Cuộc săn lùng tên khủng bố Carlos 'chó rừng'

Năm 2017, Tòa án tối cao Cộng hòa Pháp đã kết án tù chung thân Ilich Ramirez Sanchez (hay còn được biết đến với cái tên Carlos 'Chó rừng'- Carlos de Chacal). Đây cũng là bản án tù chung thân thứ 3 dành cho 'Chó rừng' sau những cuộc săn lùng kéo dài nhiều năm do Cơ quan tình báo Pháp DGSE thực hiện…

1. Sinh ra ở thị trấn Michelena, bang Tachira, Venezuela ngày 12/10/1949, ngay từ khi theo học tại trường trung học Liceo Fermin Toro, thủ đô Caracas, Venezuela, Ilich Ramirez Sanchez đã gia nhập Liên đoàn thanh niên cấp tiến có khuynh hướng chống chính phủ. Sau khi tham dự Hội nghị thanh niên 3 lục địa, tổ chức năm 1966, Sanchez được Liên đoàn cử đi học một khóa 3 tháng về chiến tranh du kích nhằm phục vụ cho mục đích khủng bố toàn cầu về sau này.

Khóa học kết thúc thì cũng là lúc cha mẹ Sanchez ly hôn, gã theo mẹ đến Anh quốc nhưng thay vì tiếp tục học tại London, Sanchez lại chọn Đại học Sorbone, Pháp để ghi danh.

Carlos “Chó rừng” lúc gia nhập PFLP và lúc ra tòa.

Năm 1970, Sanchez tham gia Mặt trận bình dân giải phóng Palestine (PFLP) rồi bị đuổi khỏi trường đại học. Tháng 7 cùng năm, Sanchez được Bassam Abu Sharif, một trong những nhà lãnh đạo của PFLP gửi đến một trại huấn luyện dành cho tình nguyện viên người nước ngoài ở ngoại ô thành phố Amman, Jordan. Tại đây, Sanchez mang một cái tên mới là Carlos de Chacal - Carlos “Chó rừng” để ám chỉ nguồn gốc của gã ta là người Nam Mỹ.

Ngay sau khi hoàn tất chương trình huấn luyện, “Chó rừng” tham gia cuộc xung đột giữa các tay súng PFLP và quân đội Chính phủ Jordan nhưng bị phía Jordan đánh bại. Để tránh bị bắt, “Chó rừng” quay lại nước Anh, nơi mẹ gã ta vẫn đang sống rồi ghi danh vào Đại học Westminster nhưng vẫn bí mật hoạt động cho PFLP.

Năm 1973, “Chó rừng” nhận nhiệm vụ đầu tiên từ PFLP là ám sát Joseph Sieff, doanh nhân Do Thái đồng thời là Phó chủ tịch Liên đoàn phục quốc Do Thái ở nước Anh. Chiều 30/12/1973, “Chó rừng” đến nhà ông Joseph Sieff trên đường Queen's Grove, London rồi đề nghị người quản gia đưa hắn đến gặp ông Sieff với lý do “có một nhiệm vụ từ Tel Aviv, Israel”. Khi vào phòng ông Sieff và biết ông đang tắm, “Chó rừng” rút khẩu súng ngắn bắn thẳng vào đầu ông nhưng viên đạn trượt vào thành bồn tắm rồi dội ngược lên, trúng ngay nhân trung nằm giữa mũi và môi trên của ông Sieff. Tiếp tục bắn thêm một phát nữa nhưng lần này súng bị kẹt đạn nên “Chó rừng” chạy ra ngoài. Vụ ám sát ông Sieff được PFLP tuyên bố là để trả thù cho Mohamed Boudia, một trong những lãnh đạo PFLP bị Cơ quan tình báo Mossad của Israel giết ở Paris, Pháp.

