Cuộc hôn nhân bị phản đối của cựu chủ tịch Taobao và nữ người mẫu

Bê bối ngoại tình khiến Trương Đại Dịch và doanh nhân Tưởng Phàm bị công chúng chỉ trích nặng nề. Họ còn thiệt hại nhiều về kinh tế.

Ngày 26/4, trang 163 đưa tin "nữ hoàng thương mại điện tử Trung Quốc" một thời Trương Đại Dịch đã kết hôn với cựu Chủ tịch Taobao Tưởng Phàm.

Trên trang cá nhân Trương Đại Dịch thường chia sẻ những hình ảnh ngọt ngào trong đời sống riêng, thấp thoáng bóng hình của Tưởng Phàm. Tuy nhiên, tin tức hot girl hàng đầu Trung Quốc thành công cưới được doanh nhân giàu có không nhận được sự chúc mừng của công chúng.

Trước đó, tháng 4/2020, Đổng Hoa Hoa - vợ của Tưởng Phàm tung các tin nhắn chứng tỏ Trương Đại Dịch quyến rũ chồng cô, cố chen chân phá hoại gia đình đang hạnh phúc của cô và nhắn tin ép Đổng Hoa Hoa phải ly hôn.

Vụ bê bối khiến Trương Đại Dịch và Tưởng Phàm bị công chúng chỉ trích nặng nề. Sau hai năm, dù có thông tin cả hai đã đến được với nhau, song thiệt hại về kinh tế và danh tiếng của họ rất lớn.

Tưởng Phàm mất danh "Thái tử Taobao"

Tưởng Phàm sinh năm 1985, tốt nghiệp khoa kỹ sư máy tính Đại học Phúc Đán - một trong 10 trường đại học danh giá bậc nhất đất nước tỷ dân. Từ năm 2013, Tưởng Phàm chuyển sang làm việc cho Alibaba và được đánh giá là lãnh đạo tài năng trong giới công nghệ đất nước tỷ dân.

Năm 2017, Tưởng trở thành chủ tịch trang mua sắm trực tuyến Taobao khi chỉ mới 32 tuổi. Năm 2019, anh tiếp tục nhậm chức chủ tịch Tmall, website mua sắm tách từ Taobao.

Tưởng Phàm từng là cộng sự trẻ tuổi nhất của Alibaba. Ở tuổi 35, Tưởng Phàm đã trở thành chủ tịch đứng đầu của hai nền tảng thương mại trực tuyến hàng đầu, vì thế anh được kỳ vọng sẽ kế nhiệm vị trí CEO của Alibaba trong tương lai, sau Trương Dũng.

 Tưởng Phàm vốn nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong tập đoàn Alibaba.

Tưởng Phàm vốn nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong tập đoàn Alibaba.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi vụ bê bối ngoại tình xảy ra, Alibaba đã loại bỏ Chủ tịch Taobao Tưởng Phàm ra khỏi nhóm quyền lực gồm 38 thành viên, có quyền quyết định cơ cấu hội đồng quản trị công ty.

Theo Bloomberg, Alibaba cũng hạ Tưởng Phàm từ chức phó chủ tịch cấp cao xuống phó chủ tịch. Doanh nhân họ Tưởng cũng bị công ty hỏi bỏ mọi ưu đãi, tiền thưởng, tiền lời cổ phiếu của năm 2019, ước tính số tiền lên tới 500 triệu NDT (76 triệu USD) vì làm ảnh hưởng tới danh tiếng của công ty.

Đến tháng 6/2020, Tưởng Phàm nộp đơn xin từ chức đại diện pháp lý của Công ty TNHH Y tế Hàng Châu. Cả hai chức vụ của vị CEO trẻ tuổi là chủ tịch và tổng giám đốc đều bị bãi miễn.

Năm 2021, Tưởng Phàm bị điều sang thị trường hải ngoại. Như vậy, đến tháng 4/2022, Tưởng Phàm đã không còn giữ vị trí đại diện pháp lý cho đơn vị nào của Alibaba. Theo Alibaba, đây chỉ là sự điều chỉnh cơ cấu tổ chức, nhưng người trong ngành đều hiểu Tưởng Phàm đã bị Alibaba bỏ rơi.

