Cựu CEO Facebook, bà Lê Diệp Kiều Trang có đang đánh tráo khái niệm 'mua' và 'góp' vốn với Dự án Arevo?

Bà Lê Diệp Kiều Trang cho rằng nhà đầu tư góp vốn cho dự án Arevo Việt Nam và được 'tặng' lại sản phẩm xe đạp SuperStrata. Nhưng trong post quảng bá của mình, bà Trang chỉ sử dụng thuật ngữ 'mua' chứ không hề đả động tới chuyện 'góp' vốn.

Trong những ngày vừa qua, cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam đang xôn xao trước sự việc dự án Arevo của vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang chính thức thông báo dừng hoạt động. Điều đáng nói ở đây đó là quyền lợi của những nhà đầu tư của dự án này được giải quyết ra sao vẫn đang là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi.

Dự án Arevo Việt Nam do ông Sonny Vũ và bà Lê Diệp Kiều Trang, cựu CEO của Facebook Việt Nam thành lập. Công ty này là chủ của thương hiệu Xe đạp carbon Super Strata, một mẫu xe đạp được tạo ra từ công nghệ in 3D nguyên khối. Dự án đã nhận được gần 7,2 triệu USD từ 3.301 người ủng hộ trên trang kêu gọi vốn cộng đồng Indiegogo.

Dự án triệu đô Arevo vì sao phải đóng cửa?

Từng là một ví dụ điển hình cho tinh thần khởi nghiệp, dự án Arevo với sản phẩm Xe đạp carbon SuperStrata đã gây sốt một thời gian tương đối dài. Đến ngày 15/5/2023, Công ty Arevo đã nộp đơn lên Ban quản lý SHTP xin ngừng hoạt động và được chấp thuận dừng hoạt động vào ngày 17/5/2023.

Sản phẩm xe đạp SuperStrata của Arevo Việt Nam từng được quảng bá là sử dụng công nghệ in 3D nguyên khối (Ảnh TL)

Theo giấy phép đầu tư thì Arevo có số vốn đăng ký lên tới 19,5 triệu USD. Tại thời điểm dừng hoạt động là ngày 17/5/2023, công ty đã chi ra 165,59 tỷ đồng, tương đương 36% tổng vốn đăng ký. Cơ cấu nguồn vốn này bao gồm vốn góp của Arevo Inc. chiếm 23 tỷ đồng cùng 142,5 tỷ đồng vốn huy động từ cổ đông.

Nguyên nhân dẫn đến việc ngừng hoạt động của Arevo được thông báo là bởi sự khó khăn trong việc thu mua nguyên vật liệu từ bên thứ ba. Bởi trên thực tế thì công ty không thể tự sản xuất vật liệu sợi carbon, là nguyên liệu chính để tạo ra sản phẩm xe đạp SuperStrata.

Ngoài ra, sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng là nguyên nhân tác động đến khả năng duy trì đội ngũ nghiên cứu và phát triển công ty.

Dự án thất bại, bà Lê Diệp Kiều Trang cho rằng nhà đầu tư phải chấp nhận rủi ro khi góp tiền

Như vậy, dự án Arevo Việt Nam đã đóng cửa trước sự ngỡ ngàng của rất nhiều nhà đầu tư từng ủng hộ góp vốn cho dự án. Và quyền lợi của nhà đầu tư sau quyết định đóng cửa dự án cũng là điều được nhiều người quan tâm.

Mới đây, trên Facebook cá nhân của mình, bà Lê Diệp Kiều Trang đã chia sẻ ý kiến của mình xung quanh vấn đề này. Bà Trang cho biết mình cùng chồng là ông Sonny Vũ đã không còn nắm quyền điều hành Arevo từ đầu năm 2023.

Đối với quyền lợi của những người đã góp vốn ủng hộ cho dự án, theo bà Trang thì mô hình gọi vốn cộng đồng trên Indiegogo là khi các công ty khởi nghiệp đưa ra một ý tưởng sản phẩm, kêu gọi sự "tài trợ" từ cộng đồng cho dự án. Bà Trang cho rằng điều này đồng nghĩa là "tặng" dự án một khoản tiền để công ty có nguồn lực nghiên cứu phát triển.

Khi công ty làm ra sản phẩm sẽ "tặng" lại cho nhà đầu tư. Như vậy, bà Trang khẳng định rằng khi nhà đầu tư tham gia góp vốn qua Indiegogo thì việc góp tiền là hình thức "tài trợ" chứ không phải "mua hàng".

Kết luận lại, bà Trang nhấn mạnh rằng do sản phẩm đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển, sẽ còn nhiều khuyết điểm chứ chưa hoàn thiện như một sản phẩm thương mại. Và do đây là khoản tài trợ cho một dự án còn nhiều rủi ro nên có nhiều trường hợp dự án không đi được tới đích cuối cùng và nhà đầu tư không nhận được sản phẩm.

Có hay chăng sự đánh tráo khái niệm giữa "tài trợ" và "ủng hộ" trong các phát biểu của bà Lê Diệp Kiều Trang?

Nếu chỉ nhìn vào những giải thích của bà Lê Diệp Kiều Trang thì có thể thấy rằng việc nhà đầu tư ủng hộ dự án phải chấp nhận rủi ro là hoàn toàn hợp lý. Bởi ngay từ đầu, khi bỏ tiền cho dự án, nhà đầu tư cần phải hiểu đây là tiền "tài trợ" cho dự án.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây đó là trong những bài post quảng bá của mình đối với dự án, bà Trang không hề sử dụng thuật ngữ "tài trợ", "tặng" vốn hay "góp" vốn cho dự án như mình đã nói.

Điển hình như tại post trên trang Facebook cá nhân của mình vào ngày 9/10/2020, bà Trang đã kêu gọi cộng đồng "mua" xe đạp SuperStrata được giảm giá 50%. Đi kèm ngay sau đó là đường link dẫn tới trang kêu gọi góp vốn trên nền tảng Indiegogo.

Trong post kêu gọi của mình, bà Trang hoàn toàn chỉ kêu gọi “mua” sản phẩm chứ không hề đả động tới một từ “góp” vốn hay “tặng” vốn nào.

Có thể thấy rằng trong quá trình quảng bá, kêu gọi góp vốn cho chính dự án Arevo Việt Nam, bà Trang đã sử dụng thuật ngữ "mua" sản phẩm xe đạp SuperStrata. Và thậm chí trong post kêu gọi này, bà Trang còn không hề một lần đả động tới thuật ngữ "tặng" hay "góp" vốn cho dự án.

Như vậy, có hay chăng ở đây một sự đánh tráo khái niệm trong cách giải thích của bà Lê Diệp Kiều Trang đối với mối quan hệ giữa những người từng bỏ tiền ủng hộ dự án Arevo Việt Nam? Và ai sẽ là người chịu trách nhiệm đối với hơn 7 triệu USD góp vốn mà Arevo Việt Nam nhận được từ người ủng hộ khi dự án kết thúc?

Theo thống kê thì Arevo Việt Nam nhận được gần 7 triệu USD góp vốn cộng đồng trên Indiegogo. Số tiền này đến từ 3.301 khoản đóng góp và trong đó có 135 khoản đóng góp đến từ người dùng Việt Nam.

Trang Thu

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cuu-ceo-facebook-ba-le-diep-kieu-trang-co-dang-danh-trao-khai-niem-mua-va-gop-von-voi-du-an-arevo-post255007.html