Cuối năm 2023: Chỗ khất nợ, bên chi khủng ôm trái phiếu

Áp lực đáo hạn trái phiếu hiện tại, và năm tới rất lớn, khi năm 2024 có gần 300 nghìn tỷ tiền gốc trái phiếu đến hạn thanh toán. Trong bối cảnh ấy, doanh nghiệp làm nhiều cách khác nhau để giảm khối nợ trái phiếu, dồn dập mua lại, đàm phán giãn hoãn nợ, hay thậm chí tiếp tục khất nợ.

Khất nợ 2023, dồn áp lực 2024

CTCP BCG Energy (công ty con của Bamboo Capital) vừa công bố tiếp tục chậm thanh toán lãi của 2 lô trái phiếu EBCCH2124002, EBCCH2124003, tổng giá trị 2.500 tỷ đồng. Tổng số tiền lãi chậm thanh toán hơn 176 tỷ đồng. BCG Energy “khất nợ” tới 31/12/2023 sẽ thanh toán cho nhà đầu tư. Thời gian qua, BCG liên tục chậm thanh toán tiền lãi của các lô trái phiếu này. Chỉ trong nửa năm tới, tháng 4, 5/2024, BCG Energy sẽ phải thu xếp tài tài chính để khi 2 lô trái phiếu trên đến hạn thanh toán.

Doanh nghiệp bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nhóm khất nợ, chậm thanh toán trái phiếu. ảnh: Như Ý

CTCP Đầu tư xây dựng Trung Nam chậm thanh toán số tiền lãi đến hạn của lô trái phiếu TNGCB2124001 là gần 107 tỷ đồng. Theo các điều kiện, điều khoản quy định, nếu tiếp tục chậm thanh toán, Trungnam Group sẽ phải thanh toán bổ sung cho các trái chủ số tiền phạt 10%/năm trên số dư lãi chậm trả. Lô trái phiếu tổng giá phát hành 2.000 tỷ đồng, sẽ đáo hạn trong năm tới. Cũng trong năm 2024, Trung Nam còn có lô TNGCH2224005 (100 tỷ đồng) và lô TNGCB2224003 (2.000 tỷ đồng) đến hạn thanh toán.

CTCP Hưng Thịnh Land vừa công bố thông tin dời ngày đáo hạn 6 lô trái phiếu với tổng mệnh giá 1.600 tỷ đồng. Đây là những lô trái phiếu được phát hành vào năm 2020, trong đó có 5 lô đáo hạn ban đầu vào cuối tháng 8 và một lô vào cuối tháng 10. Sau điều chỉnh, tất cả sẽ đáo hạn vào cuối tháng 11/2024.

Trước khi gia hạn, Tập đoàn Hưng Thịnh và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái nhiều lần công bố thông tin về việc chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu. Lý do chung là thị trường tài chính, thị trường giao dịch bất động sản diễn biến không thuận lợi dẫn đến doanh nghiệp chưa thu xếp kịp nguồn tiền để thanh toán đúng hạn so với kế hoạch. Gần nhất, CTCP Hưng Thịnh Investment vừa đáo hạn lô trái phiếu H39CH2123002 trong tháng 11, giá trị 800 tỷ đồng cũng trong tình trạng không mấy sáng sủa. Từ tháng 5/2023, nhà đầu tư không nhận được lãi. Tổng tiền lãi mà Hưng Thịnh khất nợ trong Lô này là gần 82 tỷ đồng.

Đã qua giai đoạn “nóng” nhất?

Số liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, từ đầu năm đến ngày công bố thông tin 17/11, doanh nghiệp phát hành hơn 233.000 tỷ đồng trái phiếu, song phải chi ra tới gần 201.000 tỷ để mua lại trái phiếu trước hạn (tương đương 86%). Dù tình hình tài chính không mấy khả quan, thậm chí thua lỗ kéo dài, một số doanh nghiệp vẫn thu xếp tài chính để “xóa nợ” trái phiếu.

CTCP Bất động sản Phát Đạt vừa phát hành thành công hơn 67,1 triệu cổ phiếu, tiền huy động được để thanh toán toàn bộ nợ gốc và lãi trái phiếu đã phát hành trong năm 2021 và 2022, đưa dư nợ trái phiếu về 0 vào cuối năm 2023. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp này đã tất toán 5 lô trái phiếu và mua lại trước hạn. Tổng giá trị hơn 1.545 tỷ đồng.

CTCP Tập đoàn Gelex sắp mua lại 200 tỷ trái phiếu trước hạn, qua đó hết nợ trái phiếu ngắn hạn. Thời gian tổ chức mua lại là ngày 25/12/2023. Trong khi đó, dư nợ trái phiếu dài hạn còn hơn 1.700 tỷ đồng. Dịp cuối năm, một số doanh nghiệp khác cũng cấp tập mua lại trái phiếu trước hạn, hạ giá trị trái phiếu lưu hành. Như CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật Becamex - Bình Phước vừa mua lại 100 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. CTCP Đầu tư Hải Phát chi thêm 65 tỷ đồng mua lại trước hạn 65 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của mã HPXH2124001. Giá trị trái phiếu đang lưu hành xuống còn 248,8 tỷ đồng.

Xu hướng mua lại ở nhóm ngân hàng cũng sôi động trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chậm, ngân hàng “thừa” tiền. Xu hướng đặc biệt mạnh lên từ quý 2/2023, Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước cho phép tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu.

Năm 2024, theo các chuyên gia, phương án gia hạn kỳ hạn trả nợ trái phiếu tiếp tục được các tổ chức phát hành lựa chọn, do đây là phương án ít phức tạp, chỉ cần sự tham gia của hai phía. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý 4/2023 vào khoảng 57.000 nghìn tỷ, đã trừ các khoản mua lại, trong đó bất động sản chiếm khoảng 47%. Lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 tương đối lớn với hơn 297 nghìn tỷ đồng trái phiếu tới hạn, trong đó nhóm bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Sau giai đoạn tăng trưởng “nóng” và điều chỉnh, ông Trần Lê Minh, Tổng giám đốc VIS Rating tin tưởng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bước vào chu kỳ mới, với nhiều điều kiện cần để thị trường phát triển theo hướng bền vững hơn. “Toàn bộ quy định trong Nghị định 65 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ đầu năm 2024 thiết lập kỷ luật chặt chẽ hơn đối với các bên liên quan, khôi phục niềm tin của thị trường và mở đường cho thị trường chuyển sang chu kỳ mới bền vững hơn”, ông Minh phân tích.

VIS Rating nhận thấy có sự tập trung về trái phiếu chậm trả gốc và lãi vào một số doanh nghiệp khi 74% giá trị trái phiếu chậm trả gốc và lãi là từ các doanh nghiệp bất động sản có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến một vài nhóm công ty lớn. “Chúng tôi đánh giá khả năng cao sẽ có thêm 20.000 tỷ đồng trái phiếu chậm trả gốc và lãi phát sinh mới trong quý IV/2023”, VIS Rating dự báo.

Việt Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cuoi-nam-2023-cho-khat-no-ben-chi-khung-om-trai-phieu-post1593368.tpo