Cuộc phiêu lưu của nữ phóng viên điều tra tiên phong làng báo- Kỳ 1: Giả điên

Nellie Bly đã giả điên thâm nhập một trại tâm thần khét tiếng để cho ra đời loạt bài điều tra chấn động vào thế kỷ 19. Bà trở thành người phụ nữ tiên phong của kỷ nguyên báo chí điều tra và cũng là nữ phóng viên đầu tiên đi vòng quanh thế giới một mình để chia sẻ trải nghiệm với độc giả.

Một tác phẩm điêu khắc nằm trong cụm 7 bức tượng vinh danh sự nghiệp của Nellie Bly. Ảnh: Timeout

Mùa xuân năm 2020, hòn đảo Roosevelt ở New York City khánh thành một công trình kiến trúc mới. Đó là một hệ thống gồm 7 tác phẩm điêu khắc vinh danh nữ nhà báo Nellie Bly - người được coi là phóng viên điều tra đầu tiên của nền báo chí Mỹ.

Tượng đài có tên "The Girl Puzzle" nằm cách không xa hiện trường chiến thắng vĩ đại nhất trong sự nghiệp báo chí của Bly. Nó được tạo ra bởi nhà điêu khắc Amanda Matthews để tưởng nhớ một trong những cư dân nổi tiếng và dũng cảm nhất của hòn đảo.

"Nellie không chỉ cố gắng hiểu những người sống bên lề xã hội. Bà còn đặt mình vào những tình huống tương tự, chấp nhận cả những rủi ro về thể chất và tinh thần", Matthews nói.

Năm 1887, Nellie Bly đã bí mật biến mình thành một tù nhân của trại tâm thần trên đảo. Trải nghiệm nguy hiểm đó đã giúp bà hoàn thành loạt bài điều tra "Mười ngày trong ngôi nhà điên" -- tiết lộ cách đối xử tồi tệ với phụ nữ trong cơ sở này, gây ra một làn sóng phẫn nộ trong công chúng và buộc nhà quản lý phải tiến hành những thay đổi.

Nellie Bly bắt đầu sự nghiệp báo chí vào cuối những năm 1800, khi mà phóng viên không phải là nghề mà phụ nữ thường chọn lựa. Nhưng cuối cùng sự kiên trì, dấn thân và tinh thần dũng cảm của Bly đã giúp bà hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của một nhà báo - người phụng sự công chúng, bằng những tác phẩm phơi bày tận cùng những bất công xã hội. Bly trở thành một trong những nhân vật có ảnh hưởng mở ra kỷ nguyên của báo chí điều tra.

Chân dung nhà báo Nellie Bly.

Khởi đầu sự nghiệp báo chí

Theo tờ The Collector, Nellie Bly, tên thật là Elizabeth Jane Cochran, sinh ngày 5/5/1864. Bà trải qua thời thơ ấu ở Cochran's Mill, bang Pennsylvania, Mỹ. Năm 15 tuổi, Bly theo học tại Trường Sư phạm Indiana, nay là Đại học Indiana. Nhưng bà không thể tiếp tục việc học của mình chỉ sau một học kỳ vì không đủ khả năng chi trả học phí. Gặp khó khăn tài chính sau cái chết của người cha, Bly và mẹ chuyển đến Allegheny City, nay thuộc thành phố Pittsburgh, cùng bang. Bly đã phải vật lộn để tìm kiếm cơ hội làm việc.

Cơ hội đầu tiên của Nellie Bly để bước vào lĩnh vực báo chí là vào năm 1885 khi bà phản hồi ẩn danh một bài báo đăng trên tờ Pittsburgh Dispatch có tiêu đề “Phụ nữ thì giỏi làm gì”. Bài báo cho rằng phụ nữ nên làm nội trợ và chỉ trích việc họ tham gia vào lực lượng lao động. Với bút danh "Lonely Orphan Girl" (Cô gái mồ côi cô đơn), Bly đã gửi một lá thư cho Tổng biên tập tờ báo, George Madden, chia sẻ quan điểm của bà về việc phụ nữ nên có nhiều cơ hội hơn. Madden rất ấn tượng với lá thư của Bly và lập tức đăng quảng cáo tìm danh tính thật của tác giả.