Ngày 26/6/1975, Michel Moukharbal, người Liban là liên lạc viên giữa PFLP với “Chó rừng” bị Cơ quan Tình báo nội địa Pháp (DST) bắt. Tiến hành thẩm vấn, Michel Moukharbal khai ra “Chó rừng”. Khi biết “Chó rừng” sẽ có mặt trong buổi tiệc kỷ niệm 20 năm ngày thành lập một công ty vận tải biển, tổ chức ở Paris, Pháp, 2 đặc vụ DST yêu cầu Michel Moukharbal đến buổi tiệc để họ nhận diện “Chó rừng”. Tuy nhiên khi nhìn thấy sự xuất hiện đột ngột của Michel Moukharbal, sau lưng là 2 người lạ mặt, tay đặt trong túi áo khoác, linh tính cho “Chó rừng” biết điều nguy hiểm có thể sẽ xảy ra nên hắn bắn chết Michel Moukharbal cùng 2 đặc vụ rồi chạy thoát. Bằng cách băng qua Brussels, Bỉ, 4 ngày sau “Chó rừng” có mặt ở Beirut, Liban.

Tại Beirut, “Chó rừng” lập kế hoạch tấn công trụ sở OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ) ở Vienna, Áo. Ngày 21/12/1975, hắn cầm đầu một nhóm 6 người, tất cả đều đã được huấn luyện ở Jordan xông vào trụ sở OPEC. Cuộc tấn công đã làm thiệt mạng 1 cảnh sát Áo, một thành viên OPEC người Iraq cùng một thành viên Libya. 60 người khác bị bắt làm con tin. Tiếp theo “Chó rừng” yêu cầu cứ 2 tiếng một lần, các đài phát thanh, truyền hình ở Áo phải đọc một thông báo nói về chính nghĩa của PFLP. Vì sinh mạng của các con tin, người Áo buộc phải thực hiện yêu cầu này.

Tàu cao tốc TGV Marseille-Paris bị “Chó rừng” đánh bom.

Ngày 22/12, “Chó rừng” nêu yêu sách, buộc Chính phủ Áo phải cung cấp cho hắn 1 máy bay để đến Algeria. Trước khi lên máy bay, tự tay “Chó rừng” bắn chết 2 con tin là Bộ trưởng Tài chính Iran và Bộ trưởng Dầu mỏ Arab Saudi. Neville Atkinson, cựu phi công Hải quân Hoàng gia Anh, người lái chiếc DC-9 chở “Chó rừng” cùng đồng bọn và các con tin kể lại: “Khi hạ cánh xuống sân bay Tripoli, Lybia để lấy thêm nhiên liệu, “Chó rừng” đột ngột thả hết con tin còn hắn và đồng bọn xin tị nạn, và được Tổng thống Lybia lúc ấy là Gaddafi chấp thuận”. Tuy nhiên Bassam Abu Sharif, một trong những chỉ huy cao cấp của PFLP lại nói khác: “4/5 trong số con tin là người Arab. Carlos “Chó rừng” đã nhận 50 triệu USD từ các tỉ phú dầu mỏ Arab để thả họ. Anh ta giữ số tiền đó xài riêng cho mình”.

2. Từ đó đến năm 1981, “Chó rừng” im hơi lặng tiếng. Tháng 2/1981, hắn tái xuất bằng việc đánh bom trụ sở Đài Châu Âu Tự do ở Munich, Đức. Đến tháng 9-1982, Cơ quan tình báo Pháp (DGSE) sau nhiều ngày theo dõi đã bắt được Bruno Breguet, trùm khủng bố người Thụy Sĩ, thành viên PFLPvà Magdalena Kopp, vợ của “Chó rừng” tại thủ đô Paris. Chỉ một ngày sau, một lá thư được cho là của “Chó rừng”, gửi đến đại sứ quán Pháp ở The Hague,Hà Lan, yêu cầu thả hai kẻ nói trên ngay lập tức.

