Cuộc sống mới trên vùng quê Bản Rịa

Mặc dù gặp không ít khó khăn, song nhờ sự giúp đỡ của các cấp, ngành và tinh thần đoàn kết của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc, xã Bản Rịa (Quang Bình) đã gặt hái được những kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực KT - XH. Với bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh, chỉ đạo; Đảng bộ xã khẳng định tư tưởng 'lấy dân làm gốc' là yếu tố đảm bảo mọi sự thắng lợi.

Người dân dựng nhà mới tại khu tái định cư thôn Bản Rịa.

Người dân dựng nhà mới tại khu tái định cư thôn Bản Rịa.

Ngày mới bắt đầu, cuộc sống ở xóm nhỏ tái định cư thôn Bản Rịa dường như sôi động hơn. Từ mờ sáng, góc bếp của mỗi nhà đã ửng hồng, người dân ở đây có thói quen nắm cơm đem đi làm đến chiều muộn mới về. Những ngày này, ăn Tết xong, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con khẩn trương ra đồng gieo cấy lúa vụ Xuân. Ít ai biết rằng, cách đây hơn 2 năm, nơi đây đã phải hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề do trận lũ ống lịch sử gây ra. Vượt qua đau thương và mất mát, đồng bào nắm chặt tay nhau nhanh chóng vực dậy ổn định cuộc sống. Trên 40 hộ nằm ở khu vực sạt lở nghiêm trọng được di dời đến nơi an toàn để dựng nhà, an cư lập nghiệp. Bây giờ, nhà nào cũng mua được trâu, có hộ sắm được máy cày, máy tuốt lúa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nên hiệu quả lao động tăng lên đáng kể.

Chăn nuôi đại gia súc giúp người dân xã Bản Rịa thoát nghèo.

Chăn nuôi đại gia súc giúp người dân xã Bản Rịa thoát nghèo.

Bà Hoàng Thị Sớm chia sẻ: “Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về các chính sách an sinh xã hội, bình yên đã trở lại với Bản Rịa. Gia đình tôi được hỗ trợ 20 triệu đồng làm nhà mới, có chỗ ở kiên cố, vững chắc, tôi mừng lắm. Giờ tuổi đã cao, không thể đi nương như trước, nên ở nhà trông cháu, quán xuyến công việc gia đình cho các con yên tâm đi làm công nhân. Để phát triển kinh tế, nhà tôi mua một cặp trâu, nuôi lợn đen và trồng rừng, hy vọng đời sống sẽ no đủ, khấm khá hơn. Anh Mã Công Du bày tỏ: “Nếu không có sự giúp đỡ của cộng đồng, tôi không thể làm lại được căn nhà cấp 4. Bắt tay vào làm kinh tế, vợ chồng tôi nấu rượu, làm đậu và nuôi lợn; riêng năm ngoái lợn được giá, xuất bán thu lãi vài chục triệu đồng. Tôi đang dự định tái đàn 20 con lợn, có thêm vốn tôi tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi để làm giàu cho gia đình”.

Là địa bàn đặc biệt khó khăn, thông qua việc làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trực tiếp tại cơ sở, nhằm kịp thời phát hiện những hạn chế, vướng mắc để đưa nghị quyết vào cuộc sống người dân, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ xã Bản Rịa đã đạt 17/20 chỉ tiêu nghị quyết. Thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, diện tích lúa đạt 205 ha, năng suất bình quân đạt 56,6 tạ/ha; tổng sản lượng cây lương thực có hạt năm 2019 đạt 1.252 tấn, tăng 115 tấn so với đầu nhiệm kỳ. Cùng với việc đẩy mạnh chăn nuôi, sản xuất cây trồng hàng năm, cây chè Shan tuyết với 148 ha, được coi là một trong những cây trồng chủ lực thoát nghèo cho người dân địa phương. Với chính sách giao đất, giao rừng, 100% diện tích rừng có chủ quản lý, các chương trình trồng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng đã góp phần nâng độ che phủ rừng đạt 68%.

Trong 5 năm qua, cơ sở hạ tầng, gồm: Đường, trường, trạm, chợ nông thôn được quan tâm, đầu tư xây dựng và nâng cấp đã làm thay đổi bộ mặt xã nghèo Bản Rịa. Từ khi con đường vào trung tâm xã được bê tông hóa, trong xã đã hình thành các cơ sở chế biến chè, sản xuất gạch, hoạt động giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa nhộn nhịp hơn. Toàn bộ nông sản bà con làm ra có thương lái đến tận nơi thu mua mà không bị ép giá, nhờ vậy, mức thu nhập ngày càng tăng và tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm. Dự kiến đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 18,2 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 59%.

Đồng chí Lê Tiến Cường, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “So với mặt bằng chung, xuất phát điểm nền kinh tế của Bản Rịa thấp, địa hình không thuận lợi, trình độ dân trí chưa đồng đều. Song, phát huy truyền thống đoàn kết, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của T.Ư, tỉnh, huyện, xã đặt mục tiêu đẩy nhanh phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững dựa trên những cây trồng, vật nuôi mũi nhọn. Trong đó, chú trọng 3 cây, 3 con (lúa, lạc, chè và con trâu, lợn, gia cầm). Đồng thời, nhân rộng diện tích cây có giá trị kinh tế cao như: Quế, Thảo quả gắn với tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm... Khó khăn trước mắt còn nhiều, nhưng tin chắc rằng đường lối đúng đắn của Đảng bộ xã sẽ tiếp thêm nguồn động lực cỗ vũ, động viên mỗi nhà, mỗi người vươn lên xây dựng cuộc sống mới”.

Bài, ảnh: MỘC LAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202002/cuoc-song-moi-tren-vung-que-ban-ria-755770/