Đa Mi, nơi khách tìm về

Với 2.500 ha của hồ Hàm Thuận, 600 ha của hồ Đa Mi, xã Đa Mi không chỉ có lợi thế của khí hậu mát lành, cây trái miệt vườn hấp dẫn mà còn có nét đặc biệt không nơi nào có. Và bây giờ, thêm khách tìm về, không chỉ để ở lại…

Xóm nghỉ dưỡng

Con đường vào tổ 1, thôn Đa Tro (xã Đa Mi, Hàm Thuận Bắc) lầy lội, trơn trượt đất đỏ do cơn mưa tối qua và những ngày trước cứ như tương phản với những căn nhà có kiến trúc lạ mắt, sang trọng nằm trên chính nó. Ở bên này đường, các căn nhà đẹp gần như đều được bố trí xây dựng theo hướng quay lưng đường, nhìn xuống hồ Hàm Thuận. Nhà nào cũng xây bậc thang theo hình zic zắc, nhằm hạn chế độ dốc cao dễ chừng vài chục mét để tiếp cận được mép nước. Còn lại, thiên nhiên đã sắp bày hoàn hảo đến mức chỉ cần có chỗ ngồi dưới mép nước kia là du khách muốn khám phá trải nghiệm. Còn tại tim đường này, thực chất là xương sống 1 dãy đồi mà từ lúc nào không biết, công cuộc khai hoang đã hoàn tất để bây giờ, ai đến đây đều cảm nhận như mình đang đứng giữa 1 bức tranh phong thủy hữu tình. Vì trước mặt có thể ngắm hồ Hàm Thuận xanh thẳm màu nước lẫn màu của cồn bãi chấm phá thêm nét bí ẩn bất tận. Sau lưng, dưới kia là những vườn sầu riêng, bơ, cà phê nối dài đến chân của quốc lộ 55, tuyến đường mà ở đoạn gần giáp ranh với xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) này, bỗng thẳng tắp giống như 1 dải lụa vắt qua lưng chừng đồi.

Trong cảnh trên, ông nông dân với mũ rộng vành, mang giày bốt cao dính màu đất đỏ bỗng xuất hiện khiến tôi nhớ chị bán sầu riêng khi nãy nói, rằng nơi đây là xóm đại gia. Mà đại gia lại đi làm vườn ư? “Đại gia gì cô ơi, tui đây làm nhà nước, về hưu lên đây gần chục năm nay, mua 2 ha đất trồng cao su, gần đây trồng sầu riêng. Năm nay, sầu riêng có giá nhưng nhà có trúng đâu, vì mấy trăm cây chưa có trái. Nè, căn nhà tiền chế này sao gọi là giàu?” - Ông nông dân phủ nhận quyết liệt như thế nhưng cũng cho biết, lâu lâu mới lên xem vườn tược ra sao. Như chủ những ngôi nhà đẹp kia cũng thế, thường cuối tuần hoặc dịp lễ, tết, gia đình họ mới tập trung về đây nghỉ dưỡng. Dù chung xóm nhưng vì điều kiện sinh sống như thế nên cũng ít gặp nhau. Chỉ biết họ ở TP. HCM tìm về, người là chủ doanh nghiệp, người là bác sĩ, người là kỹ sư, người là nhà báo… Họ ngẫu nhiên tập trung về đây vào cuối năm 2020, thời điểm mà ở TP. HCM, dịch Covid-19 bùng phát kinh hoàng. Giữa lằn ranh sinh tử ấy, người ta nhận ra sự đông đúc nơi đô thị lớn nguy hiểm đến thế nào. Ngộ nhỡ dịch bùng lại… Phải tìm lối ra để khi có biến cố còn biết đường lui về.

Và Đa Mi, nơi có khí hậu tương đồng như Đà Lạt, cảnh đẹp còn hấp dẫn hơn, nhất là với những ai mê dốc đồi, mê sông hồ còn hoang sơ và hơn hết, còn ít người, lại gần TP.HCM nên đã thu hút người có điều kiện về đây xây căn nhà thứ 2 cho nghỉ dưỡng. Bất chấp phải mua đất bằng giấy tờ tay, vì đến giờ, 90% dân trong xã chưa có sổ đỏ. Bất chấp phải dùng nước mưa, xài nước hồ… Nhưng không sao, từ từ khắc phục. Năm ngoái, họ xới lên, đóng góp và cả tổ 1 thống nhất hùn tiền hạ bình điện, một việc làm rất bình thường ở nơi khác nhưng ở đây, khi nhà này cách nhà kia 1 má đồi, 1 vườn sầu riêng… lại là chuyện lớn. Sau hơn 20 năm thành lập xã Đa Mi, bây giờ tổ 1 mới thoát cảnh đèn điện leo lét về đêm, dừng cảnh nhà kia tưới sầu riêng thì nhà này phải dừng nấu cơm, vì điện yếu không chín nổi.

