Da động vật tiềm ẩn nhiều nguy hiểm

Nhiều người cho rằng ăn da động vật có tác dụng bổ sung collagen, chống lão hóa. Thực tế, món ăn này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm...

* Ăn da động vật: Nên hay không?

Nhiều người cho rằng ăn da động vật có tác dụng bổ sung collagen, chống lão hóa. Thực tế, món ăn này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm:
+ Cẩn thận với cholesterol: Da động vật cũng là một loại protein, nhưng chủ yếu là do gelatin và collagen hợp thành, rất khó tiêu... vì vậy không nên ăn nhiều, không có lợi cho sức khỏe.

Lớp mỡ gần da chứa rất nhiều cholesterol, nếu ăn nhiều da động vật thì nó sẽ trở thành thủ phạm gây bệnh tim mạch, béo phì. Bệnh nhân, trẻ em, phụ nữ mang thai nếu ăn da lợn, trâu, bò, có thể phải đối mặt với nguy cơ tổn thương dạ dày hoặc ruột.

Hiện nay, thay vì dùng nước nóng để cạo lông động vật, các lò giết mổ thường dùng dao cạo sống. Do đó, chân lông vẫn còn ở lại trên da. Chúng chỉ dài khoảng 2 mm, nhưng rất cứng, khi ăn vào ruột, có thể cắm vào màng nhầy ở ruột non và dạ dày.

Ngoài ra, việc ăn da dưới dạng tái, lên men (làm nem), nộm cũng chứa nhiều nguy hại, đặc biệt nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. Đặc biệt, nhiều cơ sở kinh doanh còn sử dụng các hóa chất độc hại để tẩy trắng da trước khi chế biến gây nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Một số con vật thải chất độc qua ba con đường chính là mồ hôi, nước tiểu hoặc đường ruột. Khi các chất này chưa kịp thoát ra, con vật đã bị giết, khiến da có thể chứa độc. Vì vậy, chúng ta cần lưu ý ngâm nước và rửa sạch da trước khi chế biến.

Ở nước ngoài, người ta không dùng da động vật làm thực phẩm trực tiếp mà chỉ sử dụng để làm thạch và chất phụ gia hoặc thuộc da trong công nghiệp.

+ Chớ ôm mộng làm đẹp từ da động vật: Nhiều chị em thường dùng da lợn xay thành dạng sinh tố bôi lên mặt giúp chống lão hóa là cách làm thiếu khoa học, thậm chí còn gây bít lỗ chân lông, viêm da cho người dùng.

* Có nên ăn ốc khi mang thai?

Theo quan niệm dân gian, người mẹ khi mang thai không nên ăn ốc vì nếu không khi sinh ra đứa trẻ sẽ bị rớt dãi. Tuy nhiên, điều này cho đến nay chưa có một chứng cứ khoa học nào chứng minh là đúng.

Trong khi đó, ốc là một trong những thực phẩm chứa nhiều canxi. Đây là một trong những vi lượng cần được bổ sung trong suốt quá trình bà mẹ mang thai.

Canxi giúp cho thai nhi phát triển hệ xương và răng khỏe mạnh, đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành hệ thống tim mạch và thần kinh của thai nhi. Trong trường hợp thiếu canxi, thai phụ thường thấy mệt mỏi, đau nhức cơ thể, trong trường hợp lượng canxi xuống quá thấp có thể bị chuột rút, tê chân tay thậm chí nặng có thể co giật.

Tuy nhiên, do ốc sống trong môi trường ao hồ chứa nhiều vật ký sinh là các loại giun sán nên nếu không được chế biến đúng cách có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ.

Để bảo đảm an toàn, tốt nhất các thai phụ nên mua ốc và tự chế biến tại nhà. Trước khi chế biến, ốc cần được ngâm trong nước gạo, nước muối, một vài lát ớt hoặc có thể thái một số lát chanh, pha một chút dấm để nhả hết chất bẩn và loại bỏ những ký sinh trùng trong ốc.

Cần nấu chín, tránh ăn tái hoặc sống. Không nên ăn quá nhiều (chỉ nên ăn 1-2 bữa/tuần), và thai phụ bị rối loạn tiêu hóa tuyệt đối không được ăn ốc.

* Nước tiểu và mồ hôi trên trạm vũ trụ được chế biến trở thành nước uống?

Nước tiểu và mồ hôi bay hơi của các phi hành gia trên Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) được tái xử lý thành nước uống. Tuy nhiên, hiệu suất xử lý hiện chỉ đạt 75%, thấp hơn mức 85% khi thử nghiệm trên Trái đất.

Một phi hành gia ước tính sẽ sử dụng khoảng 730 lít nước tái chế từ nước tiểu và mồ hôi trong một năm làm việc trên ISS, theo BBC.

Quy trình xử lý nước thải trên ISS như sau: nước tiểu và mồ hôi sau khi thu lại sẽ được thêm vào một số hóa chất để ngăn chặn nước tiểu phân hủy và vi khuẩn sinh sôi. Tiếp đó nước sẽ được dẫn vào hệ thống xử lý chính, sử dụng công nghệ chưng cất chân không để có được nước tinh khiết. Đây là công nghệ chưng cất nước ở nhiệt độ thường, không cần cấp thêm nhiệt.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/da-dong-vat-tiem-an-nhieu-nguy-hiem-post176593.html