Lẽ dĩ nhiên Chính phủ Pháp từ chối. Hệ quả là quốc gia này liên tiếp hứng chịu làn sóng tấn công khủng bố. Ngày 29/3/1982, tàu cao tốc TGV chạy tuyến Paris-Toulouse bị đánh bom: 5 người chết, 77 người bị thương. Ngày 22/4/1982, tòa soạn báo Al-Watan al-Arabi ở Paris bị đánh bom: 1 người chết, 63 bị thương. Ngày 21/8/1983, “Chó rừng” thực hiện 2 vụ đánh bom cùng một lúc, nhắm vào ga Saint-Charles ở thành phố Marseille khiến 2 người chết, 33 người bị thương và chuyến tàu cao tốc TGV Marseille-Paris làm 3 người chết, 12 người bị thương. Đến ngày 31/12, “Chó rừng” tấn công Ngôi nhà Pháp - Maison de France - ở Tây Berlin: 1 người chết, 22 bị thương. Trong một lá thư gửi đến 3 hãng thông tấn lớn ở Paris, “Chó rừng” tuyên bố “đánh bom để trả thù cho các cuộc không kích của Pháp nhắm vào các trại huấn luyện của PFLP ở Liban”, chưa kể một vụ tấn công khác nhắm vào nhà máy điện hạt nhân Superphenixbằng tên lửa nhưng thất bại và vụ tấn công nhà thuốc Publicis trên đại lộ Saint-Germain-des-Pres, trung tâm Paris.Một quả lựu đạn đã được ném vào, giết chết 2 người và làm bị thương 34 người

Trước tình hình này, một mặt Chính phủ Pháp yêu cầu một số quốc gia không chứa chấp tên khủng bố, mặt khác DGSE phối hợp với Cơ quan tình báo trung ương Mỹ CIA quyết tâm bắt Chó rừng. Bên cạnh đó, Tổ chức giải phóng Palestin (PLO) và Hội đồng quốc gia Palestin cũng tuyên bố tẩy chay PFLP vì những hành động cực đoan của họ, nhất là sau khi “Chó rừng” khoe khoang: “Không ai trong các phong trào kháng chiến Palestine đã hành quyết nhiều kẻ thù hơn tôi”.

Ngôi nhà Pháp ở Tây Berlin, Đức sau vụ khủng bố.

Tháng 6/1987, CIA tiến hành những cuộc tiếp xúc với Bruno Breguet ngươìThụy Sĩ, thành viên PFLP, bị kết án tù 15 năm khi vừa đặt chân lên cảng Haifa với một quả bom, dự định tấn công vào một cửa hàng bách hóa ở Tel Aviv, Israel. Sau những cuộc tiếp xúc, Bruno nhận lời cộng tác với CIA để đổi lấy lệnh ân xá. Theo lời khai của Bruno, “Chó rừng” đang ẩn náu ở Syria.

Thời điểm này, Chính phủ Syria vẫn nằm trong tầm ảnh hưởng của Mỹ. Đánh hơi thấy sự theo dõi của Cơ quan an ninh Syria, “Chó rừng” chạy sang Sudan. Tại thủ đô Khartoum, “Chó rừng” được sự che chở của Sheik Hassan al-Turabi, nhà lãnh đạo Hồi giáo cực đoan đầy quyền lực.

Năm 1993, khi đã xác định chắc chắn “Chó rừng” đang ẩn áu tại Khartoum, điệp viên CIA lập một trạm quan sát bí mật trong một bệnh viện bỏ hoang bên kia đường, đối diện với căn nhà nơi “Chó rừng” cư ngụ. Sau 4 tháng theo dõi, họ nắm được đầy đủ quy luật về sinh hoạt của hắn nên họ bàn giao mục tiêu cho DGSE.

Tháng 6/1994, Chính phủ Pháp mời nhà lãnh đạo Hồi giáo al-Turabi đến Paris để đàm phán về việc dẫn độ “Chó rừng”. Tuy nhiên ông ta từ chối với lý do: “Nền văn hóa Sudan nghiêm cấm việc từ bỏ một vị khách ở đất nước mình”. Ông Charles Pasqua, Bộ trưởng Nội vụ Pháp cho biết lúc ấy ông đã đề nghị với al-Turabi rằng nước Pháp sẽ thay mặt Sudan, làm việc với Ngân hàng thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế để đảm bảo những khoản vay cho Sudan, cũng như xóa nợ nước ngoài của quốc gia này. Nhằm tăng thêm sức nặng, DGSE cho al-Turabi xem những đoạn phim bí mật do CIA thực hiện, trong đó “Chó rừng” rượu chè say sưa với nhiều phụ nữ ăn mặc hở hang. Điều này đã xúc phạm đến đức tin Hồi giáo nên al-Turabi đồng ý giao nộp “Chó rừng”.

