Cứu trợ bà con vùng lũ như thế nào cho hiệu quả?

Nhiều tấm lòng hảo tâm mong muốn góp công, góp của để chia sẻ bà con vùng lũ nhưng nên đóng góp bằng cách nào, như thế nào để hiệu quả và thiết thực?

Trận lũ lịch sử trong tháng 10 này đã gây thiệt hại nặng nề cho bà con các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Hơn 100 người chết và mất tích, nhiều người còn chưa tìm thấy thi thể. Nhà cửa hoa màu, gia súc, gia cầm bị cuốn trôi theo dòng lũ. Lúc này ở địa phương như Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, người dân đang cố gắng vượt qua mất mát, khắc phục hậu quả để ổn định đời sống.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, hoạt động cứu trợ bà con vùng lũ được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai ở các địa phương với rất nhiều hoạt động, đặc biệt hỗ trợ bà con ở những vùng Yên Bái, Hòa Bình về kinh phí, vật dụng gia đình để bà con sớm ổn định chỗ ở. Đồng thời, Hội kêu gọi các nguồn lực để giúp đỡ người dân xây dựng lại nhà cửa. Tại Thanh Hóa, Hội kêu gọi vận động hỗ trợ về nước uống, chăm sóc y tế.

Tùy theo loại hình thiên tai và thiệt hại ở các địa phương mà Hội Chữ thập đỏ có các hoạt động cứu trợ khác nhau. Ví dụ, nhiều hộ dân ở Yên Bái vừa qua bị lũ cuốn mất hết nhà cửa, Hội đã tham gia di dời người dân đến nơi an toàn, hỗ trợ thực phẩm, nước uống, vật dụng gia đình...

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu (phải) trong chương trình Vấn đề hôm nay.

Tính đến ngày hôm nay (17/10), Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã xuất quỹ về phòng chống thiên tai là hơn 2 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương, đồng thời vận động các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ...và kêu gọi các tổ chức quốc tế...

Ông Hồ Đức Hợp, Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái - một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề trong cơn lũ - cho biết, từ khi xảy ra trận lũ lịch sử đến nay đã có một số đoàn cứu trợ đến giúp đỡ trực tiếp các gia đình bị thiệt hại. Tuy nhiên, do một số ở vùng sâu vùng xa hay vùng bị chia cắt do mưa lũ, đường sá đi lại khó khăn nên huyện Văn Chấn thành lập một bộ phận tiếp nhận cứu trợ cho người dân tại Văn phòng HĐND&UBND do Phó Chủ tịch HĐND phụ trách để có thể thuận lợi trong việc rà soát, tính toán, phân bổ cho người dân cần cứu trợ một cách hợp lý và công bằng nhất.

"Của cho không bằng cách cho", hỗ trợ đúng lúc, hợp lý mới thật là điều đáng quý. Với việc cứu trợ bà con sau lũ, điều này càng đúng. Các nhà hảo tâm nên cân nhắc khi tham gia từ thiện, để thực sự hiệu quả. Còn các tổ chức nhân đạo ngày càng phải chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn và linh hoạt đáp ứng không chỉ nguyện vọng của bà con vùng thiên tai, mà còn cả mong muốn của các nhà hảo tâm.

Ban Thời sự

Nguồn VTV: http://vtv.vn/van-de-hom-nay/cuu-tro-ba-con-vung-lu-nhu-the-nao-cho-hieu-qua-2017101805411956.htm