Đà Nẵng cần tính toán kỹ hiệu quả đầu tư xe buýt nhanh BRT 1.500 tỉ đồng

Tại hội thảo “Đà Nẵng – 20 năm quy hoạch và phát triển đô thị”, nhiều chuyên gia khuyến cáo Đà Nẵng cần cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng hơn nữa việc đầu tư 1.500 tỉ đồng hình thành hệ thống xe buýt nhanh BRT để tránh gây lãng phí!

Như Báo điện tử Infonet đã đưa tin, sáng 17/12, các Hội Quy hoạch phát triển đô thị, Kiến trúc sư, Xây dựng, KHKT Cầu đường Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức hội thảo “Đà Nẵng – 20 năm quy hoạch và phát triển đô thị”. Tại đây, nhiều chuyên gia trong và ngoài Thành phố đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về việc Đà Nẵng đang chuẩn bị để năm 2017 triển khai dự án xe buýt nhanh BRT sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) lên đến 7,2 triệu USD, tương đương 1.500 tỉ đồng.

TS.KTS Nguyễn Thành Tiến tiếp tục bày tỏ sự phân vân về hiệu quả của việc Đà Nẵng đầu tư 1.500 tỉ đồng cho hệ thống BRT (Ảnh: HC)

Từng đưa ra ý kiến chất vấn về tính hiệu quả của dự án BRT và được Sở GTVT, BQL các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng (đơn vị điều hành dự án BRT) lên tiếng "trấn an" tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX hôm 7/12, nhưng TS.KTS Nguyễn Thành Tiến, Phó trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng vẫn hết sức băn khoăn.

Theo ông, qua 20 năm trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã tập trung đầu tư tương đối hoàn chỉnh hệ thống giao thông trục và giao thông vành đai. Tuy nhiên ở khu vực nội đô thì chưa có sự cải thiện nào đáng kể, có những tuyến đường 9,5m từ khi mới hình thành đô thị Đà Nẵng nhưng đến nay vẫn chưa thể nâng lên được 10m. Vì vậy, bây giờ đã là quá muộn để Đà Nẵng đặt vấn đề tìm giải pháp tổ chức giao thông trong khu vực nội đô một cách cơ bản nhất.

Gần đây, lãnh đạo Đà Nẵng đã quan tâm đặt ra nhiều phương thức vận tải cho khu vực này nhưng theo ông Nguyễn Thành Tiến thì “vẫn còn chưa có điểm gì sáng cả”. Ông đơn cử việc lãnh đạo Thành phố quyết định năm 2017 đầu tư hệ thống BRT mà ông hết sức phân vân vì không chắc có thể giải quyết triệt để vấn đề giao thông cho nội đô Đà Nẵng hay không, hay lại góp phần làm tăng thêm ùn tắc giao thông?

“Tôi thấy trong phương án báo cáo chưa đánh giá hết được khả năng chiếm dụng lòng đường hay một số vấn đề về kỹ thuật. Chẳng hạn việc nghiên cứu việc bố trí các trạm dừng ngay giữa dải phân cách thì nó đụng đến một loạt vấn đề về kỹ thuật, hay một loạt vấn đề về quy định không cho phép dừng ngay giữa lòng đường. Hơn nữa, việc chia sẻ một phần diện tích đường cho hệ thống BRT cũng chưa được Đà Nẵng tính toán một cách kỹ lưỡng. Vì vậy tôi cho rằng triển khai giải pháp BRT trong giai đoạn này có nhiều vấn đề cần phải đánh giá lại!” – ông Nguyễn Thành Tiến nói.

Ông cũng nhấn mạnh, khi đưa vấn đề này ra chất vấn tại kỳ họp HĐND Thành phố vừa qua, ông muốn các vị lãnh đạo cao nhất của TP Đà Nẵng xem xét và ngồi cùng các nhà khoa học để đánh giá lại một lần nữa trước khi triển khai. Theo ông, đối với Đà Nẵng, khi đã đưa ra giải pháp vận tải công cộng thì cần phải hiện đại và hiệu quả chứ không thể làm theo kiểu “đầu tư quá độ” như ở một số nơi khác mà nếu không tính toán kỹ sẽ trở nên lãng phí.

“Hà Nội, TP.HCM có tổng thu nhập rất lớn nên có thể bỏ ra một khoản tiền chừng 1.000 tỉ để đầu tư, rồi sau đó có thể thay đổi hệ thống nhưng nếu Đà Nẵng chạy theo Hà Nội, TP.HCM và cũng bỏ ra 1.500 tỉ như thế để đầu tư hệ thống BRT với tuổi thọ rất ngắn thì liệu có hiệu quả hay không? Tôi cho là việc này cần phải đánh giá lại và chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia để tìm ra giải pháp vận tải công công hiệu quả nhất!” – ông Nguyễn Thành Tiến nói.