Đầu tháng 7/1994, “Chó rừng” khi ấy đã bỏ người vợ đầu tiên là Magdalena Kopp, bị DGSE bắt năm 1982 rồi thành hôn với Lana Jarrar. Do mắc chứng suy giảm tinh trùng, không thể có con với Lana Jarrar nên hắn đến bệnh viện Khartoum, thực hiện phẫu thuật cắt bỏ tĩnh mạch thừng tinh nhằm làm tăng số lượng tinh trùng. 6 ngày sau ca phẫu thuật, một sĩ quan an ninh Sudan cho “Chó rừng” biết có một âm mưu bắt giữ hắn. Cũng viên sĩ quan này đề nghị sẽ đưa “Chó rừng” đến một nơi trú ẩn an toàn, là một ngôi biết thự nằm gần tư dinh nhà lãnh đạo Hồi giáo Sudan al-Turabi.

Tối 12/8, bằng chiếc xe hơi, đích thân viên sĩ quan an ninh nói trên hộ tống “Chó rừng” ra khỏi bệnh viện về ngôi biệt thự. Dọc đường, hắn bảo xe dừng lại rồi nói với vợ là Lana Jarrar quay về nơi ở cũ, lấy hết các tài liệu đem lại cho hắn nhưng sau khi xuống xe, Lana Jarrar không bao giờ còn thấy xuất hiện.

3 giờ sáng ngày 14/8/1994, “Chó rừng” bị 6 đặc vụ DGSE đè chặt khi đang ngủ trên giường trong một ngôi biệt thự ở Khartoum, Sudan. Đến 5 giờ, sau khi lục soát để thu thập chứng cứ, DGSE đưa hắn lên một máy bay riêng, đi thẳng về Paris.

Ngày 15/3/2017, “Chó rừng” ra tòa rồi nhận mức án chung thân đầu tiên vì tội giết 2 cảnh sát, đánh bom tàu cao tốc ở Paris và Marseille, tiếp theo là bản án chung thân thứ 2 dành cho vụ tấn công, giết người và bắt cóc con tin xảy ra tại trụ sở OPEC. Với bản án chung thân thứ 3, Tòa đại hình Paris cáo buộc “Chó rừng” đánh bom giết người nhắm vào tòa soạn báo Al-Watan al-Arabivà Ngôi nhà Pháp ở Paris. Theo cáo trạng, tổng cộng có hơn 200 người chết dưới tay “Chó rừng” trong thời gian từ 1973 đến 1994!

Phát biểu trước tòa, “Chó rừng” vẫn khẳng định mình là “nhà cách mạng chuyên nghiệp ngay từ thời niên thiếu”. Trong những đoạn độc thoại dài dòng, lan man, hắn cho rằng 3 bản án là sự “thao túng công lý trắng trợn” vì “giết người để phục vụ mục đích cao cả khác hẳn với giết người để cướp của hay tư thù cá nhân...”. Theo Tổ chức giải phóng Palestin (PLO), tất cả những hành vi khủng bố của “Chó rừng” không đại diện cho dân tộc Palestin và lại càng không phải là chủ trương trong việc thành lập một nhà nước Palestin độc lập.

Hiện tại, “Chó rừng” đang thụ hình trong nhà tù Clairvaux, Pháp và đang tập hợp các bài viết cho cuốn sách “Hồi giáo cách mạng” của y.

Vũ Cao (Theo Secret Wars)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/cuoc-san-lung-ten-khung-bo-carlos-cho-rung-i692034/