như chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống bệnh nghề nghiệp, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm...để bảo vệ sức khỏe cho người lao động, góp phần ổn định sản xuất, phát triển kinh tế địa phương.

Bài và ảnh Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/da-phan-nguoi-lao-dong-dang-ban-suc-khoe-khi-tre-ve-gia-lo-danh-tien-di-kham-benh-169231015204810023.htm