Đà Nẵng: Địa phương đầu tiên mua bảo hiểm cho cây xanh

UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản đồng ý chủ trương đề xuất của Sở Xây dựng liên quan đến việc mua bảo hiểm an toàn cho hệ thống cây xanh đô thị. Đây là một việc làm chưa có tiền lệ tại Việt Nam nhưng qua đó cũng nhận thấy được ý thức của chính quyền Đà Nẵng trong việc bảo vệ đô thị Đà Nẵng phát triển bền vững trong tương lai.

Cây xanh ở một số tuyến đường tại Đà Nẵng đang thí điểm cách bảo vệ mới bằng những thanh sắt được cơi nới theo độ lớn của cây.

Tăng cường trách nhiệm đối với quản lý cây xanh đô thị

Cây xanh có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống đô thị, nhất là trong giai đoạn đô thị hóa nhanh như hiện nay. Bên cạnh lợi ích đem lại từ cây xanh thì cũng có nhiều vấn đề liên quan đến cây xanh làm ảnh hưởng đến đến tài sản, tính mạng con người. Những hình ảnh, thông tin lâu nay chúng ta thường thấy đó là cây xanh gãy đổ vào những mùa mưa bão đã làm thiệt hại rất nhiều tài sản cũng như tính mạng con người, thậm chí làm chết người. Những thiệt hại này ai đền bù cho người dân khi vô tình bị cây đè, cây rơi trúng vào người hoặc tài sản?

Đối với những cây xanh đã được mua bảo hiểm, trong trường hợp bất khả kháng những những cây xanh này làm thiệt hại cho người dân thì sẽ được xử lý đền bù tùy theo mức độ. Tuy nhiên, việc mua bảo hiểm cho cây xanh đô thị cũng cần tăng trách nhiệm của đơn vị quản lý cây xanh. Tăng cường trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ cây xanh như bảo vệ một cơ thể sống. Chăm sóc cả sự ốm đau bệnh tật của cây để có hướng xử lý những cây mục, chết. Đồng thời cũng cần tránh tình trạng chủ quan, ỷ lại trong việc chăm sóc cây xanh khi cho rằng cây xanh đã được mua bảo hiểm. Cần gắn được trách nhiệm của người trồng cây, chăm sóc cây và trách nhiệm của đơn vị bán bảo hiểm.

Còn đó những vướng mắc phía trước

Có thể nói việc mua bảo hiểm cho cây xanh đô thị là một việc làm mới, chưa có tiền lệ từ trước đến nay tại Việt Nam. Chính vì thế khi triển khai việc này sẽ có nhiều vướng mắc mà Đà Nẵng phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Biết là sẽ vấp nhiều khó khăn khi thực hiện nhưng sau thời gian cân nhắc, Đà Nẵng đã quyết tâm thực hiện vấn đề này.

Qua xem xét, trao đổi với một số đơn vị bảo hiểm và ý kiến của đại diện Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Tư pháp và Công ty Công viên - Cây xanh, UBND TP thống nhất chủ trương này. Trước mắt, thành phố sẽ cấp kinh phí cho Công ty Công viên - Cây xanh xử lý từng sự cố bất khả kháng do cây xanh công cộng gây ra đối với tính mạng con người, nhà cửa, phương tiện giao thông,… Việc xác định trách nhiệm của các bên khi xảy ra sự cố phải được Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập hội đồng đánh giá, báo cáo UBND TP cụ thể.

Về lâu dài, giao Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan làm việc cụ thể với các cơ quan bảo hiểm để triển khai có hiệu quả chủ trương mua bảo hiểm đối với cây xanh công cộng đã được thành phố thống nhất.

Theo một số đơn vị bảo hiểm thì đây là vấn đề chưa có tiền lệ nên cần phải có ý kiến của Bộ Tài chính.

Bên cạnh việc bảo hiểm cho một số cây xanh công cộng được trồng trong đô thị, Đà Nẵng cũng đã công bố Danh mục 23 loại cây xanh khuyến khích trồng, 39 loại hạn chế trồng và 9 loại cấm trồng trên đường phố Đà Nẵng. Đối với cây xanh đô thị do thành phố trồng sẽ thuộc những chủng loại đang được khuyến khích trồng theo quy định của Bộ Xây dựng. Một số chủng loại cây này dự kiến sẽ được mua bảo hiểm trong thời gian tới. Loại cây xanh khuyến khích trồng gồm: Lim xẹt (Lim sét, phượng vàng); Lộc vừng (Chiếc, Mưng); Bằng lăng tím; Giáng hương (Sưa vườn); Hoàng hậu (Móng bò tím); Muồng tím (Muồng ngủ, Me tây); Muồng hoàng yến (Osaka vàng); Ngọc lan trắng; Hồng lộc; Muồng hoa vàng; Phi lao (Dương liễu); Dầu rái; Lát hoa; Sấu; Tử vi (Tường vi); Cau trắng; Cau bụng; Cọ Mỹ; Cọ Dầu; Cọ xẻ; Mù u; Nho biển; Sưa (Trắc thối, Huê mộc vàng); Me; Nhội. Mỗi tuyến đường được trồng theo một chủng loại cây đặc trưng mang lại vẻ đẹp cho đô thị Đà Nẵng. Có những tuyến đường rực hoa phượng đỏ, rợp bóng hoa vàng và tím ngắt hoa bằng lăng. Loại cây xanh thuộc loại hạn chế trồng: Bàng Đài loan (Bàng lá nhỏ); Bàng ta; Bàng vuông (Chiếc bàng, Thuốc cá); Sò đo cam (Hồng kỳ, Chuông đỏ); Muồng hoa đào; Đào đậu (Anh đào giả, Đỗ Mai); Muồng đen (Muồng xiêm); Osaka đỏ (Vông mào gà); Dừa; Tra làm chiếu; Bách tán (Tùng bách tán); Hoàng nam (Huyền diệp); Sứ các loại; Sa kê (Xa kê, cây bánh mì); Chuông vàng; Long não; Phượng vỹ; Chẹo (Nhạc ngựa, Dái ngựa); Sao đen; Xà cừ; Đa gáo; Sa la (Tha la, Vô ưu, Đầu lân, Hàm rồng); Tếch; Vối; Hồng diệp (Lôi khoai, Lim lá thắm); Lim xanh; Sến hồng (Sến trung); Cẩm lai (Cẩm lai bà rịa); Mỡ; Kơ nia; Xá xị (Vù hương, Rè hương, Gù hương); Gõ mật; Đa, Đề, Sung Si, Sanh, Sộp; Muồng trắng (Bồ kết tây); Sữa (Mò cua); Viết; Các loài cây ăn quả có rễ ăn sâu, chống chịu được gió bão (Mít, Vú sữa, Nhãn…); Bạch đàn các loại; Keo các loại. Loại cấm trồng: Cô ca cảnh; Đùng đình (Đủng đỉnh); Gòn; Lòng mức các loại (Thừng mức); Me keo; Thông thiên; Trúc đào; Trứng cá; Vông đồng (Bã đậu).

Nguyễn Nam

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/da-nang-dia-phuong-dau-tien-mua-bao-hiem-cho-cay-xanh.html