Danh tiếng của doanh nhân này cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tháng 12/2020, Tưởng Phàm được vinh danh là "Nhân tài của thành phố Hàng Châu", nhưng ngay lập tức, doanh nhân bị công chúng chỉ trích vì vi phạm tiêu chuẩn đạo đức, quy định của pháp luật. Cục An sinh xã hội Hàng Châu đã phải loại bỏ tên của Tưởng Phàm ra khỏi danh sách.

Theo số liệu từ trang Thiên Nhãn, Tưởng Phàm không còn là đại diện pháp luật của công ty nào. Anh có tham gia đầu tư vào 7 công ty, nhưng ba trong số đó đã bị hủy bỏ. Hiện Tưởng Phàm giữ vị trí giám đốc của công ty nội thất Realhome. Ngoài ra, vị doanh nhân này còn đầu tư vào 118 công ty khác nhau dưới hình thức cổ phiếu.

Trương Đại Dịch mất gần 100 triệu USD

Trước scandal, Trương Đại Dịch là người mẫu - hot girl mạng có sức ảnh hưởng lớn nhất trên Taobao, thu nhập hàng năm của cô còn cao hơn Phạm Băng Băng ở thời kỳ đỉnh cao.

Trên trang cá nhân của Trương Đại Dịch có 11,3 triệu người theo dõi. Năm 2014, người đẹp mở cửa hàng kinh doanh quần áo online trên Taobao và trở thành "nữ hoàng thương mại điện tử" ở Trung Quốc. Mỗi năm, cô thu về gần 100 triệu USD doanh thu bán hàng.

Năm 2017, Trương Đại Dịch thành lập công ty Ruhnn Holding chuyên quản lý những người nổi tiếng trên MXH và đào tạo họ bán hàng qua mạng. Chỉ 2 năm sau, công ty này niêm yết trên sàn chứng khoán, với đợt phát hành cổ phiếu trị giá 125 triệu USD. Trương Đại Dịch trở thành bà hoàng quyền lực trong đế chế triệu USD của mình, cùng vị trí cổ đông lớn thứ 2, nắm trong tay 13,5% cổ phần công ty.

Theo 163, cái giá mà Trương Đại Dịch phải trả cho mối tình này cũng rất lớn, khối tài sản của cô trước scandal vào khoảng 900 triệu NDT (137,3 triệu USD), sau bê bối, giá trị của cô giảm mạnh, chỉ còn khoảng 250 triệu NDT (38 triệu USD).

Trương Đại Dịch mất khối tài sản lớn do bê bối đời tư.

Trương Đại Dịch mất khối tài sản lớn do bê bối đời tư.

Báo cáo tài chính năm 2020 cho thấy Ruhnn Holding lỗ hơn 12 triệu USD chỉ trong 6 tháng vì sự cố của nữ người mẫu. Sohu cho biết Đại Dịch vẫn là cổ đông lớn thứ 2 với 13,5% cổ phần, nhưng cô không còn được can thiệp vào công việc nội bộ. Theo Sina, phía Alibaba cũng không còn đứng sau hỗ trợ cho Ruhnn Holding.

Tháng 4/2021 công ty của Trương Đại Dịch phải hủy niêm yết do giá cổ phiếu liên tục giảm 72%. Sau đó, Ruhnn Holding phải sáp nhập với RUNION Holding Limited. Trước đó, Trương Đại Dịch sở hữu 12 công ty, nhưng hiện tại chỉ có 9 công ty tồn tại.

Hậu bê bối đời tư, người đẹp sinh năm 1988 sống kín tiếng, không còn xuất hiện trước truyền thông hay cập nhật quá nhiều hình ảnh về cuộc sống riêng. Trên trang Weibo cá nhân, cô chủ yếu đăng tải hình ảnh quảng bá cho thương hiệu thời trang. Tuy nhiên, người đẹp đã không còn làm người mẫu chính như trước, thay vào đó là mời các gương mặt mới chụp ảnh quảng cáo.

Đồ Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-hon-nhan-bi-phan-doi-cua-cuu-chu-tich-taobao-va-nu-nguoi-mau-post1312486.html