Đà Lạt xưa trở thành bối cảnh đặc biệt trong tiểu thuyết của nữ nhà văn Nhật Bản

Lấy bối cảnh Đà Lạt, tiểu thuyết 'Phù vân' của Hayashi Fumiko đã khắc họa bức tranh Nhật Bản giai đoạn hậu chiến một cách đặc biệt, qua những con người đã bị 'mục ruỗng' từ tận bên trong.

“Thiên đường” Đà Lạt

Là một trong những nhà văn có tên tuổi lớn được độc giả mến mộ, thế nhưng khác với những tác giả khác, Hayashi Fumiko thường đi đây đó để tìm cảm hứng cho việc viết văn. Dịch giả Lam Anh trong cuốn Phố tuyết đã tiết lộ rằng bà từng đến với Trung Quốc cũng như những thành phố lớn ở tận châu Âu như Paris, London để gửi về nước những bài du ký. Trong chiến tranh Thái Bình Dương, bà cũng làm việc ở một số nơi tại Đông Nam Á như Java hay Borneo. Bà cũng đến với Đà Lạt để nó trở thành bối cảnh cho cuốn Phù vân nổi tiếng của mình.

Cuốn sách xoay quanh hai nhân vật chính là Tomioka – kỹ sư nông lâm và Yukiko – người nữ đánh máy, được gửi đến Đông Dương để phục vụ việc nghiên cứu về vùng đất này. Tuy đã có vợ ở nơi quê nhà, thế nhưng bởi những cách ngăn về mặt không gian cũng như thời gian mà hai người họ đã có với nhau một mối tình đẹp. Khi Nhật thua trận, họ trở về nhà, thế nhưng chính việc đã có gia đình và những mộng tưởng về thời tươi đẹp đã khiến cặp đôi gặp nhiều đau khổ. Phù vân đại diện cho đỉnh cao sáng tạo của Fumiko, với chủ đề tình cảm và những rắc rối trong mối quan hệ không thể giãi bày.

Nhà văn Hayashi Fumiko vào năm 1949. Ảnh: Wikimedia Commons

Nhà văn Hayashi Fumiko vào năm 1949. Ảnh: Wikimedia Commons

Lấy bối cảnh Nhật thay thực dân Pháp chiếm lĩnh Việt Nam, Đà Lạt trong những áng văn của Fumiko hiện lên tươi đẹp và đầy sức sống. Với hai nhân vật, đây là “thiên đường” để mãi về sau họ không thể quên. Yukiko ở nơi nào đó đã so nó với khu vườn địa đàng, nơi mà Adam cũng như Eva đã ăn trái cấm từ lời xúi giục của một con rắn. Nơi này được miêu tả như cao nguyên bao phủ trong làn sương mờ, với đào phai hoa rủ, hoa mimosa trổ bông vàng óng hay bụi mẫu đơn mọc lan um tùm. Đây đó là những biệt thự sang trọng lấp ló trong khu rừng thông phía trên cao…

Mang theo tâm thức luyến nhớ quê hương, Yukiko và Tomioka cảm nhận nơi đây một chất hùng vĩ mà Sài Gòn - "thành phố của rừng" không thể bì kịp. Trong mắt Yukiko, thành phố cao nguyên giống một ảo ảnh phản chiếu cả bầu trời lớn. Đà Lạt với hồ nước phía trước, dãy Lang Biang phía sau, đã xóa tan đi những nỗi bất an mà các tin tức về việc thua trận đã đến với họ.

Mượn lời nhân vật, có thể thấy được góc nhìn của nữ nhà văn về một cuộc chiến mà quê hương bà đang dấn sâu thêm. Ở đó Tomioka nhận thấy những sự phung phí tài nguyên thiên nhiên khi họ đốn hạ một cách bừa bãi những cây thông nhựa trong rừng đại ngàn. Không dưới một lần người kỹ sư này thấy bản thân mình chỉ là một kẻ bất chợt kéo đến và rồi cướp phá báu vật vốn được nuôi dưỡng trong rất nhiều năm của người bản địa. Ở nơi mà riêng người Pháp đã mất hơn nửa thế kỷ mới thiết lập được bộ máy của mình, thì những người Nhật bằng cách ăn trên ngồi trốc liệu sẽ duy trì được trong bao lâu?

Có thể thấy Fumiko có sự nghiên cứu vô cùng sâu sắc về chính Đà Lạt. Bà đã mô tả một cách chi tiết về những loại thông, từ thông nhựa, thông Kaccha… cho đến đặc điểm của những cây sơn làm ra sơn mài và nhiều giống cây ăn quả của miền nhiệt đới. Ẩn sâu trong đó bà cũng phản ánh được sự thống trị mà quân đội Nhật đã vắt kiệt sức của người bản địa có phần chất phác để chở gỗ thông xuyên qua cánh rừng. Tomioka coi những cánh rừng của xứ Đông Dương như mê hoặc mình, và rồi bị bỏ bùa yêu. Cả hai nhân vật đều lưu trong mình những ngày tươi đẹp, để làm hành trang cho sự trở lại những ngày sau này thiếu đi hạnh phúc.

