Đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Tĩnh

Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) sát với thực tế, nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến đa dạng và gần gũi với người dân, góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật ở các địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Tĩnh.

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh trao tài liệu phổ biến pháp luật cho bà con dân tộc Chứt, xã Hương Liên, Hương Khê. Ảnh: PV

Tuyên truyền sâu sát đến từng thôn bản

Theo báo cáo của Sở Tư pháp Hà Tĩnh, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Hà Tĩnh có gần 500 hộ với 1.972 khẩu, gồm các tộc người: Chứt, Lào, Mường, Mán, Thái, đang sinh sống tại 7 thôn, bản thuộc địa bàn 7 xã thuộc 3 huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang. Trong đó, chủ yếu tập trung tại huyện Hương Khê là 333 hộ (chiếm 67,7%), gồm: Dân tộc Mường 211 hộ với 632 khẩu; Dân tộc Lào 63 hộ với 244 khẩu; Dân tộc Chứt 59 hộ với 209 nhân khẩu. Các hộ dân tộc Lào, Mường, Thái, Mán đều sinh sống xen ghép với các hộ dân tộc Kinh.

Trong thời gian qua, việc phổ biến chính sách, thể chế về PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng vì vậy tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan ban ngành, địa phương đã chủ động, sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL.

Hướng dẫn bà con dân tộc Chứt bản Rào Tre phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Ảnh: PV

Bên cạnh đó, tỉnh Hà Tĩnh phát động nhiều cuộc vận động có nội dung nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số như: cuộc vận động “Toàn dân tích cực tham gia, phòng chống tội phạm”, “Phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, mô hình“Câu lạc bộ tình thương” được xây dựng tại xã Sơn Kim 1 huyện Hương Sơn đã tập hợp, giáo dục, cảm hóa các đối tượng nghiện hút và vi phạm pháp luật, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng, mô hình “cầu nối se duyên” chống hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc Chứt ở xã Hương Liên, huyện Hương Khê.

Tấm gương tiêu biểu ở bản Rào Tre

Theo báo cáo của UBND huyện Hương Khê, năm 2012, bản Rào Tre xã Hương Liên, huyện Hương Khê được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ cấp quốc gia, 100% người dân biết nói tiếng Kinh. Hiện nay, bản Rào Tre có hàng chục học sinh đã và đang học văn hóa tại trường dân tộc nội trú, nhiều thanh niên nhập ngũ, tốt nghiệp đại học.

Hồ Xuân Nam được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vinh danh là một trong 90 cá nhân điển hình tiêu biểu của cả nước ở cộng đồng dân cư. Ảnh: PV

Đến bản Rào Tre không ai không biết đến anh Hồ Xuân Nam (SN 1987, là người dân tộc Chứt)- Trưởng ban Công tác mặt trận bản Rào Tre, xã Hương Liên. Với vai trò người cán bộ mặt trận, Hồ Xuân Nam đã làm tốt “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền, Tổ Công tác BĐBP với người dân ở địa phương trong thực hiện các chính sách của Đảng và nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành bảo tồn, phát triển các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc.

Trung tá Nguyễn Văn Thiên - Tổ trưởng Tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) chia sẻ, Hồ Xuân Nam luôn gương mẫu đi đầu, vận động bà con dân tộc Chứt tích cực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ tập tục lạc hậu vận động con em dân tộc Chứt đến trường, xóa bỏ tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Anh Nam là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân địa phương trong thực hiện các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Hữu Anh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/da-dang-hoa-noi-dung-hinh-thuc-tuyen-truyen-phap-luat-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-ha-tinh-post496951.html