Cuộc sống người dân đưa gia súc về vùng thấp tránh rét

Năm nào cũng vậy, vào mùa đông, khi nền nhiệt xuống thấp, trên địa bàn liên tục có các đợt không khí lạnh tăng cường, người dân một số xã, phường của thị xã Sa Pa lại lùa đàn đại gia súc về vùng thấp tránh rét.

Nơi người dân chọn “gửi” đàn gia súc qua mùa đông giá là khu vực xã Tòng Sành (huyện Bát Xát), xã Cốc San, xã Đồng Tuyển (thành phố Lào Cai). Những địa phương này không chỉ có nền nhiệt ấm áp hơn, mà còn có những khu đất rộng phù hợp với việc chăn thả đàn gia súc.

Khu vực ven đường vào Thủy điện Cốc San thuộc địa phận thôn Luổng Đơ, xã Cốc San như một ngôi làng thu nhỏ với khoảng hơn chục hộ đến “ngụ cư” trong mùa lạnh để bảo vệ “đầu cơ nghiệp”. Những chiếc lều dựng tạm bằng bạt lúp xúp là nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt của các hộ.

Anh Má A Là, phường Hàm Rồng (thị xã Sa Pa) phải đi xa để lấy cỏ cho trâu.

Anh Má A Là, phường Hàm Rồng (thị xã Sa Pa) cùng 2 con trai lùa đàn 9 con trâu xuống đây đã 1 tháng nay. Gần 10 năm từ khi nuôi trâu, đây là công việc thường niên của gia đình. Cùng với các hộ khác, gia đình anh mượn tạm đất của thủy điện khu vực ven đường đi để dựng 2 chiếc lều bằng bạt, 1 chiếc cho trâu và 1 chiếc cho người. Hằng ngày 3 bố con chỉ xoay quanh việc lo cho trâu ăn đủ no, lo cho trâu đủ ấm để vượt qua mùa đông khắc nghiệt. Mấy ngày nhiệt độ xuống thấp kèm theo mưa dầm dề, nên anh Là phải cọc trâu cả ngày trong lều, còn 3 bố con cắt cử nhau 1 người ở nhà chăm trâu, 2 người tỏa đi các hướng cắt cỏ. Anh Là bộc bạch: 9 con trâu đang tuổi lớn nên ăn rất khỏe. Cỏ ở khu gần đã lấy hết, bố con tôi phải đi xe máy rất xa để cắt cỏ. Cả ngày đi lấy chỉ đủ cỏ cho trâu ăn trong 1 ngày.

Cùng với lo bữa ăn, người dân còn phải túc trực thường xuyên để lo giữ ấm cho “đầu cơ nghiệp”. Nhà bà Giàng Thị Giả, thôn Má Tra, phường Hàm Rồng (thị xã Sa Pa) cũng lùa trâu xuống Cốc San tránh rét từ đầu tháng 11 âm lịch. Ngày nào cũng vậy, trời vừa bảnh mắt, chồng bà đã lật đật trở dậy lấy xe máy đi vài ba cây số tìm cỏ cho trâu, còn bà ở nhà lo cơm nước, giặt giũ, làm những việc vặt và việc quan trọng nhất là coi sóc đàn trâu. Bà Giả bảo: Trời lạnh, sức đề kháng của trâu yếu, tôi phải cho trâu uống nước ấm thường xuyên, đôi khi còn pha nước muối loãng cho chúng uống nữa. Cả gia tài chỉ có mấy con trâu là giá trị nhất, nên dù có khó khăn cũng bảo nhau phải khắc phục để bảo vệ.

Bà Giàng Thị Giả, thôn Má Tra, phường Hàm Rồng (thị xã Sa Pa) chăm sóc đàn trâu.

Bà Giả kể thêm, chục năm trước, do chưa có kinh nghiệm nên nhiều gia đình ở Sa Pa thường thả rông gia súc trên rừng. Khi gặp rét đậm, rét hại, thậm chí là băng tuyết, trâu, bò chết hàng loạt. Được cán bộ khuyến nông tuyên truyền, biết về nguyên nhân trâu, bò chết vì rét nên nhiều năm nay, bà con không thả gia súc trên rừng nữa, mà đưa gia súc về nhà nuôi nhốt và cứ đến mùa đông lại đưa đàn gia súc về vùng thấp tránh rét.

Cuộc “di cư” tránh rét của đàn gia súc cách nhà đôi chục cây số với thời gian dài đến 3 - 4 tháng nên các gia đình đều phải bố trí nhân lực “thức, ngủ” cùng chúng trong ngần ấy thời gian. Cuộc sống tạm bợ, không điện, không nước, người dân phải khắc phục mọi khó khăn, dùng nến, đèn dầu, đi lấy nước ở xa về sinh hoạt. Những ngày giá lạnh, họ phải đốt lửa cả đêm mới đủ ấm để ngủ.

Bà Ma Thị Mỷ, thôn Chu Lìn 1, xã Trung Chải (thị xã Sa Pa) nhóm bếp đun nước ấm cho trâu uống.

Bà Ma Thị Mỷ, thôn Chu Lìn 1, xã Trung Chải (thị xã Sa Pa) năm nay hơn 70 tuổi. Trong lúc đợi con đi cắt cỏ mang về cho trâu, bà chuẩn bị bữa cơm trưa, không quên đun thêm nồi nước để chút nữa cho muối vào hòa lãng cho trâu uống. Bà Mỷ bảo: Cuộc sống ở đây khó khăn lắm. Trời lạnh, lều bạt thông thốc gió lùa. Nhưng có thế nào cũng phải cố gắng để trâu được an toàn.

Trên địa bàn xã Cốc San hiện có nhiều gia đình của thị xã Sa Pa di chuyển đàn đại gia súc xuống tránh rét, tập trung ở các thôn: Luổng Đơ, Tòng Sành, Tòng Chú 3, Luổng Láo 1. Bà Nguyễn Thị Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Cốc San cho biết: Các hộ đưa gia súc về tránh rét được địa phương bố trí mặt bằng dựng lán trại ở nơi gần nguồn cỏ, có bãi chăn thả. Xã cũng bố trí cán bộ khuyến nông thường xuyên thăm nắm tình hình gia súc cư trú trên địa bàn, tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc mới đến, tránh lây lan nguồn bệnh cho gia súc của địa phương.

Cùng với Cốc San, các địa phương khác như xã Tòng Sành (huyện Bát Xát), xã Đồng Tuyển (thành phố Lào Cai) cũng tạo mọi thuận lợi nhất cho người và đàn đại gia súc lưu trú trong mùa đông lạnh giá.

Dự báo thời gian tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những đợt không khí lạnh tăng cường. Nhịp sống của những người dân “ngụ cư” và những đàn trâu tránh rét sẽ vẫn đều đặn giúp trâu ăn đủ no, đủ ấm để vượt qua mùa đông khắc nghiệt, để bảo toàn “cơ nghiệp” của người dân.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/363507-cuoc-song-nguoi-dan-dua-gia-suc-ve-vung-thap-tranh-ret