Cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca và cái gật đầu 35 tỉ đồng

Ngoài điềm nhiên bỏ túi 35 tỉ đồng, cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca còn có dấu hiệu thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác

Ngày 23-2, Công an tỉnh Quảng Ninh đang làm rõ việc không thực hiện kê khai đóng thuế thu nhập cá nhân từ các hoạt động đầu tư kinh doanh dự án, bất động sản của vợ chồng cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca.

Phát hiện tài sản khủng

Trước đó, ngày 18-2-2023, ông Ca bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh ra lệnh bắt giữ khẩn cấp về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Khám xét khẩn cấp chỗ ở của bị can tại 2 địa chỉ ở phường Đằng Lâm, quận Hải An và xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên (cùng ở TP Hải Phòng), công an tạm giữ nhiều đồ vật, tài sản là tiền Việt Nam, ngoại tệ; các trang sức, kim loại màu vàng; nhiều sổ tiết kiệm; hơn 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tại cơ quan công an, bị can Đỗ Hữu Ca và vợ khai số đồ vật, tài sản trên có được thông qua việc tiết kiệm từ lương trong quá trình công tác trong lực lượng công an, bố mẹ để lại, quà lễ, Tết của các đơn vị và từ việc kinh doanh dự án.

Kết quả điều tra xác định những tài sản trên không liên quan đến hành vi phạm tội của bị can Đỗ Hữu Ca. Tuy nhiên, việc vợ chồng ông này không thực hiện kê khai đóng thuế thu nhập cá nhân về các hoạt động đầu tư kinh doanh liên quan đến những tài sản trên cần tiếp tục xác minh. Công an tỉnh Quảng Ninh đã tách hành vi không kê khai nộp thuế thu nhập của họ và toàn bộ đồ vật, tài sản tạm giữ khi khám xét khẩn cấp để xem xét xử lý sau.

Công an khám xét nhà ông Đỗ Hữu Ca

Đường đi của tiền chạy tội

Liên quan đến vụ án, đầu tháng 2-2023, Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ vợ chồng Trương Xuân Đước, Nguyễn Thị Ngọc Anh (trú TP Hải Phòng) về hành vi mua bán trái phép hóa đơn.

Quá trình điều tra cho thấy từ tháng 3-2013 đến tháng 5-2022, vợ chồng Đước thành lập 26 công ty "ma" mua bán trái phép 15.674 hóa đơn, thu lợi bất chính trên 41 tỉ đồng. Vợ chồng Đước khai tháng 10-2022, công an bắt cháu của Đước về hành vi mua bán trái phép hóa đơn, đồng thời điều tra về công ty của vợ chồng Đước. Đước nói với vợ đến gặp người có mối quan hệ thân thiết là ông Đỗ Hữu Ca để nhờ chạy tội. Ngọc Anh đến gặp ông Ca, được hướng dẫn chuẩn bị 20 tỉ đồng và tiền "tiêu cực phí" khác.

Từ cuối tháng 10 đến tháng 12-2022, vợ chồng Đước 4 lần đưa tiền cho ông Ca. Lần đầu vào ngày 31-10, Đước rút 8 tỉ đồng từ tài khoản cá nhân và vay của một người bạn 2 tỉ đồng để Ngọc Anh mang tới nhờ chạy tội và được ông Ca đồng ý.

Khoảng 1 tuần sau, thêm 5 tỉ đồng nữa được đưa tới nhờ "chạy". Sau đó, thấy công an tiếp tục thu thập hồ sơ liên quan đến các công ty của mình, ngày 11-11, vợ chồng Đước quyết định đưa thêm 15 tỉ đồng cho cựu giám đốc công an. Đước nhờ Trần Thị Ngọc Q., lãnh đạo một ngân hàng, rút số tiền 14.970.000.000 đồng từ tài khoản thấu chi của Đước. Tiếp đấy, Đước thêm 30 triệu đồng rồi cho tất cả vào 2 bao vải loại bao đựng tiền của ngân hàng gọi vợ đến nhận tiền.