Theo ông Trần Dân, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng, Thành phố có khoảng 1 triệu dân thì BRT là quá tốt, quá hay và cần phải có. Nhiều nước như New Zealand, Brazil làm BRT rất tốt. Tuy nhiên BRT tại Đà Nẵng lại không có làn đường riêng mà phải chạy chung với đường dân sinh dành cho ô tô, xe máy... Xe buýt nhanh BRT to, dài, nối các toa bằng các điểm nối mềm, rồi nhà ga, nhà bán vé... hoạt động chung trên các tuyến đường dày đặc phương tiện giao thông như đường Điện Biên Phủ là rất bất hợp lý.

Ông Hà Ngọc Trường khuyến cáo Đà Nẵng cân nhắc có cần làm BRT hay không? (Ảnh: HC)

“Thực sự chúng tôi rất băn khoăn, rất không đồng tình với phương án BRT của Đà Nẵng và đề nghị cần phải xem xét lại chứ không thể chấp nhận đi chung với các tuyến đường giao thông hỗn hợp hiện có. Nếu đưa BRT đến các tuyến đường rộng rãi như Nguyễn Tất Thành, 30/4... thì may ra còn được, chứ đưa chung vào đường Nguyễn Văn Linh thì xe buýt nhanh sẽ thành xe buýt chậm. Vì vậy các nhà làm BRT cần thiết kế đường riêng cho BRT hoặc chọn những tuyến đường nào đó có làn riêng cho BRT thì chúng tôi đồng tình ủng hộ!” – ông Trần Dân nói.

Ông cũng kiến nghị các cơ quan hữu quan cần quy hoạch mạng xe buýt cho Đà Nẵng ngay từ bây giờ và bắt đầu từ những xe buýt nhỏ trước rồi hãy tiến tới BRT. Để hình thành BRT phải có làn đường riêng thì mới phát huy được hiệu quả. Vì vậy Đà Nẵng cần xem xét lại BRT của mình trước khi đổ tiền vào làm để tránh gây lãng phí.

Thay mặt 643 hội viên Hội Cầu - Đường - Cảng TP.HCM, ông Hà Ngọc Trường, Ủy viên Thường vụ Hội KHKT Cầu đường Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Cầu - Đường - Cảng TP.HCM cũng khuyến cáo Đà Nẵng cần cân nhắc có cần làm BRT hay không, cần như thế nào và có nên làm ngay hệ thống BRT nghìn tỉ hay không?

“Theo tôi Đà Nẵng không nên làm hệ thống BRT nghìn tỉ. Chúng tôi đề xuất TP.HCM có 20 tuyến BRT nhưng hiện lãnh đạo TP rất phân vân có nên đầu tư vào BRT ngay lúc này không? Bởi vì phát triển BRT cần phải có tuyến đường đi riêng, nhưng ta không thể tìm ra tuyến đường nào cho BRT đi riêng được nên đành phải đi chung trong các tuyến đường hiện hữu. Giữa làn xe hỗn hợp như thế thì BRT mà chúng ta làm rất quy mô, rồi trạm chờ nằm giữa lòng đường thì sẽ không thực hiện được, còn nếu cứ cố thực hiện thì sẽ vỡ trận, khiến BRT mất hiệu quả!” – ông Hà Ngọc Trường nêu rõ.

Vì vậy, một lần nữa ông Hà Ngọc Trường lưu ý lãnh đạo TP Đà Nẵng muốn làm BRT thì phải có tuyến đường riêng cho nó và đầu tư từng giai đoạn. Ông cho hay, khi qua học tập kinh nghiệm làm BRT ở Hàn Quốc, ông nhận thấy họ chỉ cần đầu tư 4 – 6 triệu USD cho hệ thống BRT. Như thế sẽ vừa đảm bảo kỹ thuật, vừa kinh tế, sau đó khi cần thiết sẽ nâng cấp lên.

Trước đó, như Infonet đã đưa tin, tại tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX hôm 7/12, khi đại biểu Nguyễn Thành Tiến chất vấn về vấn đề BRT, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP cho rằng, ý kiến của đại biểu Nguyễn Thành Tiến rất đáng lưu ý, vì đầu tư mà nhanh chóng lạc hậu thì sẽ rất lãng phí, trong khi nguồn vốn đầu tư là do đi vay và đằng nào cũng phải trả cả vốn lẫn lãi.

“Mình quyết định đầu tư cái gì thì phải chú trọng hiệu quả. Cái BRT này tiền nhiều lắm nên quan trọng nhất là hiệu quả. Mình vay nhưng thế hệ sau phải trả chứ mình có trả đâu, nên phải làm có hiệu quả để sau này trả nợ thì người ta không oán trách mình!” – ông Nguyễn Xuân Anh nói.

HẢI CHÂU

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/da-nang-can-tinh-toan-ky-hieu-qua-dau-tu-xe-buyt-nhanh-brt-1500-ti-dong-post216539.info