Cựu cua-rơ Nguyễn Thị Thanh Huyền: Cuộc đời là những lần băng đồng

Tuổi 33 và 4 HCV SEA Games, 1 HCV châu Á ở môn đua xe băng đồng, thành tích đáng mơ ước đối với một VĐV, những tưởng tháng ngày bên chồng con sẽ là điểm dừng hạnh phúc của Nguyễn Thị Thanh Huyền sau khi nói lời chia tay với con “chiến mã”. Nhưng có lẽ cuộc đời còn muốn thử thách “bóng hồng trên đường đua” ấy thêm một lần nữa.

Ý chí và bản lĩnh Như đa số VĐV sinh ra trong cái thời buổi “một hạt gạo cõng ba lát sắn”, cái duyên đến với xe đạp của Huyền chẳng qua cũng chỉ vì miếng cơm manh áo. Tuổi thơ cơ cực trong một gia đình nghèo có bốn anh chị em đã dạy cho Huyền cách thích nghi với những buổi chạy chợ, bán nước, bán rau… Giữa đất thủ đô nhiều cô chiêu cậu ấm, cô bé Huyền sớm mồ côi mẹ ngày ấy đã biết “tự lập” ngay từ năm lớp 7. “Mình ý thức là không thể xin tiền bố nữa. Vậy mà vẫn học tốt nhé”. Chị cười tự hào. Thế rồi sự học đã dở dang hai năm sau đó. Không thể toàn tâm toàn ý cho con chữ khi thời gian bị chi phối quá nhiều bởi việc kiếm tiền, chị đi đến một quyết định táo bạo: nghỉ học 1 năm, rồi sau đó sẽ thi vào lớp 10 trường dân lập. Lý do Huyền chọn trường dân lập thật đơn giản: “Vì hồi đấy vào dân lập có học bổng. Mình chỉ cần cố gắng học tốt, sẽ không phải tốn tiền học phí”. Và với thành tích luôn đứng nhất nhì trường, chị đã học xong phổ thông mà không tốn một đồng học phí nào. Cũng chính những tháng năm này, chị đã đăng ký đội đua xe đạp Hà Nội, rồi nhanh chóng được gọi vào đội tuyển quốc gia nhờ những tố chất vượt trội trong luyện tập và thi đấu. Không lâu sau đó, SEA Games năm 1999, thể thao Việt Nam được vinh danh trên đường đua khu vực nhờ chiếc HCV đầu tiên của nội dung xe đạp băng đồng. Và chủ nhân của HCV năm ấy không ai khác ngoài cô gái người Hà Nội đầy bản lĩnh. Ba lần học Đại học Người ta nói VĐV thường “không có duyên” với đường học, nhưng chỉ dường như lại là minh chứng cho điều ngược lại, dẫu sự học cũng lắm long đong. Hai năm theo học ở Đại học Thương mại Hà Nội, cuối cùng chị phải bỏ ngang vì những chuyến tập huấn dài ngày tại TP.HCM, rồi những lần du đấu. “Đời VĐV nhiều khi muốn học cũng không thể vì phải tập luyện và thi đấu suốt”. Chị chia sẻ trong lúc nói về những đồng đội của mình. Thế nhưng với Thanh Huyền, điều không thể ấy đã trở thành có thể. Không học được ở Hà Nội, chị đã thi vào ĐH TDTT T.