Đã đến lúc Gen Z cần học cách phá bỏ định kiến để theo đuổi kế hoạch đến cùng

Dù có nhiều điểm mạnh và thường được cho là thế hệ đột phá, tiên phong nhưng Gen Z vẫn thường bị gắn nhãn là 'thế hệ bông tuyết', bị phàn nàn vì dễ nản chí, dễ bỏ cuộc và thiếu kiên định.

Quiet quitting - Nghỉ việc kiểu Gen Z

Trong bộ sitcom nổi tiếng tại Mỹ -The Office, nhân vật chính Jim Halpert vốn là nhân viên bán hàng nhiệt huyết, bỗng một ngày mất cảm hứng làm việc. Thế nên, dù vẫn đến công ty nhưng “công việc” của anh lại là… rửa xe, dọn bàn làm việc và chọc phá đồng nghiệp của mình. Phân cảnh này trong The Office được mệnh danh là “xuất xứ” của khái niệm quiet quitting (âm thầm bỏ việc).

Nhân vật Jim Halpert của sitcom The Office.

Âm thầm bỏ việc cũng “âm thầm” trở thành xu hướng những năm gần đây, nhất là sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đây là hiện tượng mà một người chỉ hoàn thành vừa đủ nhiệm vụ của mình trong công việc, đến trễ về sớm, làm việc nhưng không cống hiến hết mình với “tuyên ngôn” phải giữ cân bằng giữa công việc - cuộc sống, khi gặp chút khó khăn là sẵn sàng nghỉ việc. Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy 60% người trẻ đồng ý rằng “chỉ cần làm phần việc được trả lương là đủ”.

Không chỉ trong công việc, xu hướng làm việc với thái độ “cho có” này cũng phổ biến trong mọi khía cạnh, không chỉ là công việc mà còn trong học tập hay những dự định cá nhân, từ những việc tập thể dục, học các môn năng khiếu hay duy trì một sở thích nào đó.

Âm thầm bỏ việc cũng “âm thầm” trở thành xu hướng những năm gần đây.

“Giải oan” cho thế hệ Z

Thế nhưng, chớ vội nghĩ rằng Gen Z chỉ có đầy những tính xấu như lười biếng, dễ nản chí hay được nuông chiều thái quá. Thực ra, có rất nhiều yếu tố dẫn đến sự cả thèm chóng chán “tai tiếng” của Gen Z, thậm chí có nhiều yếu tố bất ngờ sẽ làm bạn “ngã ngửa” nữa đó!

Nhiều Gen Z bị căng thẳng khi đi làm do quá ôm đồm công việc để chứng minh năng lực.

Một trong những nguyên nhân khiến Gen Z có “ác cảm” với các công việc chính thức là mức độ căng thẳng gắn liền với việc đi làm. Có một nghiên cứu cho thấy rằng, những người lao động trẻ có mức độ căng thẳng cao hơn 30% so với những người lao động ngoài 40 tuổi.

Tờ Forbes (Mỹ) còn ví von sự căng thẳng tại môi trường làm việc như một “đại dịch” toàn cầu, là điều người trẻ buộc phải đối mặt khi bước chân vào thế giới người lớn. Nhất là trong thời kỳ chúng ta phải đối mặt với nhiều biến động, từ kinh tế đến công nghệ, đòi hỏi người lao động phải liên tục cập nhật, thay đổi để thích ứng. Nhưng cũng chính vì sống trong một thời kỳ nhiều biến động như vậy, sự linh hoạt cũng là yếu tố to bự trong việc khiến Gen Z dễ nản chí. Gen Z yêu thích việc làm mới, thay đổi từ bản thân đến môi trường.

Bạn Phương Uyên thích hybrid working.

Một nghiên cứu của Deloitte năm 2023 về Gen Z và Gen Y cho thấy ưu tiên hàng đầu của hai nhóm đối tượng này trong công việc là sự tự do lựa chọn địa điểm làm việc, hay còn gọi là mô hình hybrid working: được lựa chọn làm việc ở nhà, quán cà phê, công ty hay bãi biển tùy theo… tâm trạng.

Bạn Phương Uyên (18 tuổi, TP.HCM) chia sẻ: “Vốn vì tính cách khá bay nhảy và năng động nên công việc trong mơ của mình là sẽ được làm việc ở bất cứ đâu mình muốn. Mình nghĩ hybrid working sẽ là cơ hội tốt để mình gặp gỡ các mối quan hệ mới, luôn làm mới bản thân và quan trọng nhất là tốt cho sức khỏe tinh thần của mình!”.

Phá bỏ định kiến, trở thành “người cuối cùng”

Việc là những người kiên định, trụ vững qua thử thách để hoàn thành công việc quan trọng không kém việc là người tiên phong. Bởi nếu chỉ biết “bắt đầu” mà không biết “kết thúc”, bạn sẽ luôn thấy mình ở trạng thái “dở dang”.

Vậy đâu là cách để bạn trở thành “người cuối cùng”?

1. Đặt ra các mục tiêu đơn giản, dễ đo lường

Ví dụ như mục tiêu giảm cân trong năm có vẻ bất khả thi thì bạn hãy lên kế hoạch cụ tỉ hơn như: mỗi bữa thêm một bát rau củ và bớt nửa bát cơm so với bình thường. Mọi thứ sẽ trở nên dễ điều khiển hẳn.

Hãy đặt ra những mục tiêu dễ đo lường để có thể hoàn thành công việc dễ hơn.

2. Luôn có bảng lịch trình

Mỗi tối hãy lên kế hoạch/ danh sách những việc cần làm của ngày mai để bạn luôn biết mình cần làm gì. Có thể dùng chế độ nhắc trong điện thoại để bám sát các “cam kết” đã lên.

3. Tập thói quen chờ đợi

Một trong những điều diệu kỳ để đạt được hiệu quả trong mọi việc là học-cách-chờ-đợi. Các nhà nghiên cứu khoa học và tâm lý cũng cho biết năng lực biết-chờ-đợi những điều đang mong muốn không chỉ có thể tăng cường sự kiên nhẫn mà còn khiến bạn hạnh phúc hơn về lâu dài.

Hãy lập danh sách những điều dễ làm ta xao nhãng và tìm cách đặt nó đằng sau.

4. Gạt những điều không quan trọng qua một bên

Vì mỗi ngày có vô vàn thứ không quan trọng có thể chiếm đóng thời gian của ta rất nhiều, như chỉ vô tình lướt điện thoại một chút quay lại đã thấy cả tiếng đồng hồ trôi qua. Cho nên hãy lập danh sách những điều dễ làm ta xao nhãng và tìm cách đặt nó đằng sau. Ví dụ phải làm xong bài tập Toán mới được xem một chương truyện mới chẳng hạn.

5. Chuẩn bị cho những việc không như ý

Cuối cùng, sẵn sàng cho việc có thể thất bại hoặc không như mong muốn. Những chẳng có gì dễ dàng thành công ngay từ bước đầu. Thử lại thêm lần nữa, kết quả đang đợi bạn ngay trước mặt thôi!

Xanh lá biển - Ảnh tổng hợp từ nhiều nguồn

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/da-den-luc-gen-z-can-hoc-cach-pha-bo-dinh-kien-de-theo-duoi-ke-hoach-den-cung-post1609307.tpo