Cựu Tổng thống đoạt giải Nobel Hòa bình của Phần Lan qua đời ở tuổi 86

Ông Martti Ahtisaari, người đoạt giải Nobel Hòa bình và từng là Tổng thống thứ 10 của Phần Lan từ năm 1994 đến năm 2000, đã qua đời ở tuổi 86 vào thứ Hai (16/10).

Ông Ahtisaari được tôn vinh khắp thế giới vì đã đứng ra làm trung gian hòa bình cho các khu vực xung đột ở Kosovo, Indonesia và Bắc Ireland. Ông từ chối chấp nhận rằng chiến tranh và xung đột là không thể tránh khỏi.

Cựu Tổng thống Phần Lan Martti Ahtisaari khi nhận giải Nobel Hòa bình ở Oslo vào ngày 10 tháng 12 năm 2008. Ảnh: Reuters

"Hòa bình là vấn đề của ý chí. Mọi xung đột đều có thể được giải quyết và không có lý do gì để cho phép chúng tồn tại vĩnh viễn", ông Ahtisaari nói khi nhận giải Nobel năm 2008.

Phần Lan, Ahtisaari luôn là người ngoài cuộc về mặt chính trị. Nhưng chính sự ít bè phái chính trị đã giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên của Phần Lan vào năm 1994.

Với tư cách là Tổng thống, ông ủng hộ việc gia nhập Liên minh châu Âu của Phần Lan và khuyến khích cử tri ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý gia nhập năm 1994, được thông qua với tỷ lệ ủng hộ 57%.

Ông Ahtisaari sinh năm 1937 tại Viipuri, hiện là một phần của Nga, và sau đó sang Phần Lan sinh sống. Sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự, ông trở thành giáo viên và tham gia vào một dự án giáo dục ở Pakistan, trải nghiệm mà ông cho rằng đã mở mang tầm mắt của ông về thế giới bên ngoài quê hương.

Ông gia nhập Bộ Ngoại giao Phần Lan năm 1965 và được bổ nhiệm làm Đại sứ Phần Lan tại Tanzania năm 1973. Một trong những thành tựu ngoại giao lớn đầu tiên của ông là giúp Namibia giành được độc lập sau nhiều năm xung đột đẫm máu với Nam Phi.

Ông từng là Ủy viên Liên hợp quốc tại Namibia từ năm 1977 đến năm 1981 và phục vụ thường xuyên trong khu vực với nhiều vai trò khác nhau cho đến đầu những năm 1990.

Đóng vai trò là người đại diện cho EU, ông đã thuyết phục Tổng thống Nam Tư cũ Slobodan Milosevic vào năm 1999 chấp nhận các điều khoản của NATO để chấm dứt chiến dịch không kích Kosovo.

Ông tiếp tục tập trung vào giải quyết xung đột sau khi rời chức tổng thống vào năm 2000, giúp thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Bắc Ireland với tư cách là thanh tra vũ khí.

Ông thành lập Sáng kiến Quản lý Khủng hoảng (CMI), một tổ chức độc lập tập trung vào giải quyết xung đột. Nhóm đã tạo điều kiện cho tiến trình hòa bình giữa chính quyền Indonesia và Phong trào Aceh Tự do vào năm 2005. Những nỗ lực hòa giải của ông, trong hơn 7 tháng, đã dẫn đến một thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 3 thập kỷ ở Aceh.

Cuối năm đó, ông trở lại Balkan với tư cách là đặc phái viên của Liên hợp quốc. Ông được ca ngợi rộng rãi vì đã giúp mở đường cho nền độc lập của Kosovo với sự ủng hộ của các nước phương Tây.

Năm 2008, Ủy ban Nobel đã trao cho ông giải hòa bình, với lý do ông đã làm việc ở nhiều châu lục trong hơn ba thập kỷ. Khi qua đời ông để lại vợ, Eeva và con trai, Marko, một doanh nhân công nghệ và cựu giám đốc thiết kế của Nokia.

Bùi Huy (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cuu-tong-thong-doat-giai-nobel-hoa-binh-cua-phan-lan-qua-doi-o-tuoi-86-post268810.html