Cường quốc Hải quân mới nổi sắp vượt mặt Nhật, Trung ở Đông Á

Hàn Quốc đang cố gắng xây dựng một lực lượng hải quân hùng hậu với những khí tài hiện đại, tuy nhiên giấc mộng xưng bá của Hàn Quốc vẫn còn là một chặng đường dài.

Ngày 6/1, Hải quân Hàn Quốc cho biết họ đã chính thức khởi động chương trình chế tạo tàu sân bay LPX-II. Ngay sau đó, Hàn Quốc đã công bố bản đồ thiết kế về hạm đội tàu sân bay tương lai của nước này, ngoài tàu sân bay LPX-II, hạm đội này còn bao gồm hai loại tàu mới là tàu khu trục KDDX và tàu ngầm tấn công KSS.

Tàu sân bay LPX-II là phiên bản sau của lớp Dokdo (LPX-I), ban đầu được dự định thiết kế là mẫu tàu tấn công đổ bộ thế hệ thứ hai mới của Hàn Quốc. Ý tưởng biến mẫu tàu tấn công đổ bộ này thành tàu sân bay, xuất phát từ Nhật Bản nâng cấp hai tàu khu trục chở trực thăng lớp Izumo.

Ý tưởng thiết kế của hàng không mẫu hạm LPX-II ban đầu giống với tàu tấn công đổ bộ của Mỹ, đều là thiết kế boong vuông, không có thân nổi và có một thang nâng mỗi bên gần đuôi tàu. Chức năng giống với các tàu tấn công đổ bộ, sử dụng lớp phủ chịu nhiệt boong đặc biệt, có thể cất và hạ cánh các máy bay chiến đấu như F-35B.

Sau đó, trên cơ sở phương án ban đầu, Hàn Quốc đã đưa ra phương án thiết kế sàn trượt hình cánh cung, có thể rút ngắn khoảng cách cất cánh của tiêm kích F-35B từ 45 đến 60 mét. Việc rút ngắn khoảng cách cất cánh có thể nâng cao hiệu quả sử dụng của boong tàu sân bay và nâng cao hơn nữa hiệu quả của các lần xuất kích tàu sân bay.

Nhưng theo kế hoạch mới nhất được công bố, Hàn Quốc đã loại bỏ sàn trượt hình cánh cung trong phiên bản thứ hai, thiết kế thang máy ở mạn phải tàu, giúp tăng diện tích khoang chứa máy bay. Đồng thời, Hàn Quốc đã sáng tạo trong việc tách tháp chỉ huy tàu thành hai tháp độc lập, tăng không gian sử dụng của sàn đáp.

Hàn Quốc bỏ thiết kế sàn đáp hình cánh cung, vì lo ngại quan điểm của Mỹ và cộng đồng quốc tế về việc cân bằng sức mạnh quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Về nguyên tắc Hàn Quốc không được phép có tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân và vũ khí tấn công chiến lược.

Một khi LPX-II được lắp đặt sàn trượt hình cánh cung, nó nhất định được Mỹ và các quốc gia khác công nhận là tàu sân bay thực sự. Nhưng nếu không có tính năng này, Hàn Quốc có thể tuyên bố rằng đây là một loại tương tự tàu hỗ trợ tấn công lớp Izumo của Nhật Bản.

Một thiết kế khác là tàu khu trục KDDX, xuất hiện trong nhóm tác chiến tàu sân bay LPX-II lần này. KDDX là phiên bản thu nhỏ của khu trục hạm lớp Type 055, dựa trên kiểu mũi tàu truyền thống, thân tàu được sửa đổi và cấu trúc thượng tầng đã được nâng cấp để nâng cao khả năng tàng hình.

