Đã đến lúc xem xét trợ giá cho xe đạp công cộng?

Tại các đô thị, trong đó có Hà Nội, lợi ích từ xe đạp công cộng mang lại là không thể phủ nhận thậm chí là rất lớn, song việc đầu tư dịch vụ cho thuê xe đạp, doanh nghiệp cũng gặp không ít thách thức khi phải đầu tư một số lượng lớn tài sản hữu hình, trong khi giá trị thu được từ mỗi lượt khách lại không cao, thời gian hoàn vốn dài. Bởi vậy, việc sớm có các giải pháp hỗ trợ, trợ giá để phát triển mô hình là hết sức cần thiết.

Ngày 23/11, tại Hà Nội, Báo Giao thông tổ chức tọa đàm "Có cần trợ giá cho xe đạp công cộng?". Chương trình có sự góp mặt của nhiều khách mời: Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược phát triển giao thông vận tải (GTVT); ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GTVT Hà Nội; ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội; ông Đỗ Bá Quân, Chủ tịch Công ty Vận tải số Trí Nam.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, khách mời đã chia sẻ sự cần thiết của xe đạp công cộng, đây là một trong những mảnh ghép tất yếu để đồng bộ giao thông công cộng Thủ đô. Đặc biệt, trong các loại hình vận tải công cộng hiện nay, xe đạp là loại hình cung ứng tốt, có dư địa phát triển cao.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đi thử và trải nghiệm xe đạp công cộng Hà Nội.

Tuy nhiên, điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ vận tải hành khách công cộng này còn những trở ngại nhất định. Một số ngõ nhỏ, xe buýt không thể tiếp cận nên phương tiện chính của người dân là xe máy. Do đó, với Hà Nội trong tương lai cần hướng tới chuyển đổi cho người dân từ việc đi xe máy sang đi bộ hoặc xe đạp.

Về phía đơn vị quản lý Nhà nước, ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội đã cấp phép cho Trí Nam gần 80 điểm làm trạm xe, ưu tiên ở những vị trí tốt nhất trong khu vực các quận nội thành, đặc biệt các khu vực gần nhà ga bến tàu, các trường học, công viên, các trung tâm mua sắm, khu du lịch.

Đây là dự án thí điểm quy mô lớn, tuy nhiên, hạ tầng dành riêng cho xe đạp tại Hà Nội chưa đồng bộ, dù trong quy hoạch giao thông đã có nhưng thực tế chưa được triển khai, chưa có làn đường dành riêng cho xe đạp. Sở GTVT Hà Nội cũng đang quan tâm để sớm có làn đường cho xe đạp.

Đánh giá về việc bố trí các mạng lưới bãi đỗ xe đạp công cộng hiện nay, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội nhận định, kết nối vận tải công cộng là bài toán đặt ra ban đầu để các dịch vụ vận tải công cộng có hành khách. Giống như xe buýt, đơn vị vận hành xe đạp công cộng cũng cần phải kết nối các điểm đỗ xe cho nhà chờ.

Các chuyên gia, khách mời tại tọa đàm.

“Trí Nam cần bám sát sự phát triển của hạ tầng đô thị, những tuyến đường mới. Hành lang về giao thông mới là những mảnh đất màu mỡ để khảo sát và mở rộng mạng lưới vận tải xe đạp công cộng”, ông Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp cần tạo được sự tin cậy cho người dân, phải có đội ngũ xe thường xuyên đảm bảo chất lượng theo đúng quy định, có hệ thống duy tu bảo dưỡng và kiểm soát chất lượng, có tương tác hiệu quả với hành khách, quá trình người dân sử dụng gặp sự cố phải tiếp cận nhanh để hỗ trợ giải quyết giúp người dùng sử dụng dịch vụ được an toàn, thoải mái.

Chia sẻ về kế hoạch nâng cao chất lượng dịch vụ, ông Đỗ Bá Quân, Chủ tịch Công ty Vận tải số Trí Nam cho biết, công ty có đội ngũ chăm sóc khách hàng 24/7 để xử lý sự cố trên đường. Phương tiện công ty đang sử dụng là loại chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn, được đặt từ một nhà máy sản xuất phương tiện theo công nghệ Châu Âu. Ngoài ra, công ty còn có đội ngũ bảo trì thường xuyên, ngoài ra tổng kiểm tra định kỳ 3 tháng/lần…

Xe đạp công cộng nhận được nhiều sự quan tâm của người dân Thủ đô.

Được biết, trên thế giới, mô hình xe đạp công cộng đã đạt được thành công ở nhiều nước. Xe đạp công cộng mang lại những hiệu quả như hỗ trợ vận tải công cộng, bảo vệ môi trường, hạn chế tiếng ồn, giảm ùn tắc giao thông đô thị.

Đặc biệt, tại các nước trên thế giới, Nhà nước cũng quan tâm hỗ trợ điều kiện về hạ tầng cho phương tiện phát triển như bố trí các điểm để xe rộng khắp vị trí của thành phố, các phương tiện khác cũng chủ động nhường đường cho xe đạp. Nhờ những giải pháp đồng bộ này, xe đạp trở thành một trong những phương tiện di chuyển chính của người dân.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/da-den-luc-xem-xet-tro-gia-cho-xe-dap-cong-cong-163071.html