Da nhân tạo nhạy cảm như da thật

Các nhà khoa học trên thế giới từ lâu đã tìm cách chế tạo những lớp da nhân tạo có khả năng đàn hồi và nhạy cảm như da thật. Mới đây một nhóm các nhà nghiên cứu tại trường đại học Stanford của Mỹ đã có một ý tưởng mới mẻ để giúp hiện thực hóa mong muốn này.

Da nhân tạo không khác da người Trong bộ phim nổi tiếng “Chiến tranh giữa các vì sao” của đạo diễn Geogre Lucas, nhân vật hư cấu Luke Skywalker đã được lắp ráp một cánh tay robot với làn da nhân tạo nhưng có độ đàn hồi y như da thật. Nhiều năm sau ngày bộ phim ra mắt công chúng, một nhóm các nhà khoa học tại trường đại học Stanford, Mỹ đã có một ý tưởng mới mẻ nhằm hiện thực hóa làn da nhân tạo. Nhà hóa học kỹ thuật Zhenan Bao cho biết, nhóm nghiên cứu của bà đã bước đầu chế tạo được một lớp da nhân tạo cực nhạy, có khả năng nhận ra sự chạm khẽ của một con ruồi. Giáo sư Zhenan Bao - Trường đại học Stanford, Mỹ cho biết: “Điều chúng tôi vừa làm được là thành công bước đầu trong việc chế tạo một lớp da có thể cảm nhận được những đụng chạm nhẹ hoặc những tín hiệu bên ngoài và biến chúng thành các tín hiệu điện”. Lớp da mà bà Zhenan Bao và các cộng sự chế tạo là một lớp cao su siêu mỏng, được kẹp giữa hai điện cực. Khi có một lực tác động lên lớp cao su này, nó sẽ bị nén lại, qua đó thay đổi điện tích tại điểm chịu lực. Sự thay đổi này giúp lớp da nhận ra những tác động bên ngoài. Ông Stefan Mannsfield - Nhà khoa học thuộc phòng thí nghiệm Slac nói: “Bạn ấn vào lớp da này, bộ phận cảm ứng sẽ ghi nhận số điện tích thay đổi. Chúng tôi có thể đọc được chính xác có bao nhiêu điện tích thay đổi, vì vậy bạn cần ấn mạnh, phản ứng càng rõ ràng hơn”. Công nghệ cảm ứng đàn hồi không phải là điều mới mẻ. Ý tưởng mới của bà Zhenan Bao là sử dụng chất polyme đàn hồi PMDS để gắn lên trên bề mặt lớp màng cao su. Sự kết hợp này giúp tạo nên sự nhạy cảm lớn hơn cho da nhân tạo. Giáo sư Zhenan Bao cho biết thêm: “Bộ phận cảm ứng của chúng tôi cực nhạy. So với tất cả các thiết bị cảm ứng có thể đàn hồi, co kéo, thiết bị cảm ứng của chúng tôi nhạy hơn gấp 1000 lần”. Nhóm nghiên cứu cho biết còn nhiều việc phải làm để có thể ghép lớp da nhân tạo này lên cơ thể con người, thay thế cho lớp da thật. Hiện nay họ đã có khả năng đo các tác động lên lớp da nhân tạo, nhưng họ cần phát triển một giao diện kết hợp giữa lớp da nhân tạo với các đường dây thần kinh, và cuối cùng là với não bộ của người được cấy ghép. Nhà nghiên cứu Stefan Mannsfield cho rằng đây chỉ là vấn đề thời gian. Ông Stefan Mannsfield - Nhà khoa học thuộc phòng thí nghiệm Slac nói: “Công nghệ này trong tương lai sẽ giúp những người không may không còn da tự nhiên, ví dụ như những người bị bỏng nặng, có thể cảm nhận những vật thể bên ngoài một lần nữa”. Nhóm nghiên cứu cho hay, nhiều khả năng ban đầu lớp da nhân tạo mà họ đang phát triển sẽ được ứng dụng cho các màn hình cảm ứng như iphone và ipods. Họ cũng tin rằng lớp da này có thể dùng cho các robot, giúp chúng cảm nhận được các tác động bên ngoài. Khi công nghệ đã phát triển hơn, lớp da này có thể được dùng để thay thế cho lớp da con người. Giáo sư Zhenan Bao nói: “Lớp da này có thể phát triển tới mức cảm nhận được huyết áp hoặc nhịp tim, vì vậy lớp da này không chỉ hoạt động như một sự thay thế cho da tự nhiên, mà nó còn có thể được sử dụng như một thiết bị theo dõi tình trạng sức khỏe”. Nhóm nghiên cứu hiện rất tự tin vào triển vọng ứng dụng của lớp da nhân tạo và họ cho rằng trong một ngày không xa công nghệ mà họ đang nghiên cứu sẽ góp phần giúp cải thiện cuộc sống con người cũng như nhiều thiết bị kỹ thuật hiện hành. Tác giả : Đức Cường Ý kiến bạn đọc (0)

Nguồn VTV: http://vtv.vn/article/get/che-tao-da-nhan-tao-nhay-cam-nhu-da-that--55d6984f81.html