"Cứu cánh" cho môi trường vùng khó khăn, biên giới, hải đảo

(BVPL) - Là một trong 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhưng thực tế hiện nay tiêu chí môi trường là tiêu chí đạt thấp và khó thực hiện ở những địa phương còn nhiều khó khăn như vùng núi, vùng biên giới, hải đảo (các tỉnh như: Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum,...). Trong đó, khó khăn nhất là việc thu gom rác thải. Phần lớn rác thải ở những vùng này chưa được thu gom, xử lý và đang có chiều hướng gia tăng và khó kiểm soát.

Môi trường những vùng khó khăn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng

Thực tế hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các vùng nông thôn, vùng cao đang ở mức báo động, mà nguyên nhân trước hết và chủ yếu là do một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn có ý thức và tập quán sinh hoạt lạc hậu. Rác thải vứt tràn lan, nước sinh hoạt không qua xử lý thải ngay ra môi trường; thả rông gia súc, gia cầm hoặc làm chuồng trại ngay cạnh khu vực nước ăn, nuôi nhốt ở cạnh nhà hay ngay dưới gầm nhà sàn… là tình trạng khá phổ biến ở khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều tỉnh trên cả nước. Đa số các thôn, bản không có hệ thống dẫn thoát nước thải, bà con thường để nước sinh hoạt chảy ra vườn, đường đi hoặc các ao hồ, sông suối. Trong khi, do thiếu nguồn nước hợp vệ sinh nên không ít gia đình phải sử dụng nước từ sông suối, ao hồ phục vụ sinh hoạt, nguồn nước này bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, vẫn còn những hố xí, nhà tiêu tạm bợ, không hợp vệ sinh, thậm chí một số người vẫn có thói quen đi vệ sinh tự do trên đồi, bìa rừng, bờ suối. Việc người dân sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp (thuốc trừ sâu, trừ bệnh, thuốc diệt cỏ...) không đảm bảo an toàn; tự do vứt các loại rác thải ra môi trường xung quanh còn rất phổ biến;... Đó là những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và làm gia tăng các bệnh về đường ruột, đau mắt, viêm đường hô hấp, bệnh nan y... Tuy nhiên, người dân tại các vùng này lâu nay lại quen với vấn đề này nên không nhận ra nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân mình và những người xung quanh.

Hiện nay, vấn đề quản lý môi trường nông thôn do Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm quản lý chung. Nhưng trong phân định hạ tầng về môi trường, hạ tầng xử lý chất thải lại giao cho nhiều bộ khác nhau, trong đó, trách nhiệm trực tiếp và cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dẫn đến việc ở đô thị và những vùng nông thôn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, môi trường được kiểm soát chặt chẽ, nhưng ở vùng nông thôn còn nghèo khó, nhất là vùng sâu, vùng xa vấn đề môi trường đang bị buông lỏng, chưa có quy định để kiểm soát. Vì vậy, việc quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách, nguồn lực hạ tầng thiết bị thu gom, xử lý, để giải quyết các vấn đề môi trường ở những nơi này là hết sức cần thiết, cấp bách.

Để công tác bảo vệ môi trường thực hiện hiệu quả hơn cần quy định rõ về phân công, phân cấp trong công tác quản lý môi trường, tránh chồng chéo hoặc bỏ trống nhiệm vụ. Tăng cường tập huấn đào tạo, đào tạo lại cán bộ phụ trách công tác môi trường ở cấp xã; tăng cường kinh phí cho hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó tập trung điều tra cơ bản như điều tra các nguồn thải vào môi trường nước; điều chỉnh tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc thù từng địa phương, xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường….

1.200 tỷ đồng bảo vệ môi trường vùng khó khăn, biên giới, hải đảo

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành Quyết định thành lập tổ công tác liên ngành triển khai Quyết định số 712/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa, giai đoạn 2017 – 2020 (Đề án 712).

Đề án 712 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 26/5/2017 với nhiệm vụ xây dựng 14 mô hình về cấp nước sạch nông thôn và 14 mô hình thu gom và xử lý chất thải rắn quy mô liên xã (tại 7 vùng kinh tế trong cả nước) để thí điểm các nội dung theo phương châm đẩy mạnh xã hội hóa với sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng, gồm: cơ chế huy động vốn đầu tư, chính sách ưu đãi đặc thù cho vùng khó khăn, biên giới, hải đảo; phương thức quản lý trước và sau đầu tư cho phù hợp với sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng, tổ chức chính trị - xã hội; lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp khi xây dựng mô hình... Xây dựng mô hình cấp nước uống cho trường học, trạm y tế tại các xã đảo (đối với những nơi chưa có mô hình).

Đề án cũng có nhiệm vụ xây dựng 7 mô hình mới về thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng và 7 mô hình về thu gom xử lý chất thải chăn nuôi lợn theo hướng ép thành phân hữu cơ để bán ra thị trường (tại 7 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước) để thí điểm...

Tổng nhu cầu vốn đầu tư thực hiện dự án khoảng 1.200 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến ngân sách Trung ương và địa phương đầu tư 490 tỷ đồng (41%); vốn tín dụng 450 tỷ đồng (38%); vốn đóng góp của doanh nghiệp 200 tỷ đồng (16%); phần còn lại huy động từ sự đóng góp tự nguyện của cộng đồng dân cư và các nguồn hỗ trợ khác.

Bùi Thu

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/phong-su-xa-hoi/201709/cuu-canh-cho-moi-truong-vung-kho-khan-bien-gioi-hai-dao-2570684/