Theo yêu cầu của Đước, Q. chỉ đạo nhân viên của mình lái ô tô của ngân hàng chở Ngọc Anh đến nhà ông Ca. Tại đây, Ngọc Anh nói với ông Ca về việc mang 15 tỉ đồng đến và đưa cho Ca xem bản chụp công văn của Công an tỉnh Quảng Ninh thu thập hồ sơ liên quan đến các công ty của Đước tại cơ quan thuế để ông Ca lo chạy tội cho đúng. Ông Ca nói cứ về đi để ông lo.

Lần thứ tư là vào ngày 1-12, thấy việc chạy tội chưa có kết quả nên Đước chỉ đạo Ngọc Anh tiếp tục mang thêm 5 tỉ đồng đến ông Ca. Lần này, Đước tiếp tục liên lạc với Trần Thị Ngọc Q. nhờ rút số tiền 5 tỉ đồng trong tài khoản thấu chi của mình, sau đó nhân viên ngân hàng chở Ngọc Anh mang tiền đến nhà ông Ca.

Ông Đỗ Hữu Ca thời điểm chưa bị bắt

Sau 4 lần đưa tiền, vì quá lo lắng nên đến gần trước Tết Nguyên đán năm 2023, Đước cùng vợ đến nhà ông Đỗ Hữu Ca để hỏi kết quả. Ông Ca nói đã lo xong việc ở Công an Hải Phòng, còn ở Công an Quảng Ninh thì ông đã nhờ người đàn ông tên Giang là người có mối quan hệ rộng trong lực lượng công an lo xong việc. Ông Ca bảo Đước cứ yên tâm về nhà ăn Tết, không phải lo lắng… Tiếp đó, vợ chồng Trương Xuân Đước cùng 10 đối tượng khác bị bắt với các tội danh "Trốn thuế", "Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước", "Nhận hối lộ" và "Đưa hối lộ".

Theo điều 200 Bộ Luật Hình sự, người phạm tội trốn thuế có thể bị phạt tù đến 7 năm, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Với ông Đỗ Hữu Ca, khi bị bắt, ông này thừa nhận vợ chồng Đước 4 lần mang 35 tỉ đồng đến để ở nhà nhưng không thừa nhận việc nhận tiền trên để chạy tội cho Đước. Ông Ca khai nghỉ hưu nhiều năm, các mối quan hệ không còn nhiều, không còn khả năng chạy tội cho Đước và cũng không tác động, sử dụng tiền trên để chạy tội cho Đước…

Đến nay, VKSND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành cáo trạng, trong đó, truy tố bị can Đỗ Hữu Ca tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Nên mở rộng phạm vi kiểm soát, giám sát tài sản

Luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thảo Trần, nhìn nhận công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức góp phần tăng tính minh bạch, liêm chính. Thông qua kết quả kiểm tra, hình thức chế tài đối với những cán bộ có nhiều tài sản chưa minh bạch cũng rất quan trọng.

Cũng theo luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Việt Nam cần mở rộng phạm vi kiểm soát, giám sát tài sản ở khu vực tư nhân mà trước hết là những người quản lý ngân hàng, quỹ đầu tư bởi họ liên quan rất nhiều đến quan chức, trong đó có những quan chức tham nhũng. Bên cạnh đó, cán bộ chỉ được tiếp công dân, doanh nghiệp tại trụ sở cơ quan, không được hẹn gặp ngoài giờ làm việc hoặc tại nhà riêng.

Ngoài ra, nên để người dân giám sát các tài liệu kê khai hoặc là đầu mối phản ánh những cán bộ giàu bất thường.

Chung quan điểm, luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình, nhấn mạnh thêm ý việc kê khai tài sản phải được diễn ra thường xuyên từ khi được dự kiến bổ nhiệm giữ các chức vụ, quyền hạn cho đến khi thôi giữ chức vụ, quyền hạn.

Anh Vũ

Bài và ảnh: MAI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuu-giam-doc-cong-an-tp-hai-phong-do-huu-ca-va-cai-gat-dau-35-ti-dong-196240223211631782.htm