Đa dạng các phương thức tuyển sinh đảm bảo chất lượng đầu vào

Những năm gần đây, các trường đại học đều đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh nhằm đảm bảo chỉ tiêu và nâng cao chất lượng đầu vào.

Đa dạng các phương thức tuyển sinh đảm bảo chất lượng đầu vào.

Tập trung xây dựng mới và điều chỉnh chương trình đào tạo

Theo đó, trong bối cảnh hiện nay, sự cạnh tranh trong tuyển sinh giữa các trường đại học ngày càng cao. Để đảm bảo đủ chỉ tiêu đặt ra, nhiều trường đại học đã kết hợp đa dạng các phương thức tuyển sinh, chủ động, linh hoạt tìm các ứng viên phù hợp với tiêu chí của nhà trường.

Tại trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) năm 2024 nhà trường dự kiến dành 3000 chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó 7 chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin có 1200 chỉ tiêu, 3 chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực Mỹ thuật – Truyền thông số có 870 chỉ tiêu,5 chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực Công nghệ - Kỹ thuật số có 460 chỉ tiêu và 04 chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực Kinh tế - Quản trị số có 470 chỉ tiêu.

PGS.TS Phùng Trung Nghĩa, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) cho biết: Nhà trường đã và đang tập trung xây dựng mới, điều chỉnh và tuyển sinh 24 chương trình đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, có tính ứng dụng cao trên nền tảng công nghệ số, phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Cách mạng công nghiệp 4.0; trong đó có 02 chương trình đào tạo mới là Vi mạch bán dẫn, chương trình đào tạo quản lý logistics và chuỗi cung ứng nhằm mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, logistics đang rất hot hiện nay.

Trường Đại học Công nghệ Thông tin và truyền thông dự kiến tuyển sinh 3000 chỉ tiêu.

PGS.TS Phùng Trung Nghĩa chia sẻ: Toàn bộ quá trình đăng ký xét tuyển của thí sinh và nghiệp vụ xét tuyển được số hóa hoàn toàn. Thí sinh chỉ cần thực hiện đăng ký xét tuyển online và nhận kết quả duyệt hồ sơ đăng ký xét tuyển trong ngày. Thí sinh nếu trúng tuyển sớm sẽ nhận được giấy báo trúng tuyển có điều kiện trước khi thi tốt nghiệp THPT 1 tuần. Điều này sẽ tạo tâm lý ổn định và vững vàng cho thí sinh trước kì thi tốt nghiệp THPT, không phải chịu áp lực xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp quá lớn.

Theo thông tin từ trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông: Sau 1 tháng mở cổng đăng ký xét tuyển sớm, đã có xấp xỉ 1500 hồ sơ đăng ký của các thí sinh đến từ gần 300 trường THPT thuộc 43 tỉnh thành trên toàn quốc, trong đó có nhiều hồ sơ đăng ký xét tuyển đến từ các tỉnh thành lớn như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, TP. Huế,…

Phương án tuyển sinh đảm bảo chất lượng đầu vào

Trao đổi về vấn đề tuyển sinh trong toàn Đại học Thái Nguyên, PGS.TS Nguyễn Danh Nam, trưởng Ban Đào tạo và Quản lý người học, Đại học Thái Nguyên cho biết: năm 2023, Đại học Thái Nguyên có một số ngành tuyển sinh đạt tỷ lệ nhập học cao như: Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông các ngành: Công nghệ thông tin (760 thí sinh), Kỹ thuật phần mềm (193 thí sinh), Thiết kế đồ họa (304 thí sinh); Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp: Kỹ thuật Cơ điện tử (205 thí sinh), Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử (244 thí sinh), Công nghệ kỹ thuật ô tô (253 thí sinh), Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (367 thí sinh); Trường ĐH Y - Dược: Y khoa (646 thí sinh), Dược học (199 thí sinh), Điều dưỡng (246 thí sinh). Trường ĐH Kinh tế và Quản trị kinh doanh: Quản trị kinh doanh (269 thí sinh), Marketing (228 thí sinh), Kế toán (376 thí sinh)….

Theo PGS.TS Nguyễn Danh Nam, năm 2024 các ngành học dự kiến tiếp tục thu hút các thí sinh dự tuyển là các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật (Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Công nghệ cơ điện tử, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Công nghệ điều khiển và tự động hóa,…); lĩnh vực ngôn ngữ và khu vực học (Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Hàn Quốc học, Trung Quốc học); lĩnh vực kinh doanh và quản lý; lĩnh vực đào tạo giáo viên và lĩnh vực sức khỏe.

Trường Đại học Y - Dược cũng là một trong những trường tuyển sinh đạt tỷ lệ nhập học cao.

Trong thời gian qua, Đại học Thái Nguyên sử dụng 5 phương thức tuyển sinh chủ yếu vào các trường đại học, cao đẳng thành viên, cụ thể như sau: xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định về tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông THPT; xét tuyển theo điểm học tập và rèn luyện THPT (học bạ); xét tuyển theo điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT kết hợp thi tuyển năng khiếu.

Tuy nhiên, với sự thay đổi của kì thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 và thách thức đặt ra đối với Đại học Thái Nguyên về chất lượng nguồn tuyển sinh đòi hỏi phải có phương án tuyển sinh đảm bảo chất lượng đầu vào chung cho các trường đại học, cao đẳng thành viên.

Năm 2024, Đại học Thái Nguyên dự kiến tuyển sinh 17.275 chỉ tiêu trình độ đại học và 1.050 chỉ tiêu trình độ cao đẳng. Về phương thức tuyển sinh, năm 2024 Đại học Thái nguyên tuyển sinh theo 7 phương thức: xét tuyển thẳng theo Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024; xét tuyển theo kết quả học tập THPT (Học bạ); xét tuyển theo Đề án tuyển sinh riêng của các đơn vị đào tạo; xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; xét tuyển theo kết quả thi đánh giá tư duy của ĐH Bách Khoa Hà Nội; xét tuyển theo kết quả thi đánh giá đầu vào đại học (V-SAT) trên máy tính của Đại học Thái Nguyên.

Như vậy, thông qua việc đa dạng phương thức tuyển sinh sẽ giúp các trường đại học thu hút được đông đảo thí sinh trên khắp cả nước đồng thời, chất lượng sinh viên cũng sẽ được nâng lên.

Phương Thảo

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/da-dang-cac-phuong-thuc-tuyen-sinh-dam-bao-chat-luong-dau-vao-post681374.html