Đa dạng hình thức trải nghiệm di sản

Không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc, bảo tàng, di tích còn được sử dụng như một tài nguyên trực quan nhằm truyền tải kiến thức, tình yêu, niềm tự hào với truyền thống văn hóa dân tộc.

Nhiều điểm đến văn hóa đã tận dụng lợi thế này để mở ra ngày càng nhiều hình thức trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn, vừa giúp bồi dưỡng tri thức, vừa lan tỏa giá trị di sản trong đời sống hiện đại.

Các hoạt động giáo dục trải nghiệm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám thu hút sự quan tâm, yêu thích của đông đảo du khách trẻ tuổi.

Sáng tạo trong trải nghiệm di sản

Là một trong những nơi đi đầu về đa dạng phương thức trải nghiệm di sản, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám có hơn 30 nội dung trải nghiệm khác nhau, phù hợp với nhiều lứa tuổi cũng như nhu cầu tìm hiểu về các giá trị đa dạng của di tích. Chẳng hạn như chương trình “Đi tìm linh vật trên các kiến trúc cổ”, tổ chức như một trò chơi thông qua 6 cửa, tương đương với 6 kiến trúc ở di tích. Ở mỗi cửa, các đội chơi phải nhận diện được linh vật và chọn ra đáp án đúng về ý nghĩa của linh vật đó trong khoảng thời gian ngắn nhất để có thể nhanh chóng về đích, giành chiến thắng.

Thạc sĩ Đường Ngọc Hà (Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám) cho biết: “Trò chơi được thiết kế tạo sự cạnh tranh về thời gian giữa các đội với nhau, cũng như tạo sự kết nối giữa người chơi với các đối tượng văn hóa mà cụ thể ở đây là các linh vật giúp trải nghiệm di sản trở nên thú vị hơn. Tham gia trò chơi, người chơi không chỉ cần nhận diện được linh vật, hiểu ý nghĩa mà còn phải nhận biết được các công trình kiến trúc, qua đó nâng cao sự hiểu biết của người chơi đối với di sản”.

Tương tự Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cũng đẩy mạnh các chương trình trải nghiệm, như: Tour 3D “Chiến thắng Hà Nội 12 ngày đêm, Hũ gạo cứu đói, Chiến sĩ giải phóng quân, Chiến sĩ cảm tử quân, Em làm phi công, Em làm lính xe tăng…, được áp dụng cho nhiều đối tượng, lứa tuổi với đa dạng hoạt động tương tác từ trực tuyến đến trực tiếp. Đây là mô hình trải nghiệm tích hợp, gắn kết khéo léo nội dung giáo dục của nhà trường với mục tiêu giới thiệu, diễn giải di sản của bảo tàng.

“Để xây dựng các chương trình này, bảo tàng nghiên cứu kỹ chương trình học lịch sử phổ thông, thiết kế hoạt động trải nghiệm phù hợp với lứa tuổi, có tính hấp dẫn, để các em lĩnh hội kiến thức về di sản một cách vui vẻ, lý thú”, Thượng tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam chia sẻ.

Đưa bảo tàng, di tích đến gần hơn với công chúng

Bắt kịp xu hướng tiếp cận di sản theo hướng hiện đại và tinh tế này, nhiều bảo tàng, di tích trên địa bàn Hà Nội cũng đang tích cực tìm tòi, sáng tạo cách thức đưa di sản đến gần hơn với công chúng. Ví dụ, Bảo tàng Hồ Chí Minh có các chương trình giáo dục online theo chủ đề quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Bác, hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác, Bác Hồ với thiếu nhi...; Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” gắn với nhiều chủ đề hấp dẫn, như: “Theo dòng lịch sử”, “Lật mảnh ghép, tìm di sản”, “Cờ lau tập trận”… với các hoạt động đa dạng: Tập làm MC, giao lưu với nhân chứng lịch sử, hóa thân vào nhân vật lịch sử…; Khu di sản Hoàng thành Thăng Long có góc khám phá “Em làm nhà khảo cổ”, tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”… Những chương trình tươi mới nói trên đã góp phần khiến trải nghiệm văn hóa trở nên hấp dẫn hơn đối với công chúng, nhất là các bạn trẻ.

Trưởng phòng Bảo quản - Trưng bày (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội) Nguyễn Thị Yến cho biết: “Trung tâm đang hoàn thiện phòng chiếu phim 3D tái hiện các câu chuyện, nghi lễ hoàng cung xưa… Thời gian tới, trung tâm tiếp tục nâng cấp các không gian khám phá, tương tác; gắn các hoạt động trải nghiệm với các trưng bày, triển lãm định kỳ. Đặc biệt là đổi mới, bổ sung một số nội dung chuyên đề lịch sử như: Trạng nguyên thành Thăng Long, Điện kính thiên trong lịch sử…, cũng như đưa nội dung giáo dục môi trường vào chương trình giáo dục di sản với chủ đề “Di sản xanh - Di sản của chúng ta, góp phần làm cho trải nghiệm văn hóa trở nên hấp dẫn hơn”.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý khẳng định, giáo dục thông qua di sản là đặc trưng của bảo tàng, di tích. Với điều kiện thực tế hiện nay, các bảo tàng, di tích cần tập trung vào 3 ưu tiên lớn, đó là “trưng bày và diễn giải” góp phần biến thông tin thành tri thức và cảm xúc; “sự tương tác” thúc đẩy trải nghiệm và tìm kiếm thông tin, trong đó khuyến khích sự chủ động của khách tham quan; và cuối cùng là “số hóa” - xây dựng cơ sở dữ liệu cho diễn giải, trưng bày và giáo dục di sản - cách thức quan trọng để di sản văn hóa có thể đến gần hơn với mọi tầng lớp công chúng. “Khi đó, công nghệ dưới bàn tay và khối óc của chúng ta sẽ trở thành “chiếc đũa thần” biến hóa tài tình để tạo nên muôn vàn câu chuyện hấp dẫn trong các bảo tàng và di tích”, bà Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/da-dang-hinh-thuc-trai-nghiem-di-san-638549.html