Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn

Triển lãm công bố lần đầu gần 100 văn bản lưu hình dấu và bút tích vua phê là những sử liệu tín thực góp phần làm sáng tỏ vai trò, vị thế của vùng biển Đà Nẵng trong lịch sử.

Khách tham quan triển lãm. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Chiều 24/3, tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa tổ chức triển lãm “Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn.”

Triển lãm gồm 3 phần: vịnh cảng vùng biển Đà Nẵng-Vị thế giao thương quan trọng thời Nguyễn; hoạt động đảm bảo an ninh vùng biển Đà Nẵng-Quảng Nam thời Nguyễn; và thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa thời Nguyễn.

Theo đó, triển lãm công bố lần đầu gần 100 văn bản lưu hình dấu và bút tích vua phê là những sử liệu tín thực góp phần làm sáng tỏ vai trò, vị thế của vùng biển Đà Nẵng trong lịch sử và nhiều thông tin giá trị tới công chúng.

Bên cạnh tư liệu Châu bản triều Nguyễn, triển lãm cũng giới thiệu các hình ảnh, bản đồ về Hoàng Sa. Trong đó có bản đồ huyện đảo Hoàng Sa mới nhất bằng tiếng Việt và tiếng Anh của Nhà xuất bản Tài Nguyên-Môi trường và Bản đồ Việt Nam.

Triển lãm cũng giới thiệu các hình ảnh về thành phố biển Đà Nẵng, các hoạt động kinh tế biển sôi động, hình ảnh vươn khơi bám biển Hoàng Sa của các ngư dân, hình ảnh về hoạt động bảo vệ vùng biển của lực lượng chức năng, cứu hộ trên biển.

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ cho hay Châu bản triều Nguyễn có giá trị quan trọng trên nhiều phương diện. Đối với Đà Nẵng, có rất nhiều Châu bản thể hiện chính sách của triều Nguyễn về đô thị này, đặc biệt đánh giá cao vai trò của Đà Nẵng về kinh tế, thương mại, quân sự và quốc phòng.

Đây là những văn bản hành chính được hình thành trong quá trình quản lí nhà nước của vương triều Nguyễn, hội tụ đầy đủ các tiêu chí về tính độc đáo, xác thực, duy nhất và có tầm ảnh hưởng quốc tế. Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO vinh danh là di sản tư liệu thế giới vào năm 2017.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa Võ Ngọc Đồng cho biết nhìn lại lịch sử, Đà Nẵng ngày càng có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nước ta. Giữa thế kỷ XVI, Đà Nẵng chỉ là vị trí tiền cảng trung chuyển hàng hóa nhưng sang thế kỉ XVIII đã dần trở thành thương cảng. Sau khi vua Minh Mạng ban dụ chỉ cho thương thuyền phương Tây vào cửa Hàn buôn bán, Đà Nẵng trở thành thương cảng lớn, cửa ngõ giao thương, ngoại giao với các nước phương Tây và khu vực.

Sau bao phen “biển động,” những ứng xử của tiền nhân với biển vẫn được lưu lại trên những trang sử liệu Châu bản. Triển lãm “Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản Tư liệu Thế giới-Châu bản triều Nguyễn” góp phần tái hiện bức tranh chân thực về truyền thống vươn khơi bám biển của tiền nhân.

Triển lãm diễn ra từ ngày 24-31/3./.

Võ Văn Dũng (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/da-nang-nhin-tu-bien-qua-di-san-tu-lieu-the-gioi-chau-ban-trieu-nguyen/853199.vnp