Đa cực mới

QĐND - Kết quả kiểm phiếu có ngay sau ngày bầu cử 4-3 và mãi đến ngày 7-5 tới, ông V.Pu -tin mới làm lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống. Thế nhưng ngay từ bây giờ, người ta đã bắt đầu hình dung ra được những đường hướng mà nước Nga sẽ đi theo trong thời gian tới dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống V.Pu -tin.

Các phương tiện truyền thông phương Tây luôn có một giọng điệu chủ đạo là bêu riếu ông V.Pu -tin, như một người cứng nhắc, thiếu khả năng kỹ trị. Họ cũng thường xuyên nhấn mạnh rằng, nước Nga dưới thời ông V.Pu -tin ở hai nhiệm kỳ Tổng thống trước là một nước nghèo, nơi chỉ có những tay nhà giàu mới nổi được hưởng các đặc ân của hệ thống chính trị.

Thế nhưng, dường như họ đã cố tình lờ đi những con số biết nói, khi các kết quả thống kê cho thấy điều hoàn toàn ngược lại. Trong nhiệm kỳ đầu của ông V.Pu -tin (2000-2004), tỷ lệ người Nga sống dưới mức nghèo khổ đã giảm từ 35% xuống còn 23%. Đến cuối năm 2011, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 12,8%.

Giờ đây, khi đàng hoàng quay trở lại điện Krem -li sau cuộc bầu cử vừa rồi, ông V.Pu -tin còn đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn, được thể hiện trong cương lĩnh vận động tranh cử của ông. Tăng gấp ba mức sống người dân, đưa nước Nga tới năm 2020 thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới với GDP bình quân tính theo đầu người đạt 35.000USD (năm 2010 là 10.440USD).

Phương Tây cũng đã tìm mọi cách để gây mất ổn định nước Nga nhằm đưa nước này trở lại thời kỳ loạn lạc như những năm cuối của thế kỷ trước, nhưng đã không thành công. Cách phổ biến nhất là tạo ra, tài trợ cho một phe đối lập với ông V.Pu -tin, người mà rõ ràng phương Tây không muốn đối mặt trong những năm trước mắt.
Một phương cách khác là sử dụng viện trợ thành lập một số quỹ nhằm đẩy mạnh phát triển khu vực tư nhân để gây ảnh hưởng trong xã hội.

Mặc dù vậy, có vẻ như những nỗ lực của phương Tây đã không thu được các kết quả như mong muốn. Bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu tan rã trong hàng ngũ những người phản đối chính quyền của ông V.Pu -tin khi các cuộc biểu tình gần đây đã không tập trung được số lượng người tham gia như các nhà tổ chức kỳ vọng.

Hơn thế nữa, giữa những người theo phái dân tộc chủ nghĩa và phái tự do chủ nghĩa đã có những bất đồng sâu sắc, khiến cho các cuộc biểu tình chống chính phủ ngày càng èo uột và có nguy cơ tan rã.

Có thể hiểu vì sao phương Tây lại không hài lòng với việc ông V.Pu -tin trở lại điện Krem -li trong thời gian ít nhất 6 năm tới - nếu như không có gì bất thường xảy ra. Bởi có thể hoàn toàn tin rằng với sự trở lại của ông V.Pu -tin, sẽ xuất hiện một thế giới đa cực mới.

Dựa vào nguồn năng lượng của đất nước, vào một sức mạnh răn đe hạt nhân chiến lược và cả chương trình hiện đại hóa quân sự quốc phòng (gần 600 tỷ euro cho 10 năm), nước Nga sẽ có tiếng nói ngang bằng với các cường quốc phương Tây, kể cả siêu cường duy nhất trong thời gian qua là Mỹ.

Trong thế giới đa cực mới ấy, nước Nga sẽ không thể bị phớt lờ trong các vấn đề an ninh quốc tế, như đã từng xảy ra với Li -bi. Nước Nga thời ông V.Pu -tin làm Thủ tướng đã bắt đầu thể hiện rõ điều này röìi, úã Xi-ri.

Yên Ba

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/91/68/71/71/71/183891/Default.aspx