Bìa sách Phù vân. Ảnh: Phúc Minh

Bìa sách Phù vân. Ảnh: Phúc Minh

Đất nước của những con người tuyệt vọng

Như đã nói trên, Hayashi Fumiko vẫn thường khai thác khía cạnh đổ vỡ trong mối quan hệ giữa nhiều cá nhân ở các tiểu thuyết. Trong tác phẩm này, việc xây dựng một Tomioka phóng đãng và Yukiko điên cuồng đã làm rất tốt chính đặc điểm này. Dù cho người đàn ông ấy năm lần bảy lượt không thể bỏ vợ và có quan hệ ngoài luồng với những người khác, thế nhưng việc Yukiko không thể quên đi hình bóng của anh đã thể hiện rõ được sức ám ảnh của những kỷ niệm. Cô không bám riết theo người đàn ông vì một tình yêu giờ đã mù quáng, mà đó còn là những kỷ niệm đẹp đã cứu cô khỏi những vết thương lòng vì bị lạm dụng mà đã từng có trước khi đến với Đông Dương.

Do đó nhìn rộng ra hơn, quan hệ của hai người họ cũng còn là việc phải đối mặt với quá khứ tươi đẹp. Nếu người đàn ông không thể quên đi một thời tươi đẹp được hòa mình vào cùng với tự nhiên, thì đối với người phụ nữ đó là nỗ lực tuyệt vọng nhằm bám chặt lấy những ngày tươi đẹp. Chính vì điều đó đã biến quan hệ giữa hai người họ trở nên giằng giai, và không có tương lai nào thực sự tốt đẹp. Điều đó còn được hậu thuẫn bởi một đất nước gần như mục ruỗng, khiến các nhân vật trở nên thê lương.

Ở đó mỗi người tồn tại trong một Nhật Bản thời kỳ hậu chiến chẳng khác gì bị đóng đinh và không cụ cựa gì thêm được nữa. Như tác giả viết: “Chiến tranh, vì bất cứ lý do nào một khi bại trận thì chỉ còn bi thương và tan vỡ. Trong tâm hồn những kẻ thất bại ấy luôn phảng phất những ký ức xa vời mà không ai biết, và những ký ức ấy thỉnh thoảng khơi gợi lại những hối hận của người nào đó”.

Nhân vật Yukiko trong phim chuyển thể vào năm 1955 trong rừng Đà Lạt. Ảnh: Asian Film Archive

Nhân vật Yukiko trong phim chuyển thể vào năm 1955 trong rừng Đà Lạt. Ảnh: Asian Film Archive

Từ mối quan hệ của hai cá nhân, Fumiko cho ta cái nhìn thoáng qua về một đất nước giờ đã vỡ mộng giấc mơ bá chủ. Chi tiết về cuộc gặp gỡ của hai nhân vật trong một nhà nghỉ tạm bợ, tồi tàn với sự dơ bẩn ngự trị khắp nơi gợi ta nhớ đến một cuốn tiểu thuyết cũng nổi tiếng khác của Endo Shusaku là Người đàn bà bị tôi ruồng bỏ. Những con người này đang bị trói vào tương lai đen tối không thấy đường ra. Những ngày tiếp theo giờ cũng ọp ẹp và đầy tuyệt vọng. Đó là những mối quan hệ vụng trộm, từ những gối chăn dơ bẩn, là thứ rượu lậu bốc mùi nồng nặc… tất cả chỉ càng làm nổi bật lên một sự buông xuôi trong những ngày tới.

Và khi đất nước chìm trong tình trạng nói trên, thì sự thiện ác của chính con người cũng là một vở hài kịch không hơn không kém. Ở phần sau tác phẩm, theo sự lên xuống của các nhân vật, tác giả Hayashi Fumiko cũng rất châm biếm khi cho Yukiko trở nên giàu có bằng việc tham gia vào thứ ngụy giáo tên là Ohinata, nơi Thần tối cao cứu rỗi tất cả mọi người. Thế nhưng điều nực cười hơn là không ít người biết rõ thói giả trá đó nhưng vẫn tin vào, chỉ bởi đơn giản ngay bản thân họ cũng không còn biết phải tin vào đâu. Họ dựa vào một vị Thánh vẫn đang chơi vơi ở nơi nào đó, vào một lúc nào sẽ bước xuống mây và chỉ đường họ.

Nhật Bản và những con người trong một thời đại vô cùng biến động đã được truyền tải một cách đặc biệt trong tiểu thuyết này. Mỗi người có những lựa chọn có thể khác nhau, thế nhưng sau rốt thì con người họ vẫn là sinh vật mong manh và đầy yếu hèn. Như Tomioka và Yukiko đã không ít lần cố gắng chết đi, thế nhưng như Stavrogin trong cuốn Lũ người quỷ ám của Dostoievski, thì khi chuẩn bị treo cổ tự tử, đến cả sợi dây dùng để hành sự cũng phải phủ lớp xà phòng để giảm bớt đi những sự đau đớn. Họ cũng thử làm theo chính điều đó, nhưng rồi nhận ra như lời Kirillov: “Không có cách nào chết đi mà không đau đớn”, từ đó cứ mãi vật vờ giữa đời sống này, lựa chọn tiếp tục những con đường sai, để rồi cho đến một hôm cái chết bắt kịp và họ thuận lòng đi theo đường ấy.

Khép lại tác phẩm, cả hai nhân vật không có lựa chọn đem đến cái kết tươi đẹp cho cuộc đời mình. Con người tiếp tục sa vào những nỗi bi thương, khi người đàn ông tiếp tục trốn chạy, còn người phụ nữ thì đeo bám vào những gì đã qua. Với Phù vân, Hayashi Fumiko đã họa lại được bi kịch của những con người và một đất nước trong một thời đoạn vô cùng khó khăn. Và cũng có thể chính bản thân bà cũng thấy điều đó, khi chỉ hai tháng sau khi hoàn thành cuốn sách, bà cũng đã qua đời vì bệnh tim mạch.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/da-lat-xua-tro-thanh-boi-canh-dac-biet-trong-tieu-thuyet-cua-nu-nha-van-nhat-ban-42020.html