Đà Nẵng làm gì để không có người lang thang, ăn xin?

Thành phố Đà Nẵng được biết đến là nơi đi đầu trong xử lý trình trạng người lang thang, ăn xin. Thời gian gần đây, tình trạng này có dấu hiệu xuất hiện trở lại.

Hàng trăm trường hợp lang thang, ăn xin bị xử lý

Ngày 14/5, thông tin từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố Đà Nẵng đã có kế hoạch triển khai xử lý tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn.

Việc này nhằm mục đích tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chủ trương của thành phố về Chương trình thành phố “5 không” trong đó có mục tiêu Chương trình “Không có người lang thang, xin ăn”.

Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc phối hợp ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng lang thang, xin ăn trên địa bàn thành phố.

Thành phố huy động lực lượng thực hiện đồng bộ các giải pháp để xử lý người lang thang, xin ăn; đồng thời, có biện pháp duy trì không để xảy ra tình trạng tái diễn.

Lực lượng chức năng tuyên truyền về việc xử lý người lang thang, ăn xin.

Lực lượng chức năng tuyên truyền về việc xử lý người lang thang, ăn xin.

Việc triển khai thực hiện phải được tiến hành chặt chẽ, đồng bộ, thường xuyên, có sự phối hợp giữa các ngành chức năng và các địa phương; vừa chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động, giáo dục thuyết phục, vừa tăng cường kiểm tra phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện cho các trường hợp thật sự khó khăn ổn định cuộc sống.

Trong nhiều năm qua, thành phố Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong việc xử lý tình trạng người lang thang, xin ăn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng lang thang đánh giày, bán hàng rong chèo kéo khách và xin ăn biến tướng xuất hiện trở lại một số khu vực cấm, khu danh lam thắng cảnh có đông khách du lịch gây mất mỹ quan đô thị.

Năm 2023, Tổ xử lý thông tin người lang thang xin ăn (Sở LĐ-TB&XH) phối hợp các đơn vị, địa phương đã phát hiện, xử lý 409 trường hợp (tăng 59 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022), phối hợp với công an các phường, xã đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội nuôi dưỡng tạm thời và Bệnh viện Tâm thần để được chăm sóc, điều trị 147 lượt đối tượng.

HĐND thành phố Đà Nẵng cũng đã ban hành Nghị quyết số 77/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 về quy định chính sách hỗ trợ công tác người lang thang, xin ăn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, theo đó thưởng nóng cho tập thể, cá nhân phát hiện, theo dõi và thông báo cho lực lượng chức năng xử lý người xin ăn, xin ăn biếng tướng, người lợi dụng hoặc mang theo trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi để bán hàng rong, xin ăn với mức 3 trăm nghìn đồng mỗi trường hợp được phát hiện.

Thực hiện bằng cách nào?

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng, ngoài việc tuyên truyền, các đơn vị cơ quan chức năng kiểm tra các khu vực trọng điểm của địa phương nhằm phát hiện xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

Cơ quan chức năng về công tác quản lý cư trú rà soát, lập danh sách quản lý các đối tượng trên địa bàn có nguy cơ đi lang thang, xin ăn nhất là những đối tượng đã được các lực lượng chức năng tập trung vào cơ sở trợ giúp xã hội nhiều lần.

Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tại các ngã ba, ngã liên quan đến việc người ăn xin, lang thang.

Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tại các ngã ba, ngã liên quan đến việc người ăn xin, lang thang.

Tăng cường công tác quản lý hành chính về an ninh trật tự; đặc biệt là quản lý, kiểm tra tạm trú, lưu trú và tuyên truyền đối với các đối tượng từ nơi khác đến, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, có biện pháp xử lý, hạn chế tình trạng lang thang, xin ăn và ăn xin biến tướng trên địa bàn thành phố.

Thường xuyên nắm tình hình đối tượng từ các tỉnh, thành phố khác đến ở nhà thuê, đi đánh giày, bán hàng rong, bán vé số để có biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở kịp thời, ngăn chặn không để nảy sinh tình trạng xin ăn biến tướng.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng vận động các đơn vị, cơ sở kinh doanh, các nơi thờ tự của tôn giáo, các chợ… treo biển cấm và đăng ký cam kết không để xảy ra tình trạng lang thang, xin ăn, xin ăn biến tướng tại địa bàn quản lý.

Hướng dẫn khách du lịch không cho tiền người xin ăn tại các điểm du lịch, đền, chùa, lễ hội... đồng thời vận động người dân hưởng ứng chủ trương của thành phố, phát hiện phản ánh kịp thời tình trạng lang thang, xin ăn, ăn xin biến tướng trên địa bàn.

Lực lượng liên ngành được bố trí thường xuyên kiểm tra, kiểm soát địa bàn, đặc biệt chốt chặn tại các vùng giáp ranh giữa các địa phương; đồng thời có phương án thống nhất xử lý tại các vùng giáp ranh.

Sở Công Thương và Giao thông Vận tải lắp đặt biển các cấm hành vi buôn bán hàng rong, bán sách báo dạo, người lang thang, xin ăn… tại các tuyến đường trọng điểm thuộc địa bàn quản lý.

Thực hiện lồng ghép chương trình an sinh xã hội hỗ trợ khó khăn, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn và huy động sự tham gia của cộng đồng để trợ giúp các đối tượng nhằm giảm thiểu người lang thang, xin ăn.

UBND các phường, xã tăng cường lực lượng công an, dân phòng, dân quân tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm, đặc biệt là tại các ngã tư đèn xanh đèn đỏ, các chợ… nhằm kịp thời xử lý trình trạng lang thang, xin ăn, xin ăn biến tướng làm mất mỹ quan của thành phố; vận động các gia đình quản lý các đối tượng thường xuyên đi lang thang, xin ăn trên địa bàn.

Khi phát hiện các đối tượng lang thang, ăn xin, các phường, xã phối hợp thực hiện hoàn tất các hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở trợ giúp xã hội đảm bảo thời gian theo quy định.

Người dân tại thành phố Đà Nẵng phát hiện có người lang thang, ăn xin có thể phản ánh qua đường dây nóng 02363.550550.

Nguyễn Duy Cường

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/da-nang-lam-gi-de-khong-co-nguoi-lang-thang-an-xin-a663575.html