Đà Nẵng trong hành trình trở thành nơi yên bình, đáng sống

Đà Nẵng-mảnh đất một thời xác xơ bởi chiến tranh, nay đang vươn mình mạnh mẽ với những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội. Sự thay đổi ấy góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và hướng đến một thành phố yên bình, đáng sống, từng bước khẳng định vai trò là đô thị lớn, động lực phát triển, trung tâm kinh tế-xã hội của khu vực miền Trung-Tây Nguyên...

Đổi thay đáng tự hào

Đà Nẵng tháng 3 thật yên bình, những con sóng vỗ bờ tha thiết, tiếng còi tàu âm vang, những con đường rợp bóng cờ hoa... Không gian ấy khiến lòng người thêm rộn ràng niềm vui của ngày chiến thắng và lòng tự hào với những đổi thay của quê hương. Sau 49 năm được giải phóng, 27 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã vươn mình trở thành đô thị hiện đại, văn minh, là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm.

Di dọc sông Hàn, không riêng gì người dân Đà Nẵng, mà hầu hết du khách trong nước và quốc tế đều có chung cảm nhận rất ấn tượng về thành phố đáng sống. Hòa vào dòng người đi dạo trên đường phố Bạch Đằng Đông, ông Phan Hữu Thạch, 80 tuổi ở quận Sơn Trà giọng đầy tự hào, tâm sự: “Tôi sinh sống ở Đà Nẵng gần 30 năm, chứng kiến những đổi thay to lớn của thành phố này. Những khu phố nhếch nhác ngày xưa không còn nữa, thay vào đó là những con đường sạch đẹp, thông thoáng, những tòa nhà cao tầng hiện đại, những dự án du lịch đẳng cấp ven biển... Đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của người dân cũng thay đổi vượt bậc”.

Một góc TP Đà Nẵng hôm nay.

Niềm vui ấy của mọi người dân đã thể hiện rõ niềm tin và mối quan hệ máu thịt giữa cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương và nhân dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội. Trao đổi với chúng tôi về phương hướng xây dựng, phát triển thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, những định hướng và cơ sở quan trọng mở ra nhiều cơ hội, tiềm năng lớn để thành phố phát triển trong giai đoạn mới chính là Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đặt ra kỳ vọng và yêu cầu rất cao đối với thành phố, với mục tiêu “Đến năm 2045, xây dựng TP Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á”.

Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng. Ảnh: TRẦN LỰC

Thực tế sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW cho thấy, kinh tế của thành phố có bước phát triển, quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng. Mức tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện với năng suất lao động cao hơn bình quân cả nước và cao nhất trong vùng, mức độ tập trung kinh tế ngày càng cao, gấp 3,4 lần so với cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại với tỷ trọng khu vực dịch vụ và công nghiệp chiếm gần 90% trong GRDP thành phố (số liệu năm 2023); một số ngành, lĩnh vực có bước phát triển khá, hướng tới là trung tâm vùng, nhất là thương mại, dịch vụ, du lịch biển. Đáng chú ý, hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; phát triển mô hình đô thị nén hiện đại với tỷ lệ đô thị hóa đạt 87,45%, cao nhất cả nước. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh gắn với thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đạt nhiều kết quả quan trọng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục-đào tạo, y tế đều có bước phát triển; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; quốc phòng, an ninh được bảo đảm...

Khát vọng vươn ra “biển lớn”

Tại Diễn đàn “Gặp gỡ Đà Nẵng 2024” do UBND thành phố tổ chức, các đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng nhau thảo luận, trao đổi về hướng đi, cách làm mới của TP Đà Nẵng đối với việc khơi thông và huy động nguồn lực trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh, những thành quả về công tác đối ngoại năm 2023 sẽ tạo đà để Đà Nẵng tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Thời gian qua, thành phố đã tập trung nhiều giải pháp đồng bộ trên nhiều lĩnh vực như đầu tư hạ tầng; kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Thành phố luôn sẵn sàng quỹ đất, nguồn nhân lực, chính sách, cơ chế hỗ trợ tối đa, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công bằng, minh bạch để các nhà đầu tư, kinh doanh thành công và phát triển bền vững.

Thành phố bên sông Hàn.

Bàn về vấn đề tạo đà để TP Đà Nẵng tăng trưởng kinh tế trong những năm tới, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, với lợi thế sẵn có, Đà Nẵng cần chủ động kết nối với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và các quốc gia khác để trở thành trung tâm nghiên cứu, trung tâm đào tạo với những chính sách ưu đãi dành cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu công nghệ. Đây chính là cơ sở, là điểm tựa vững chắc tạo tiền đề cho thành phố phát triển vươn ra tầm thế giới.

Theo ông Vũ Hồ, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, TP Đà Nẵng có nhiều yếu tố thuận lợi để phát huy nội lực và thu hút ngoại lực hướng đến sự phát triển kinh tế một cách bền vững và toàn diện. Đà Nẵng có vị trí địa lý thuận lợi. Lãnh đạo, chính quyền và nhân dân luôn thể hiện quyết tâm chính trị cao trong mở rộng liên kết, kết nối và hợp tác với bên ngoài. Tinh thần của người dân với ý chí vươn lên, học hỏi là thế mạnh đặc biệt để Đà Nẵng định vị tên tuổi của mình hướng đến phát triển toàn diện.

Bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN TRÌNH

Ông Yakabe Yoshinori, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP Đà Nẵng cho rằng, các nhà đầu tư Nhật Bản luôn quan tâm đến các chương trình đầu tư vào Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Đà Nẵng có nhiều trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo nghề, tuy nhiên, khó khăn khi doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào thành phố là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, vấn đề thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo tại thành phố là quyết định hết sức đúng đắn, kịp thời. Đây là động lực then chốt trong việc thu hút đầu tư nước ngoài... xây dựng TP Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực.

Bài và ảnh: TÙNG LÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/da-nang-trong-hanh-trinh-tro-thanh-noi-yen-binh-dang-song-770427