Mong được làm du lịch

Thế nhưng, cảnh điện yếu ấy vẫn còn nhiều ở Đa Mi. Không chỉ vì địa hình rộng, nhà cửa thưa thớt mà còn vì người dân ở xã vẫn còn lo nhiều về cái ăn, cái mặc, nỗi lo đặc trưng luôn tiềm sâu trong suy nghĩ của dân du cư. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Anh Toàn, người công tác ở Đa Mi 19 năm qua kể về quá trình hình thành xã mới được 22 năm này. Vì gắn bó ngay từ những ngày đầu chênh vênh của vùng đất mới nên trong từng diễn biến thời gian ông kể, hầu như đều từ câu chuyện khách tìm về rồi ở lại và nỗi lo thoát nghèo. “Hiện toàn xã có 1.349 hộ, trong đó hộ nghèo 93 hộ, hộ cận nghèo 67 hộ, hộ có mức sống trung bình 356 hộ, còn lại là hộ có mức sống khá, giàu. Đó là kết quả của sau 22 năm xã Đa Mi được hình thành, bắt đầu từ sau khi 2 hồ thủy điện Hàm Thuận, Đa Mi được xây dựng”. Ông Toàn nhấn mạnh rằng, lớp công dân đầu tiên của xã là những công nhân tham gia xây dựng công trình thủy điện đã chọn ở lại, thay vì về quê. Sau đó, tiếng lành đồn xa về vùng đất, chính gia đình, bà con của họ lại tìm về đây định cư. Và nhiều cuộc quyết định dừng lại sống ở Đa Mi với những lý do khác nhau nữa khiến Đa Mi đông đúc lên từng ngày, tạo ra đặc trưng dân tứ xứ. Trong hành trình tới miền đất mới, họ đã mang theo và trồng đủ loại cây trái của các vùng miền ở đây. Nhưng đến nay, chỉ có 3 loại cây trồng là chủ lực gồm cà phê, sầu riêng, bơ. Theo đó, những vườn cây trái đẹp mắt cũng xuất hiện.

Năm nay, giá sầu riêng mua tại vườn ở đây dao động từ 45.000-65.000 đồng/kg, tăng 15.000 - 20.000 đồng/kg… khiến đời sống người dân ở đây khấm khá hơn. Và ai cũng cảm nhận, cái giá ấy có sự góp phần của khách du lịch về Đa Mi đột biến từ dịp lễ 30/4, nhờ ghé vườn mua các loại trái cây, sau khi ngắm cảnh 2 hồ, chèo thuyền, câu cá, săn mây… Với 2.500 ha của hồ Hàm Thuận, 600 ha của hồ Đa Mi, xã Đa Mi không chỉ có lợi thế của khí hậu mát lành, cây trái miệt vườn hấp dẫn mà còn có nét đặc biệt không nơi nào có. “Hôm đối thoại với dân về phát triển kinh tế - xã hội, ngoài chuyện kiến nghị về cấp sổ đất, vay vốn… dân bắt đầu có ước muốn được phát triển du lịch. Trên đất nông nghiệp để làm du lịch, xã đang chờ hướng dẫn từ Nghị quyết 82. Trên đất năng lượng, tức trên 2 hồ Hàm Thuận, Đa Mi, vừa rồi xã có tháp tùng với đoàn của huyện lên làm việc với Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi để tìm hướng phát triển du lịch” – ông Toàn nói trong nỗi lo, bởi vừa qua, ở xã có những dịch vụ du lịch tự phát quanh các hồ để phục vụ lượng khách ập đến dịp lễ rồi. Giờ khách cứ đến, xã Đa Mi làm sao?

Ông nông dân ở xóm đại gia thắc mắc rằng, từ năm 2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có văn bản và Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi có đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận hướng dẫn công ty các thủ tục để không thực hiện giao/cho thuê đất lòng hồ và hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất lòng hồ thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi. Nếu thực hiện, thì vẫn có đất lòng hồ đưa ra khỏi đất năng lượng để người dân xin thuê làm du lịch, sao không được nhỉ?

Không giấu nổi ngạc nhiên, tôi thắc mắc ông không phải nông dân và cũng chưa biết tên ông. Nhưng ông cười ha hả rằng không phải nông dân thì sao phải mang ủng tưới sầu riêng?

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/da-mi-noi-khach-tim-ve-111576.html