Đa dạng hóa lựa chọn

Thỏa thuận gần đây giữa Đông Timor và Trung Quốc nhằm nâng cấp quan hệ song phương lên 'Đối tác chiến lược toàn diện' đã thu hút nhiều phản ứng. Một số suy đoán về ý nghĩa của thỏa thuận này đối với nước láng giềng thân thiết của Đông Timor là Australia, quốc gia coi khu vực này nằm trong phạm vi ảnh hưởng của mình. Nhưng thực chất đối với Dili, nâng cấp quan hệ với Trung Quốc là một cách đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác, mang lại cho họ thêm nhiều lựa chọn để phát triển kinh tế, chứ không nằm ở việc chọn bên giữa Trung Quốc hay Australia.

“Không có đồng minh hay kẻ thù, tất cả đều là bạn”

Với Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ, Đông Timor hiện sẽ là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Tuyên bố này cũng mang lại kết quả cho lời hứa mà Tổng thống Jose Ramos-Horta đã đưa ra trong lễ nhậm chức rằng ông sẽ tìm cách phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc trong các lĩnh vực nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và năng lượng. Sự tham gia của Bắc Kinh vào những lĩnh vực này sẽ mang lại lợi ích chính trị ở Dili.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Thủ tướng Đông Timor Xanana Gusmao trong cuộc gặp tại Hàng Châu hồi tháng 9.2023. Nguồn: Tân Hoa Xã

Tuy nhiên, thỏa thuận này cùng với điểm 10 trong Tuyên bố chung Trung Quốc - Đông Timor cho rằng: “Hai nước nhất trí tăng cường trao đổi quân sự cấp cao, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như đào tạo nhân sự, công nghệ, tập trận và huấn luyện chung” đã làm dấy lên nhiều lo ngại. Song, các nhà quan sát độc lập lại cho rằng, cần nhìn nhận lựa chọn của Đông Timor ở khía cạnh lợi ích kinh tế nhiều hơn là an ninh, chính trị.

Trong những năm qua, chính sách đối ngoại của Dili đã được định hướng bởi mục tiêu hợp tác và quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng lân cận và xa hơn nữa để bảo đảm sự tồn tại và phát triển của quốc gia non trẻ. Trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của Chính phủ lập hiến thứ 9 vào tháng 7.2023, Thủ tướng Xanana Gusmao từng nói: “Đối với Đông Timor, không có đồng minh hay kẻ thù, sẽ chỉ có bạn bè mà thôi”.

Những thách thức phát triển

Để hiểu cách tiếp cận của Dili với Trung Quốc, cần nhìn vào tình trạng phát triển hiện tại ở Đông Timor và những thách thức mà nước này phải đối mặt.

Trong khoảng 15 năm qua, Đông Timor chủ yếu dựa vào nguồn thu từ dầu mỏ để phát triển nền kinh tế. Điều này tạo ra một tình huống đặc biệt khi các hoạt động kinh tế trong nước được thúc đẩy bởi chi tiêu nhà nước. Một báo cáo chính thức của chính phủ chỉ ra rằng tổng doanh thu năm 2020 là 508,5 triệu USD, trong đó 80% đến từ dầu mỏ. Điều này cho thấy các lĩnh vực phi dầu mỏ của Đông Timor tương đối kém phát triển và các chủ thể tư nhân không đóng góp nhiều trong việc tăng doanh thu trong nước, điều rất cần thiết để giúp nước này thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ.

Ngoài ra, phân tích dữ liệu thương mại từ năm 2008 đến năm 2021 cho thấy Đông Timor đã nhập khẩu hàng hóa trị giá 7,2 tỷ USD trong khi xuất khẩu chỉ trị giá 613,4 triệu USD. Tình trạng thâm hụt thương mại trầm trọng này cho thấy Đông Timor là một quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu, càng làm nổi bật thêm sự thiếu hụt các ngành công nghiệp trong nước.

Đầu năm nay, Tổng thống Jose Ramos-Horta đã đặt ra câu hỏi về sự thất bại của đất nước “trong việc đưa ra các chính sách để phát triển và gắn kết đất nước với tầm nhìn chung, toàn diện và bền vững” cũng như việc thiếu chính sách chi tiết để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội được hình dung trong Kế hoạch phát triển chiến lược 2011 - 2030. Các câu hỏi này có giá trị vì mặc dù đã đạt được tiến bộ to lớn nhưng Đông Timor vẫn còn thiếu sót trong nhiều lĩnh vực then chốt.

