Cuộc sống 1/4 dân số thế giới bị gián đoạn vì hạn hán

Theo Liên Hợp Quốc ước tính, 1/4 dân số chủ yếu là thuộc các nước thu nhập thấp và trung bình bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán vào năm 2022 và 2023.

Thế giới đang chứng kiến nhiều “hiện tượng lạ” do hạn hán gây ra như những vườn ô liu ở Tunisia héo khô. Sông Amazon ở Brazil ghi nhận mùa khô hạn nhất trong một thế kỷ. Tại Syria và Iraq, những cánh đồng lúa mì hoang tàn đã đẩy hàng triệu người vào cảnh đói khát sau nhiều năm xung đột.

Kênh đào Panama, nút thắt thương mại quan trọng, không có đủ nước cho tàu thuyền lưu thông. Hạn hán cũng khiến Ấn Độ, quốc gia vốn được biết tới với sản lượng xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới phải hạn chế xuất khẩu phần lớn loại ngũ cốc quan trọng này.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, 1/4 nhân loại tương đương với 1,84 tỷ người trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán vào năm 2022 và 2023. Đáng nói phần lớn thuộc về các nước thu nhập thấp và trung bình.

Ước tính 1/4 dân số bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán vào năm 2022 và 2023.

Ông Ibrahim Thiaw, thư ký điều hành của Công ước Liên Hiệp Quốc về chống sa mạc hóa đã mở đầu báo cáo của mình bằng lời cảnh báo: “Hạn hán diễn ra trong thầm lặng, thường không được chú ý và không gây ra phản ứng chính trị và công chúng ngay lập tức”.

Nhiều đợt hạn hán trên khắp thế giới xảy ra vào thời điểm nhiệt độ toàn cầu cao kỷ lục và lạm phát giá lương thực gia tăng. Trước đó, cuộc chiến tranh ở Ukraine liên quan đến hai quốc gia sản xuất lúa mì hàng đầu đã khiến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn, và nạn nhân là những người nghèo nhất thế giới.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, vào năm 2023, giá gạo, loại ngũ cốc chủ yếu của phần lớn toàn cầu, ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Quay trở về kỳ hiện tượng El Nino giữa năm 2014 và 2016 Đông Nam Á chứng kiến sản lượng lúa gạo sụt giảm mạnh, đẩy hàng triệu người vào tình trạng mất an ninh lương thực. Điểm khác biệt là thế giới đang chứng kiến mức nghèo đói kỷ lục, sau cuộc khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ đại dịch COVID-19, cộng thêm bởi các cuộc chiến tranh ở Ukraine và Dải Gaza. 258 triệu người đang phải đối mặt với cái mà Liên hợp quốc gọi là “nạn đói cấp tính”, trong đó một số người đang trên bờ vực chết đói.

Mạng lưới hệ thống cảnh báo sớm nạn đói, nhóm nghiên cứu do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, ước tính rằng hiện tượng El Nino đang diễn ra sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng trên ít nhất 1/4 diện tích đất nông nghiệp trên thế giới.

Hạn hán ở Trung Mỹ ảnh hưởng nhiều hơn đến lương thực. Ở một khu vực nơi bạo lực và bất ổn kinh tế khiến hàng triệu người cố gắng di cư về phía bắc đến Hoa Kỳ, một nghiên cứu gần đây cho thấy hạn hán có thể gây áp lực nặng nề lên các cuộc di cư. Nghiên cứu cho thấy những năm khô hạn bất thường có liên quan đến mức độ di cư lớn hơn từ Trung Mỹ đến Hoa Kỳ.

Hạn hán ở Brazil còn gây ra nhiều mối nguy hiểm sâu rộng hơn. Rừng nhiệt đới Amazon khỏe mạnh là một kho chứa carbon khổng lồ, nhưng đang bị hủy hoại bởi nắng nóng và hạn hán giết chết cây cối và gây cháy rừng.

Tại phiên thảo luận mở về chủ đề “xung đột và an ninh lương thực” của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 19/5/2023, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho biết Việt Nam chia sẻ quan ngại chung của cộng đồng quốc tế về việc hệ thống lương thực thế giới đang ngày càng chịu nhiều thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai và xung đột, tác động nghiêm trọng tới an ninh lương thực của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển và các nước có xung đột.

Trong bối cảnh đó, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho rằng bên cạnh các nỗ lực nhân đạo, cần phải có những biện pháp bền vững nhằm tăng cường năng lực của các nước đang phát triển và các nước bị ảnh hưởng bởi xung đột trong bảo đảm cung cấp lương thực và cải thiện mức sống của người dân, cũng như thúc đẩy giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột, xây dựng hòa bình và ngăn ngừa xung đột.

Nhật Hạ

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/cuoc-song-14-dan-so-the-gioi-bi-gian-doan-vi-han-han-84646.html