Cựu Thống đốc: Hoàng Anh Gia lai bán cao su cho Trung Quốc là quyền của doanh nghiệp

Chưa bao giờ câu chuyện về Hoàng Anh Gia Lai lại khiến dư luận quan tâm như hiện nay, đặc biệt là khi Tập đoàn này tuyên bố có thể sẽ bán 20.000 ha cao su tại Lào cho một số đối tác Trung Quốc để lấy 8.000 tỷ đồng trả nợ.

Trên thực tế, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã có văn bản gửi Chính phủ xin tái cơ cấu nợ do giá cao su xuống quá thấp. Hiện, tổng tài sản của tập đoàn đến ngày 30/6 là 51.106 tỷ đồng, gần gấp đôi tổng nợ. Nếu bán cao su tại Lào, HAGL sẽ trả bớt được 8.000 tỷ đồng nợ. Tất nhiên, đằng sau đó là số phận của hàng ngàn công nhân đã gắn bó với Tập đoàn này tại đất Lào.

(Nguồn: Internet)

Theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, việc “cứu hay không cứu” HAGL phải đặt ở góc nhìn tổng thể hài hòa cho cả nền kinh tế, doanh nghiệp.

Là doanh nghiệp đi đầu trong chiến lược phát triển nông nghiệp nên HAGL đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức, TS Võ Trí Thành cho rằng, tập đoàn này hồi phục sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho người lao động và nguồn thu ngân sách Nhà nước… Dù vậy, cũng không thể không nhắc tới những yếu tố liên quan tới vấn đề đối ngoại, chính trị, an ninh quốc phòng bởi HAGL có rất nhiều dự án tại các nước láng giềng như Lào, Campuchia và cả Myanmar.

Trong khi đó, chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Cao Sĩ Kiêm cho rằng, việc HAGL tuyên bố bán 8.000 ha cao su cho các đối tác Trung Quốc khi họ cảm thấy kinh doanh không hiệu quả - thì đó là quyền của doanh nghiệp.

“Quan điểm của tôi là phải chấp hành nguyên tắc thị trường. HAGL làm vậy không có gì sai luật pháp. Còn về vấn đề an ninh, quốc phòng…thì đã có vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng của Việt Nam tham mưu. Họ biết nên làm thế nào để vừa giải quyết quyền lợi cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo an ninh quốc phòng”, ông Cao Sĩ Kiêm nói.

Ông Cao Sĩ Kiêm cũng cho hay, trong thời gian dài HAGL đã từng phát triển rất tốt, có nhiều đóng góp lớn, nhiều ngân hàng đã đưa vốn vào tập đoàn này và Chính phủ cũng đã có những ưu đãi về nông nghiệp .

“Về việc HAGL xin được “cứu”, tôi cho rằng, cần tôn trọng quyền lợi của doanh nghiệp. Quan trọng là cách Chính phủ làm thế nào để không gây tiền lệ cho các doanh nghiệp khác”, ông Cao Sĩ Kiêm nhận định.

Trong khi đó, trả lời báo giới, nhiều chuyên gia cho rằng, HAGL không cần được “cứu”, bởi nếu căn cứ vào Nghị định 55 và Quyết định 482 của Chính phủ thì đương nhiên tập đoàn này phải được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định mà Nhà nước đã ban hành.

Cụ thể, theo Quyết định 482 ngày 14/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ có rất nhiều chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại vùng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, và dĩ nhiên HAGL với các dự án nông nghiệp lớn ở vùng biên, lẽ ra phải được thụ hưởng.

Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, hoạt động đầu tư, vay vốn của HAGL từ trước đến nay hoàn toàn theo lãi suất thị trường mà không áp dụng theo QĐ này. Đặt trường hợp tập đoàn này được hưởng các ưu đãi về lãi suất (khoảng 5%/năm) thì có lẽ, ngay cả giá cao su xuống đến mức hiện tại, chắc chắn sẽ không ảnh hưởng lớn đến hoạt động của HAGL như hiện nay.

TS Trần Đình Thiên cũng từng khẳng định, căn cứ vào Quyết định 482 thì HAGL đáp ứng đầy đủ điều kiện được ưu đãi. Ông cũng cho rằng câu chuyện của HAGL còn là mục tiêu quốc gia chứ không đơn thuần là doanh nghiệp làm ăn tốt hay chưa tốt.

Những dự án của HAGL tại Lào, Campuchia mang nhiều ý nghĩa quốc phòng, an ninh biên giới cũng như ngoại giao giữa 3 nước chứ không đơn thuần kiếm lãi như các dự án bình thường khác. Mặt khác, khó khăn hiện nay của HAGL xuất phát từ yếu tố khách quan, do giá cao su giảm quá mạnh nên mới dẫn tới mất thanh khoản về dòng tiền.

Theo ông Trần Đình Thiên, “đối với doanh nghiệp lớn như HAGL, phải coi là tài sản quốc gia và phải đặt mục tiêu tái cơ cấu theo hướng tích cực. Phải cân nhắc giữa lợi ích đại cục và lợi ích thông thường để có hướng giải quyết cho thỏa đáng”.

Về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng: “Cần cứu một doanh nghiệp nếu vì lợi ích chung cho nền kinh tế đất nước và doanh nghiệp, không ảnh hưởng đến pháp luật, không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước …”.

Trong lĩnh vực trồng và chế biến sản phẩm công nghiệp, HAGL hiện đang sở hữu 38.500 ha cao su, 29.000 ha cọ dừa, hơn 6.000 ha mía đường và khoảng 4.000 ha cây ăn trái tại 2 nước Lào - Campuchia. Kèm theo đó, HAGL cũng xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su , nhà máy chế biến đường và nhà máy cọ dầu ngay trong vùng nguyên liệu ở các nước này.

Cùng với đó, HAGL cũng đã xây dựng nhiều công trình phúc lợi xã hội như hệ thống đường giao thông liên huyện, liên xã; thi công hệ thống điện, trường học, bệnh viện tỉnh…/.

Hà Giang

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/kinh-te/cuu-thong-doc-hoang-anh-gia-lai-ban-cao-su-cho-trung-quoc-la-quyen-cua-doanh-nghiep-215300.html