Cuộc sống ở nhà tù bạo lực nhất Thái Lan

Số lượng tù nhân gấp đôi sức chứa khiến Bang Kwang trở thành nhà tù tàn bạo nhất Thái Lan. Đây là nơi giam giữ các tử tù, tù chung thân, phạm nhân nước ngoài.

Nhà tù Bang Kwang được xây dựng từ năm 1927 đến 1931. Công trình ban đầu thiết kế để giam giữ khoảng 3.500 tù nhân nhưng hiện giam giữ khoảng 8.000 người.

Sự quá tải đã kéo theo nhiều hệ quả về tệ nạn và bạo lực.

Tra tấn tinh thần

Nhà tù Bang Kwang khét tiếng với các hình thức tra tấn cả về thể chất lẫn tinh thần khiến nhiều tù nhân mất cả tính mạng hoặc không còn tỉnh táo.

Thật khó để phân định đâu là hình thức tra tấn kinh hoàng nhất ở đây. Tuy nhiên, tra tấn về tinh thần là hình thức dã man nhất vì nó có thể khiến tù nhân phát điên sau 1 tháng.

Trong 3 tháng đầu nhập trại, tù nhân bị xích chân. Việc này ảnh hưởng nặng đến tinh thần, làm giảm khả năng di chuyển. Riêng tử tù thì bị xích chân vĩnh viễn. Họ sẽ được thông báo trước khi bị hành quyết ít nhất 2 giờ.

 Các tù nhân buộc phải đeo xích ở chân. Ảnh: LOLWOT.

Các tù nhân buộc phải đeo xích ở chân. Ảnh: LOLWOT.

Ngoài ra, những phạm nhân không nghe lời và vi phạm quy tắc sẽ được đưa vào phòng biệt giam. Họ bị nhốt vào phòng tối hàng giờ chỉ để nhìn chằm chằm vào những con gián.

Tuy nhiên, tháng 5/2013, các quan chức tại nhà tù Bang Kwang đã bãi bỏ việc sử dụng cùm chân, giải thoát cho hơn 563 tù nhân có biểu hiện cải tạo tốt.

Điều kiện sống khắc nghiệt

Tù nhân phải nằm chồng chất lên nhau để ngủ trên sàn nhà đầy gián và rệp với một chiếc chăn mỏng. Họ thức dậy lúc 6h và ăn sáng vào 7h.

Đến 8h, tất cả phạm nhân xếp hàng để hát Quốc ca. Sau đó, họ được phân công làm việc. Ở đây có các công việc trả lương và không trả lương. Trong đó, gấp túi giấy, đóng giày, làm bánh và làm mộc là những công việc được trả lương. Những việc bắt buộc không lương tại nhà tù bao gồm dọn dẹp, nấu ăn, giúp đỡ cai ngục.

Phạm nhân Rangsiman, người đang chờ xét xử, cũng phải phải làm việc trong thư viện. Các công việc nặng nhọc hơn như xây dựng và sửa chữa sẽ giúp các tù nhân có thể có cơ hội được giảm án, thậm chí được ân xá.

Phạm nhân làm xong việc sẽ được nghỉ từ 15h và được đi lại tự do trong khuôn viên nhà tù. Trước 18h, chuông vang lên để triệu tập các tù nhân trở về phòng giam. Lúc này, họ có thể đọc sách, trò chuyện hoặc xem tivi. Khi tắt tivi, thường là khoảng 21h, họ phải đọc kinh niệm Phật rồi đi ngủ.

 Nhà tù quá tải nên tù nhân phải nằm chồng chất lên nhau. Ảnh: Koh Phangan Tales.

Nhà tù quá tải nên tù nhân phải nằm chồng chất lên nhau. Ảnh: Koh Phangan Tales.

Các tù nhân ở đây nhận thức ăn theo "giai cấp" của từng người. Tất cả tù nhân sẽ nhận được một bát cháo với rau miễn phí mỗi ngày. Những thứ khác đều phải mua.

Tù nhân Rangsiman chia sẻ: “Thức ăn ở đây quá khủng khiếp và chỉ những kẻ nghèo khổ hoặc không có người thân đến thăm nuôi mới ăn”. Các tù nhân khác sẽ ăn đồ do gia đình gửi đến hoặc tự mua. Điều này khiến những tù nhân nghèo hèn buộc phải làm việc cho tù nhân giàu có để đổi lấy thức ăn và mua thêm bất kỳ loại thực phẩm nào mà họ muốn.

Đối với Angela Carnegie, một tù nhân người Mỹ đã ở Bang Kwang 9 năm vì tội buôn lậu ma túy, bữa ăn mà cô nhận được hàng ngày đều bị thiu, thậm chí còn có dòi. Chính vì thế, nhiều năm gần đây, các tù nhân nước ngoài cũng phải thành lập tổ chức từ thiện của riêng họ để có tiền mua thức ăn.

Với điều kiện sống như vậy, hầu hết tù nhân bị suy dinh dưỡng. Họ thường xuyên mắc bệnh do thiếu nước sinh hoạt và bị ảnh hưởng từ hệ thống nước thải, khói độc trong nhà tù.

"Tệ hơn nữa, hàng nghìn tù nhân chỉ được phép sử dụng nhà vệ sinh trong thời gian quy định như thể họ muốn chúng tôi đi tiểu cùng một lúc”, tù nhân Pronthip chia sẻ.

 Tù nhân sinh hoạt cùng nhau. Ảnh: Koh Phangan Tales.

Tù nhân sinh hoạt cùng nhau. Ảnh: Koh Phangan Tales.

Nhiều người Thái tin rằng các điều kiện khắc nghiệt trong nhà tù sẽ giúp tù nhân không tái phạm sau khi được trả tự do. Thế nhưng, với nhiều tù nhân, Bang Kwang đã thất bại trong việc cải tạo những con người sai trái mà chỉ đang hủy hoại chính bản thân họ.

Thiếu quy trình cải huấn và nhiều tội phạm bị nhốt chung khiến nhà tù trở thành “trường cao đẳng tội phạm”, nơi những tù nhân gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm với nhau, đồng thời xảy ra những xung đột không đáng có.

Hơn thế nữa, những người từng có tiền án sẽ bị phân biệt đối xử trong xã hội. Điều này có nghĩa là họ phải đối mặt với khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm sau khi ra tù. Khi xã hội không cho họ cơ hội chuộc lỗi, họ buộc phải quay trở lại lối mòn xưa và vòng luẩn quẩn cứ thế tiếp diễn.

Hoàng Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-song-o-nha-tu-bao-luc-nhat-thai-lan-post1322366.html