Đà Nẵng triển khai các chương trình hành động thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn

Ngày 26/1, Thành phố Đà Nẵng vừa công bố quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng. Đây là một trong số các chương trình hành động của Đà Nẵng nhằm thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực ở lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Trong khuôn khổ buổi lễ, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng cũng công bố Quyết định bổ nhiệm ông Lê Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng.

Ông Lê Hoàng Phúc được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng. Ảnh: nhandan.vn

3 chức năng chính của Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng

Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) được tổ chức tinh gọn, với 3 chức năng chính là: Đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; Hỗ trợ thu hút đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; Liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Sau khi được thành lập, DSAC có nhiệm vụ tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức triển khai Đề án "Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của thành phố Đà Nẵng"; Phối hợp xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng trên lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo; chủ trì hoặc phối hợp trong và ngoài nước triển khai nghiên cứu khoa học, hội nghị, hội thảo khoa học, dự báo hoạt động, kết nối cung - cầu của thị trường nhân lực, giải pháp ứng dụng đối với lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo;

DSAC cũng có nhiệm vụ chủ trì hoặc phối hợp các trường, cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận về lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo theo quy định của pháp luật; Tham mưu và triển khai thực hiện các giải pháp thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo đến sinh sống, làm việc, đầu tư tại Đà Nẵng;

Cung cấp các dịch vụ tư vấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ, ươm tạo và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp liên quan đến lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo theo quy định pháp luật; Phối hợp tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ quốc tế về bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo theo quy định"; Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo…

Ký kết thỏa thuận hợp tác 3 bên về đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn tại Đà Nẵng

Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng, Công ty Cổ phần giáo dục quốc tế Sun Edu và Trường Đại học Duy Tân ký kết thỏa thuận hợp tác 3 bên về đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn. Ảnh: danang.gov.vn

Cũng liên quan đến đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn tại Đà Nẵng, Cổng Thông tin điện tử Thành phố Đà Nẵng thông tin, tại chương trình Gặp gỡ Đà Nẵng – Meet Da Nang 2024 vừa tổ chức sáng 26/1, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, Công ty Cổ phần giáo dục quốc tế Sun Edu và Trường Đại học Duy Tân đã ký kết thỏa thuận hợp tác 3 bên về đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn.

Theo bản ký kết, các bên cùng hợp tác tổ chức hiệu quả chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và mở rộng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn cho thành phố Đà Nẵng, nhằm tạo sự lan tỏa và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao về thiết kế vi mạch bán dẫn để đón đầu nhu cầu về nhân lực chất lượng cao của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn trong thời gian đến cho thành phố Đà Nẵng.

Đồng thời, tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu cho các đối tượng là các giảng viên, cán bộ quản lý có chuyên môn về thiết kế vi mạch bán dẫn tại thành phố Đà Nẵng; tổ chức chương trình đào tạo sinh viên kỹ thuật trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao về thiết kế vi mạch bán dẫn.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, các nội dung thỏa thuận sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực ở lĩnh vực vi mạch; góp phần hỗ trợ cung ứng nguồn nhân lực chất lượng ở lĩnh vực này cho thành phố trong tương lai. Đồng thời, thúc đẩy hiệu quả hoạt động xúc tiến hỗ trợ, thu hút các dự án đầu tư lớn vào thành phố, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của thành phố cũng như trên cả nước.

Hiện, Đà Nẵng đang đề xuất Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó lồng ghép một số cơ chế, chính sách có liên quan nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và nguồn nhân lực thiết kế vi mạch.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, trước mắt, thành phố sẽ tạo điều kiện để cụ thể hóa các nội dung thỏa thuận đã được ký kết. Do đó, đề nghị Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp cùng với Trường Đại học Duy Tân, Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Sun Edu phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất các cơ chế, chính sách triển khai thực hiện đảm bảo theo quy định, góp phần xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố.

Cũng tại sự kiện này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, từ năm 2010, Bộ Khoa học và Công nghệ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tổ chức triển khai Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, trong đó sản phẩm vi mạch điện tử đã được xác định là sản phẩm quốc gia cần đầu tư phát triển. Đến nay, hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc đầu tư và phát triển các sản phẩm công nghệ cao, trong đó chíp bán dẫn cơ bản đã được hoàn thiện.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng chia sẻ, thời gian qua, để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực vi mạch, thông qua các chương trình Khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu nhằm nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, tăng cường năng lực đội ngũ nghiên cứu/cán bộ kỹ thuật của Việt Nam đã từng bước làm chủ được một số công nghệ trong ngành vi mạch. Tuy vậy, một trong những cản trở lớn nhất với Việt Nam để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn là chất lượng nguồn nhân lực.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhận định, việc ký kết thỏa thuận hợp tác 3 bên về đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực ở lĩnh vực vi mạch bán dẫn; góp phần hỗ trợ cung ứng nguồn nhân lực đang thiếu hụt ở lĩnh vực này cho thành phố trong tương lai; thúc đẩy hỗ trợ, thu hút các dự án đầu tư lớn vào thành phố, đóng góp một phần quan trọng vào phát triển kinh tế của thành phố.

Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục đồng hành cùng Đà Nẵng trong việc triển khai phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn thông qua việc triển khai sản phẩm quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn: Tổng hợp

PV

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/da-nang-trien-khai-cac-chuong-trinh-hanh-dong-thuc-day-hoat-dong-dao-tao-nguon-nhan-luc-linh-vuc-vi-mach-ban-dan-179240126235349681.htm