Nellie Bly đã dũng cảm dấn thân trong vai trò nữ phóng viên điều tra ở thời kỳ đầu của nền báo chí Mỹ.

Elizabeth Cochran lấy bút danh là Nellie Bly khi bà bắt đầu làm việc cho Pittsburgh Dispatch. Ấn tượng với lá thư kể trên, tổng biên tập đã thuê bà làm phóng viên với mức lương 5 đô la mỗi tuần.

Nellie Bly bắt đầu viết những bài báo điều tra về công việc của phụ nữ trong các nhà máy. Các phóng sự điều tra nhập vai của bà về cuộc sống công nhân đã thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp địa phương.

Song Tổng biên tập tờ Pittsburgh Dispatch không muốn chọc giận giới thượng lưu của Pittsburgh nên phân công bà đảm nhận trang hôn nhân gia đình, thời trang, xã hội và làm vườn. Không hài lòng với điều đó, Bly rời Pittsburgh vào năm 1886 để đến New York City.

Năm 1887, Bly xin vào tòa soạn báo The World, tờ báo vừa được cấu trúc lại sau khi Joseph Pulitzer nắm quyền sở hữu. Mặc dù còn khá mới, The World đã trở thành một trong những tờ báo hàng đầu ở Mỹ. Bly ra mắt Pulitzer bằng một bài viết về trải nghiệm của người nhập cư, nhưng nó đã bị từ chối. Pulitzer đề nghị Bly một giải pháp thay thế. Ông muốn bà bí mật điều tra một trại tâm thần khét tiếng có tên Đảo Blackwell (nay là đảo Roosevelt) ở New York. Bly lập tức nhận lời.

Giả điên để vào trại tâm thần

Nellie Bly không chỉ là một nhà báo tuyệt vời, mà còn là một nữ diễn viên giỏi. Bởi vì để vào bệnh viện tâm thần, bà phải giả vờ và làm cho mọi người tin rằng mình là một người bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng. Bà đã kể lại chi tiết các bước thực hiện để được đưa vào trại tâm thần trong loạt bài báo có tựa đề “Mười ngày trong ngôi nhà điên” đăng trên tờ The World. Loạt bài sau đó còn được Bly biên soạn thành sách. Nellie Bly đã phải tập làm người điên trước gương ở nhà bằng cách mở to mắt hết mức có thể và nhìn chằm chằm không chớp. Trong sách bà cũng kể lại nỗ lực khó khăn để giả điên khi bản thân chưa từng tiếp xúc với một người mất trí.

Tranh vẽ mô tả bệnh viện tâm thần từ thiện trên đảo Blackwell.

Bly thuê một căn phòng trong khu Nhà tạm dành cho phụ nữ với giá 30 xu một đêm dưới cái tên Nellie Brown để bắt đầu nhiệm vụ của mình. Bà thể hiện những hành động rời rạc và kỳ lạ, khiến những người thuê nhà khác và chủ nhà tin rằng bà bị điên. Cảnh sát được gọi đến để đưa Bly đi. Bà tiếp tục giả điên, nói năng huyên thuyên, vô nghĩa khi gặp thẩm phán. Sau một hồi bị gặng hỏi, Bly cho biết bà đến từ Cuba nhưng không nhớ tên quê quán. Bà hành động như thể mình bị mất trí và khiến thẩm phán nghĩ rằng bà đã bị ai đó đánh thuốc mê và đưa đến New York.

Cuối cùng Nellie Bly đã đạt được mục đích của mình là "một tấm vé" đến nhà thương điên trên đảo Blackwell (nay là đảo Roosevelt).

Xem Kỳ cuối: Mười ngày trong ngôi nhà điên

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/cuoc-phieu-luu-cua-nu-phong-vien-dieu-tra-tien-phong-lang-baoky-1-gia-dien-20230615163627787.htm