Da giày: Giữ vững vị thế ngành xuất khẩu chủ lực

Da giày được xác định là một trong các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có sản phẩm chất lượng, cạnh tranh trên thị trường thế giới. Điều này cũng đặt lên vai các doanh nghiệp trong ngành những áp lực về mục tiêu phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ vào sản xuất để nâng sức cạnh tranh.

Doanh nghiệp da giày chủ động sản xuất xanh để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường. Ảnh: Thế Duyệt.

Hướng đến thị trường thế giới

Mục tiêu của ngành da giày, đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách đạt 38 - 40 tỷ USD. Đến năm 2035, ngành sẽ phát triển hiệu quả và bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước; tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển được một số thương hiệu tầm khu vực và thế giới.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, với chiến lược tổng thể nói trên, Việt Nam đang quyết tâm giữ ngành da giày là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực hàng đầu thế giới. Để có thể thực hiện quyết tâm này, nhà quản lý đã và đang từng bước xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược này. Các doanh nghiệp (DN) ngành da giày sẽ đóng góp cho việc hoàn thành chiến lược đó...

Tất nhiên, để có thể hiện thực hóa những mục tiêu nói trên, ngành da giày còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, yếu tố quan trọng là hướng đến sản xuất xanh, tuân thủ các điều kiện quy định mà thị trường thế giới đưa ra.

Thị trường EU (Liên minh châu Âu) là một trong những thị trường giàu tiềm năng khai thác cho các DN da giày xuất khẩu. Đây là thị trường lớn với số dân 500 triệu, và nhu cầu về thời trang của người tiêu dùng khu vực này rất cao. Chính vì vậy, các DN cần nắm bắt để khai thác thị trường này. Tuy nhiên, để vào được thị trường EU, nơi chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu đòi hỏi chất lượng sản phẩm có tính an toàn cao hơn các sản phẩm đi thị trường khác, do vậy, sự tuân thủ của DN cũng phải nâng lên.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày, túi xách (Lefaso) nhấn mạnh, để có thể chinh phục được một thị trường khó tính như EU, việc chứng minh được nguồn gốc, quy tắc xuất xứ là yêu cầu quan trọng từ thị trường này. DN chắc chắn phải thực thi nếu muốn tiếp cận sâu vào EU.

Ngoài ra, các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững, khi các sản phẩm xuất khẩu vào EU đòi hỏi các nhà máy đạt được các điều kiện về môi trường, an toàn lao động. Đạt được các tiêu chí đó khách hàng từ EU mới có thể nhập khẩu.

Chú trọng “sản xuất xanh”

Bên cạnh đó, sản xuất xanh cũng là một trong những yêu cầu đặt ra đối với các DN da giày nói chung, các DN sản xuất nói riêng. Khẳng định vai trò quan trọng của yếu tố “xanh”, tại buổi công bố chương trình xét chọn và trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh” năm 2023, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA) nhấn mạnh, thời gian qua, một số DN sau khi tuân thủ quy trình sản xuất xanh đang gặt hái thành công khi quá tải đơn hàng. “Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là hướng đi bắt buộc và sống còn không chỉ riêng DN mà cho cả nền kinh tế của quốc gia”.

Theo các chuyên gia trong ngành, nếu như trước đây các hoạt động phát triển bền vững chủ yếu do khách hàng đưa ra và mang tính khuyến khích thì ngày nay đã được luật hóa thông qua chính sách được ban hành từ Chính phủ của các quốc gia nhập khẩu sản phẩm da giày lớn như Mỹ, EU.

Điều đó cho thấy chuỗi cung ứng đã thay đổi và thách thức đặt ra là DN xuất khẩu cần phải chuẩn bị như thế nào để tuân thủ các quy định mới và tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững. Bên cạnh đó DN cần xác định làm thế nào để giảm thiểu khí thải carbon trong quá trình sản xuất...

Ông Gerwin Leppink, chuyên gia đến từ tổ chức Wrap nhấn mạnh, ngày nay, để xuất khẩu thành công sang Hoa Kỳ và EU, việc tuân thủ các quy định của cơ quan hải quan, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội… là điều bắt buộc. Điều này tác động tới cả người mua (nhà phân phối ở nước sở tại) và nhà cung cấp hàng hóa (DN xuất khẩu). Trong đó, người mua phải chứng minh nguồn cung ứng có trách nhiệm và tuân thủ các luật mới. Các nhà cung cấp chịu trách nhiệm với bên phân phối trong việc chứng minh rằng nhà máy của họ an toàn, công nhân của họ được đối xử phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế cũng như yêu cầu của người mua.

Ông Maxime Rogeon - Trưởng Bộ phận Da giày của công ty Decathlon Việt Nam cho rằng, mặc dù Việt Nam hiện đang có nhiều lợi thế như: Các nhà sản xuất lớn trên thế giới đều có cơ sở sản xuất tại Việt Nam; thị trường lớn nhờ các FTA; tự chủ được khoảng 50% nguyên liệu.

Tuy nhiên, với nhiều đối thủ cạnh tranh như Indonesia, hiện đang có mức thuế nhập khẩu vào Mỹ tốt hơn Việt Nam, Việt Nam cần phải có những giải pháp về logistics xanh, giải pháp về nguồn cung ứng và vận chuyển nhanh hơn nữa.

Ngành da giày Việt Nam cần phải có cuộc cách mạng lần thứ tư thật sự; cần có chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất.

Việt Nam cũng cần cơ cấu lại ngành sản xuất giày dép. Hiện có nhiều quy trình sản xuất, mô hình kinh doanh bền vững giúp tiết kiệm nhiều hơn mà Việt Nam có thể áp dụng. Việt Nam cũng cần sáng tạo các mô hình kinh doanh mới.

Cũng khẳng định vai trò quan trọng của yếu tố phát triển bền vững, Phó Chủ tịch LEFASO Diệp Thành Kiệt cho biết, trong lĩnh vực thời trang, các thị trường lớn và các thương hiệu lớn là người dẫn dắt cuộc chơi. Do vậy, để có thể thực hiện được các mục tiêu của chiến lược tổng thể, giữ vững được vị trí xuất khẩu cao, các DN da giày Việt Nam buộc phải tuân theo các quy định của cuộc chơi.

Theo đó, các DN cần tập trung vào các tiêu chuẩn của yêu cầu phát triển bền vững. “Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ không có ý nghĩa nếu các DN không đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững của thị trường” - ông Kiệt nhấn mạnh.

Giới chuyên gia nhận định, DN da giày có thể xuất khẩu cao vào châu Âu nhờ Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), nhưng khi cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU (CBAM) có hiệu lực, nếu không thỏa mãn tiêu chí của CBAM, dù có EVFTA, các DN Việt cũng không thể xuất khẩu vào châu Âu.

Cùng với đó, DN phải phát triển được năng lực tự thiết kế; giá thành sản xuất phải có chi phí thấp nhất để nâng sức cạnh tranh. Về phía Nhà nước cần ban hành sớm các chính sách khuyến khích nội địa hóa nguyên liệu, khuyến khích thực hiện các yêu cầu về phát triển bền vững.

DUY KHANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/da-giay-giu-vung-vi-the-nganh-xuat-khau-chu-luc-10269125.html