Nhưng do bị ảnh hưởng bởi khu trục hạm lớp Zumwalt của Mỹ, Hàn Quốc đã thay đổi thiết kế với kiểu mũi tàu xuyên sóng. Mũi tàu xuyên sóng được sử dụng rộng rãi trên các tàu thời Thế chiến thứ nhất trở về trước, ưu điểm của thiết kế này là có thể kéo theo chiều dài đường nước của tàu, giúp tàu có tăng tốc tốt hơn.

Ngoài ra, theo các chuyên gia quân sự, thiết kế mũi tàu xuyên sóng và độ nghiêng tổng thể của thân tàu sẽ giúp tối ưu hóa đặc tính phản xạ ra đa của tàu, giảm tiết diện phản xạ radar của tàu, tăng cường khả năng tàng hình trước kẻ địch.

Thiết kế mũi tàu xuyên sóng cũng có nhiều hạn chế như lực nổi dự trữ của tàu thấp, làm giảm khả năng sống sót của tàu; khả năng chống chịu của con tàu trong điều kiện biển khắc nghiệt thấp. Ngoài ra, dưới tác động của sóng vào mũi tàu, vũ khí trên mũi tàu phải được bố trí càng xa càng tốt, do đó sẽ làm giảm diện tích sử dụng của boong.

Tuy nhiên Mỹ vẫn sử dụng tàu lớp Zumwalt, vì đây một loại tàu xa bờ và không cần chiến đấu trong điều kiện gió và sóng lớn. Đồng thời, lớp Zumwalt áp dụng hệ thống phóng thẳng đứng phân tán tiên tiến hơn, không ảnh hưởng tới diện tích sàn tàu.

Hàn Quốc có thể sử dụng KDDX với mục đích theo dõi và đánh chặn tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trong vùng đặc quyền kinh tế. Tuy nhiên, ngay cả ở Hoàng Hải, việc sử dụng KDDX cũng sẽ bị hạn chế do gió lớn và sóng. Đồng thời, Triều Tiên cũng không thiếu các tên lửa chống hạm và khả năng phát hiện chống hạm khá tốt.

Về tàu ngầm, KSS-III của Hàn Quốc, là tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường đầu tiên do Hàn Quốc thiết kế, trên cơ sở tiếp thu các tàu ngầm tấn công Type 209 và Type 214 của Đức. Khác với KSS-I và KSS-II của Đức, KSS-III được thiết kế nghiêng hơn về lớp Canglong của Nhật Bản, là loại tàu ngầm khổng lồ với lượng choán nước gần 4.000 tấn.

Tàu ngầm KSS-III của Hàn Quốc được trang bị một hệ thống 6 ống VLS, tương thích với tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Ngoài ra, KSS-III còn được tăng cường thiết bị thủy âm để có thể phát hiện hiệu quả hơn các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, để chủ động đối phó với chúng.

KSS-III Batch II sẽ tăng chiều dài của hai tàu ngầm đầu tiên thêm khoảng 6 mét và tăng trọng tải lên 4250 tấn. Chiều dài tăng lên sẽ được sử dụng để tăng VLS 6 ống hiện tại lên 10 ống.

Tuy nhiên, việc tàu ngầm Hàn Quốc xuất hiện trong khu vực, cũng sẽ thu hút sự chú ý của Nhật Bản. Không giống như Triều Tiên, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, có khả năng tác chiến chống tàu ngầm hàng đầu thế giới. Việc sạc tàu ngầm thường xuyên, sẽ làm tăng xác suất bị đội tuần tra chống ngầm Nhật Bản phát hiện.

Nhìn chung, ba mẫu vũ khí hải quân mới của Hàn Quốc, vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn mà các tàu của Hàn Quốc đã thiết kế trước đây. Hàn Quốc đang thiếu một tư duy rõ ràng và kế hoạch hướng tới tương lai để xây dựng hải quân. Nguồn ảnh: Sina.

Sức mạnh của hải quân Hàn Quốc năm 2020.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/cuong-quoc-hai-quan-moi-noi-sap-vuot-mat-nhat-trung-o-dong-a-1503305.html