Cuốn sách tôi chọn: 'Đằng sau mặt báo' - Hồi ký chân dung báo chí Việt Nam thuở ban đầu đến 1945

Báo chí Việt Nam từ trước năm 1945 mặc dù đã có những tác phẩm nghiên cứu được thực hiện, nhưng vẫn còn thiếu khuyết rất nhiều về mặt tư liệu; đồng thời, mang tính học thuật cao, khiến độc giả phổ thông khó tiếp cận.

Với mong muốn bổ sung thêm tư liệu và nội dung cho mảng báo chí trong thời gian này, tác giả Trần Đình Ba cùng NXB Tổng hợp TP.HCM đã dành nhiều năm để thực hiện tác phẩm: “Đằng sau mặt báo” - một quyển Hồi ký chân dung báo chí Việt Nam thuở ban đầu đến 1945 với cách triển khai nhẹ nhàng, phù hợp độc giả đại chúng, giúp những người quan tâm báo chí nước nhà tìm hiểu về báo chí xưa qua góc nhìn của chính những người làm báo, qua nội dung do tờ báo, tạp chí đó thể hiện.

Với dung lượng hơn 500 trang, Đằng sau mặt báo chứa đựng nhiều thông tin hấp dẫn về báo chí Việt Nam từ năm 1861 – khi báo chí Việt Nam ra đời – đến năm 1945. Đặc biệt, khi đọc "Đằng sau mặt báo", bạn đọc còn được tìm hiểu về cách mà những tờ báo xưa thông tin về hoạt động nghị trường, các phản biện xã hội và câu chuyện bên lề của những nghị viên thời xưa.

Tác giả TRẦN ĐÌNH BA: Tác phẩm này được thực hiện trong 3 năm, còn tài liệu nghiên cứu thì diễn ra từ rất lâu rồi. Có nhiều thuận lợi và cũng nhiều khó khăn. Thuận lợi là tôi có sự giúp đỡ của bạn bè có nhiều sách vở của nhiều nhà báo. Tuy nhiên, nhiều tờ báo trong hồi ký ghi chép của những người làm báo thời gian 1945 trở về trước thì một số tờ không thể tìm được. Nó bặt vô âm tín luôn.

Bên cạnh những nội dung liên quan đến các hoạt động của báo chí như về báo chí 3 kỳ, nhuận bút, hoạt động tòa soạn, tác nghiệp…, một trong những vấn đề mà tôi quan tâm tìm hiểu là về hoạt động nghị trường ở trên báo chí thời gian trước 1945.

Bắc kỳ thì có Viện dân biểu Bắc kỳ, Trung kỳ thì có Viện dân biểu Trung kỳ và Nam kỳ thì có Hội đồng Quản hạt Nam kỳ. Những cuộc họp của các cơ quan này và ý kiến của các nghị viên hay của dân thì được đưa khá chi tiết, kỹ lưỡng trên các tờ báo. Thậm chí, có những tờ báo họ dành 1 vài trang đưa tin chi tiết về cuộc họp đó.

Chẳng hạn như ở Bắc kỳ, các nhật báo lúc đó như Trung hòa Nhật báo, Thực nghiệp dân báo, hay tờ Dân báo, Hà thành Ngọ báo đưa tin rất nhiều. Thậm chí có những hoạt động phản biển báo chí, đề đạt nguyện vọng của dân đối với các cơ quan này hay đối với các nghị viên được thể hiện trên các tờ như Phong hóa tuần báo, Trung tâm tuần báo, Ngày nay…

Hay ở Trung kỳ, có 1 nghị viên được biết là 1 nhà yêu nước rất nổi tiếng, đó là cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ cũng chính là chủ của tờ báo đầu tiên tiếng Việt ở Trung kỳ, là tờ Tiếng dân. Cụ Huỳnh Thúc Kháng với tư cách là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ đã có rất nhiều ý kiến, tiếng nói, thậm chí đấu trang trực hiện với các đời khâm sứ Trung kỳ khi làm dân biểu thời gian 1926 – 1928, và những hoạt động, những ý kiến đó được thể hiện trên báo Tiếng dân của cụ.

Ngoài tờ Tiếng dân, còn nhiều tờ báo khác cũng đưa tin về hoạt động của Viện Dân biểu Trung kỳ và các nghị viên như tờ Ánh sáng, báo Sông Hương, Tràng An, đưa tin những cuộc họp rất chi tiết, thậm chí dành dung lượng hơn nửa tờ báo để đưa tin về các cuộc họp của Viện Dân biểu Trung kỳ.

Đối với Nam Kỳ thì chẳng hạn như tờ Sài Gòn nhật báo, sau này phát triển và đổi tên thành tờ Sài Gòn, hay tờ Đông pháp thời báo mà Đẩu nam Trần Huy Liệu từng đứng chân lãnh đạo. Rồi tờ Đuốc nhà Nam, Điển tín và rất nhiều tờ báo khác đã đưa tin về hoạt động của Hội đồng Quản hạt Nam kỳ. Có những chi tiết khá thú vị. Ví dụ như công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy - đó là một người giàu, nhưng ông sau này cũng là ông Hội đồng. Mỗi khi có cuộc họp hội đồng thì ông sẽ đi xe từ Bạc Liêu lên Sài Gòn, có lần đi xe đến Long An thì bị tai nạn, phải đưa vào nhà thương và sau khi đã xử lý vết thương, ông lại tiếp tục lên Sài Gòn để họp. Đó là những chi tiết mà báo chí đưa tin liên quan rất chi tiết đối với các hoạt động của nghị viên thời đó.

Một điểm mà tôi thấy là nghị viên thời xưa khi họ đưa ý kiến của mình thì rất nhiều ý kiến được đưa lên mặt báo và thậm chí đã nhận được sự tranh luận rất mạnh mẽ, phản biện của những người có tiếng nói trong xã hội, thậm chí của các nhà báo. Đó là một trong những kênh để các nghị viên có thể tham khảo, phản biện, nghiên cứu để phù hợp với hoạt động của mình. Đó là một trong những điểm mà tôi thấy nghị viên thời nay có thể tiếp cận những tờ báo xưa, xem các hoạt động nghị trường xưa và biết đâu có thể đút rút cho kinh nghiệm hoạt động của mình.

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cuon-sach-toi-chon-dang-sau-mat-bao-hoi-ky-chan-dung-bao-chi-viet-nam-thuo-ban-dau-den-1945