Đa Mi: Nguy cơ sạt lở nhiều nơi

Xã Đa Mi (Hàm Thuận Bắc) có gần 20 km tuyến đường quốc lộ 55 đi qua. Địa hình ven đường chủ yếu là đồi núi, một số đoạn được làm ta - luy nhưng đa phần ta - luy chỉ làm từ 1 - 3 m trong khi triền đồi cao từ 5 - 6 m nên khi có mưa lớn nguồn nước tràn xuống làm xói lở đất và tràn ra đường gây cản trở giao thông nghiêm trọng…

Nhiều người dân lưu thông không dám đi đúng phần đường bên phải (từ La Dạ lên) vì có nhiều điểm sạt lở.

Cuối tháng 7, khu vực Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Đa Mi có mưa lớn kéo dài nhiều giờ làm một ngọn đồi ở đèo Bảo Lộc sạt lở gây chết người. Cùng thời gian, Đa Mi cũng bị sạt lở nhiều nơi, đất, đá từ trên đồi tràn ra đường dày cả mét ở quốc lộ 55 khiến giao thông tắc nghẽn hoàn toàn. Mặc dù tuyến quốc lộ 55 do Bộ Giao thông Vận tải quản lý nhưng khi sạt lở xảy ra, đường bị cô lập nên UBND xã Đa Mi đã phân công lực lượng công an, quân sự điều tiết giao thông. Đồng thời xã cũng huy động CBCNV, lực lượng phòng chống bão lụt, người dân có phương tiện cơ giới… tham gia dọn dẹp các điểm đất đá để có đường cho phương tiện lưu thông.

Một điểm sạt lở đã được dọn dẹp nhưng cây cối vẫn còn lơ lửng rất dễ tràn xuống đường.

Anh Nguyễn Anh Toàn - Chủ tịch UBND xã Đa Mi, cho biết: Đa Mi khá xa với trung tâm TP. Phan Thiết, khi sạt lở xảy ra nếu chờ Ban Quản lý đường bộ đến xử lý sẽ mất nhiều thời gian, trong khi tuyến quốc lộ 55 bị cô lập người dân sẽ bị động lưu thông. Nhiều gia đình ở các vùng khác đến Đa Mi làm rẫy hoặc xe chở khách, chở hàng hóa nếu phải chờ qua đêm sẽ phức tạp hơn… Theo anh Toàn, mỗi lần có mưa lớn xã sẽ phân công thành viên trong Ban Phòng chống lụt bão vận động người dân đến nơi an toàn. Đa Mi có 6 điểm nguy cơ sạt lở cao ở các thôn Đa Tro, Đa Gu Ri, La Dày (nằm sát quốc lộ 55) với khoảng 130 hộ bị ảnh hưởng. Ngoài sạt lở, Đa Mi cũng hay bị lũ quét, lũ ống cục bộ nên khi mưa to và mưa liên tục người dân khá lo lắng…

Theo quan sát của phóng viên, trên quốc lộ 55 đoạn từ ngã 3 La Dạ lên thôn La Dày đến thôn Đa Tro khoảng chừng 12 km nhưng ước tính có đến hơn 30 điểm có nguy cơ sạt lở lớn, nhỏ nằm phía tay trái (tính từ La Dạ đi lên). Đây là những điểm đã từng sạt lở nên nhìn rất dễ thấy. Có những điểm sạt lở rộng đến 3 m trước đây đã từng tràn đất, cây cối đọng lại trên mặt đường dày cả mét nên nhìn vết lở vẫn còn nham nhở… Anh Nguyễn Trường nhà ở xã Hàm Chính có vườn sầu riêng ở Đa Mi nên anh và gia đình thường xuyên đi lại trên cung đường này để chăm sóc rẫy. Tuy nhiên thời gian gần đây anh rất lo khi trời mưa phải đi qua đoạn này. Anh tâm sự: Mỗi lần có mưa là vừa đi vừa nhìn lên đồi xem đất có rục rịch gì không. Mà đi như vậy rất dễ gây tai nạn bởi đường có nhiều khúc cua ngoặt… Mấy lần đi chỉ lo nhìn đường mà không để ý trên đồi nên khi đi qua thấy đất tràn xuống rất nguy hiểm. Tôi rất mong các ngành chức năng có phương án chống sạt lở để người dân yên tâm đi lại trên tuyến quốc lộ 55 vào thời điểm có mưa…

Năm 2023, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, nhất là lượng mưa nhiều hơn những năm trước. Quốc lộ 55 đang là tuyến đường có rất nhiều phương tiện lưu thông chở khách du lịch, hàng hóa và người dân trong vùng đi lại hàng ngày. Vì vậy trước nguy cơ sạt lở cao gây nguy hiểm đến tính mạng người dân, các ngành liên quan cần xem xét xây dựng thêm ta – luy nhằm hạn chế sạt lở, giúp người dân yên tâm khi lưu thông trên tuyến đường này…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/da-mi-nguy-co-sat-lo-nhieu-noi-112234.html