Trong những năm qua, chính phủ Đông Timor đã liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của các lĩnh vực sản xuất (đặc biệt là du lịch và nông nghiệp) và ưu tiên các lĩnh vực này trong nỗ lực mở ra con đường dẫn đến đa dạng hóa kinh tế. Để đa dạng hóa nền kinh tế, chính phủ đã đầu tư rất lớn vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng quan trọng để hỗ trợ các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, phân tích chi tiêu ngân sách trong giai đoạn 10 năm từ 2011 đến 2020 cho thấy chỉ có 1,3% được chi cho lĩnh vực nông nghiệp và 0,2% cho lĩnh vực du lịch trong tổng chi 3,6 tỷ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng. Điều này cho thấy sự thiếu cam kết đầu tư và không phản ánh sự ưu tiên cải thiện các lĩnh vực sản xuất, khiến đất nước gặp khó khăn hơn trong việc đa dạng hóa nền kinh tế.

Là một quốc gia vừa mới thoát khỏi cuộc xung đột lâu dài, Đông Timor phải đối mặt với rất nhiều thách thức phát triển. Do đó, nước này ưu tiên tất cả các lựa chọn để đạt được sự phát triển, bao gồm cả việc xây dựng quan hệ đối tác với tất cả các quốc gia có thể mang lại điều họ cần.

Trên thực tế, quốc gia này cũng nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nước. Chẳng hạn Dili đã xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với Lãnh thổ phía Bắc của Australia và quan hệ đối tác phát triển với Australia; ký Thỏa thuận Millennium Challenge Corporation trị giá 484 triệu USD với Hoa Kỳ để cải thiện lĩnh vực nước và vệ sinh.

Trong số 7,2 tỷ USD giá trị nhập khẩu vào Đông Timor từ năm 2008 đến 2021, 2,08 tỷ USD (29%) đến từ Indonesia, 897,6 triệu USD (12%) từ Singapore, 742,8 triệu USD (10%) từ Trung Quốc, 376,7 triệu USD từ Việt Nam và 347,9 triệu USD từ Malaysia (mỗi nước chiếm khoảng 5%).

Ưu tiên của dự án Greater Sunrise

Vào thời điểm đặc biệt này, khi mỏ khí Bayu Undan dự kiến sẽ cạn kiệt trong năm nay, Đông Timor đang rất cần tìm đối tác có thể giúp phát triển mỏ khí Greater Sunrise, mỏ có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển trong tương lai của đất nước.

Dự án, vốn bị đình trệ từ lâu, có trữ lượng khí đốt tiềm năng là 5,3 nghìn tỷ feet khối, mang lại tiềm năng cung cấp cho những khách hàng đang thiếu năng lượng ở châu Á, giúp giảm bớt tình trạng thiếu khí đốt toàn cầu trong thập kỷ này và mang lại nguồn doanh thu quý giá cho Đông Timor đang thiếu tiền mặt.

Một năm trước khi đến thăm Australia, Tổng thống Ramos-Horta nói rằng Đông Timor mong muốn đưa đường ống vào bờ biển của mình như một phần của các mục tiêu chiến lược quốc gia. Trong khi đó, Australia lại tỏ ra ngần ngừ về việc xúc tiến kế hoạch này. Nhà điều hành dự án Woodside, chính phủ của Thủ tướng Albanese và Dili đã vướng vào các cuộc đàm phán dai dẳng về chia sẻ lơi nhuận, thỏa thuận tiền bản quyền và quốc gia nào sẽ dẫn khí đốt. Trong khi đó, Trung Quốc đã tỏ ra là quốc gia duy nhất sẵn sàng hỗ trợ về cơ sở hạ tầng cho mỏ khí Greater Sunrise.

Các nhà quan sát cho rằng, mối quan hệ đối tác được nâng cấp này không nên được nhìn nhận như một hành động “chơi lá bài chính trị”, mà đơn giản là một lựa chọn thực dụng để đạt được mục đích kinh tế nhằm giải quyết những khó khăn mà quốc gia Đông Nam Á đang phải đối mặt.

Sau 20 năm độc lập, Đông Timor tiếp tục phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi tầm nhìn phát triển kinh tế bị hạn chế do không thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào tài nguyên dầu mỏ. Trong thời gian quyết định này, kẻ thù lớn nhất của Đông Timor là thời gian. Cơ hội để những người sáng lập để lại di sản phát triển lâu dài bằng cách đưa đường ống Greater Sunrise đến bờ biển của nước này không còn nhiều, nhất là trong bối cảnh thế giới đang hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/da-dang-hoa-lua-chon-i346325/