Ư 2 (TP.HCM) để vẹn cả đôi đường: học văn hóa và luyện tập cùng đội cho những giải đấu. Bản chất ham học hỏi, chị rất quý việc học của mình. Có lúc cả đội được lệnh tập trung ra Hà Nội, chị đã xin được ở lại luyện tập tại TP.HCM vì kẹt thi. Cho đến nhiều năm sau này, khi đã tốt nghiệp, có chồng và đang mang thai đứa con thứ hai, chị vẫn bụng bầu đến giảng đường, theo học văn bằng hai khoa Báo chí & Truyền thông, ĐH KHXH&NV (TP.HCM). Ước mơ làm một phóng viên thể thao, chị nhận được sự động viên lớn từ chồng chị, bác sĩ Nguyễn Hữu Tuyển, vốn là bác sĩ của Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia 2. Với chị, được học là một hạnh phúc. Bộn bề giữa những lo toan Không ai lường trước được chữ “ngờ”. Chồng chị, chỗ dựa vững chắc của người nữ VĐV từng một thời làm mưa làm gió trên đường đua, đột ngột ra đi sau một cơn bạo bệnh, bỏ lại chị với mẹ già và hai đứa con thơ, khi cháu thứ hai mới 7 tháng tuổi. Đường đến giảng đường lại thêm lần dang dở giữa bộn bề lo toan. Chị hiểu cuộc sống giờ không dễ dàng với mình nữa. Không chỉ “tự lập” đơn thuần như thuở trước, giờ đây chị còn có cả một gia đình phải lo. “Bà (mẹ chồng chị) sức khỏe yếu rồi, không thể cứ để bà trông cháu thế được. Chị đang định mướn người. Rồi học nhanh cho xong, kiếm cái gì làm nữa, chứ cứ thế này không ổn”. Ngồi nghe Thanh Huyền tính toán đủ cách kiếm tiền, mới thấy thương và cảm phục chị nhiều hơn. Chị tính mở quán này, thuê chỗ nọ, bán cái kia, rồi lại lắc đầu, nghĩ đến số tiền lương 6-7 triệu đồng mỗi tháng từ công việc HLV cho đội tuyển xe đạp Bình Dương mà ngán ngẩm. Cố nén một tiếng thở dài, chị cười, đùa: “Tiền nhà nợ bao nhiêu rồi ấy nhỉ? Không nhớ. Có lẽ nói các bác ấy (quản lý khu tập thể) xóa luôn cho mình cũng nên”. Mỗi ngày Huyền tất bật từ sáng sớm với hai con nhỏ, xong việc nhà, lại lao vào việc huấn luyện. Giờ đây, Huyền đã đi học lại. Thời gian nghỉ quá nhiều khiến chị nợ nhiều môn và đang phải học cật lực để có thể tốt nghiệp đúng hạn. Nhiều khi thấy chị đi học buổi được buổi mất vì bận quá, sinh viên lớp Báo chí K07 có người khuyên chị nên dừng lại để năm sau học luôn, nhưng chị cười lắc đầu. Tính chị tự bao giờ đã thế: nghĩ là làm, quyết đoán và đầy bản lĩnh. Một thời được mệnh danh là “cô gái vàng” của thể thao Việt Nam, giờ lại hoàn cảnh, nhưng chị sống rất hòa đồng và quan tâm đến mọi người. Chị xua tay khi tôi ngỏ ý muốn viết về chị: “Chị à? Cũ rồi. Để chị giới thiệu cho mấy VĐV cũng hoàn cảnh lắm. Em nên viết về họ”. Và rồi thì câu chuyện trở nên bất tận với những cậu Hùng, những cái Trang, cái Dung, mỗi người mỗi cảnh…“. Nhiều VĐV trẻ lắm thành tích, nhưng tương lai không biết về đâu. Họ gặp nhiều khó khăn trong việc hoạch định cho mình một cuộc sống sau khi giải nghệ”, chị lo lắng. Rời nhà chị một tối mưa giông, ra khỏi căn phòng nhỏ xíu ở khu nhà tập thể trường ĐH TDTT T.Ư 2, cứ loanh quanh trong đầu câu nói lúc chị buột miệng: “Có lẽ đến lúc mình mệt mỏi rồi”. Chỉ cầu mong sao cho chị đủ sức vượt qua mọi thứ giữa cuộc đời nhiều sóng gió. Nguyễn Vân

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/158n20101015112443157t0/cuu-cuaro-nguyen-thi-thanh-huyen-cuoc-doi-la-nhung-lan-bang-dong.htm