Cuộc du ngoạn kiến trúc dưới những nếp nhà phố cổ Hội An

Để những con phố bàn cờ dẫn lối qua từng dãy nhà phố Cổ vàng ươm dưới nắng, cuộc du ngoạn kiến trúc sẽ bắt đầu và cuốn du khách theo từng bước chân. Nếu không chú ý, một buổi chiều sẽ tan nhanh hơn cả ly Mót đá trên tay.

Cuối dòng sông Thu Bồn lững lờ, thương cảng Faifo sầm uất quy tụ nhiều cá tính văn hóa. Suốt dòng chảy lịch sử, khu phố thương mại không ngừng quy nạp và lưu giữ những lối kiến trúc đương đại, tạo nên một bức tranh kiến trúc đặc sắc, tuy khác biệt trong chi tiết nhưng hài hòa về mặt tổng thể mang tên: Hội An.

Trong khối tích 2km2 với các đường cắt xẻ vuông vức như bàn cờ, Phố cổ Hội An là bức tranh của màu vàng chủ đạo, trên nền những dãy tường vàng cổ kính điểm vài khung cửa xanh mòng két, giàn hoa giấy bao trùm lên lớp ngói cổ âm dương, những chiếc đèn lồng đủ màu sắc giữ gìn nguyên vẹn hơi thở truyền thống. Đối lập với khối thành phố trẻ hiện đại bao bọc xung quanh, tổng thể kiến trúc của Phố cổ Hội An hài hòa với thiên nhiên trù phú và thơ mộng của hạ lưu sông Thu Bồn, sẽ níu giữ bước chân du khách.

Nếu dạo bước đủ lâu và ngắm nhìn đủ kỹ, du khách sẽ phát hiện ra những sắc độ đặc sắc của màu vàng ấm nóng trù phú mang đậm dấu ấn bản địa ấy. Mỗi sắc độ là một lối kiến trúc khác nhau, kể lại câu chuyện riêng trong quá khứ theo từng nhịp điệu của tiến trình lịch sử.

Kiến trúc Hội An nguyên bản

Cuối thế kỷ XVI, chúa Nguyễn Hoàng cai trị, thành phố cảng Faifo sầm uất với vai trò rõ nét của thương nhân người Nhật Bản là tiền thân của Hội An. Kiến trúc Hội An lúc này phần lớn những ngôi nhà gỗ kết cấu hai, ba tầng. Nhưng sau đó, do chính sách bế quan của Mạc phủ Tokugawa và chính sách đàn áp người Nhật Công giáo của chúa Nguyễn, khu phố Nhật ở Hội An dần bị lu mờ, người Hoa bắt đầu dần thay thế vai trò của người Nhật trong việc buôn bán. Trong cuộc chiến tranh Tây Sơn - Chúa Trịnh kiến trúc Hội An nguyên bản gần như bị phá hủy hoàn toàn. Nhưng rất may, một vài công trình tín ngưỡng còn được giữ lại, khắc họa nguyên vẹn kiến trúc nguyên bản của Hội An.

Bức họa Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ của Chaya Shinroku phác họa rõ khu phố người Nhật với những công trình kết cấu gỗ hai, ba tầng ở Hội An. (Ảnh: Tư liệu)

Chùa Cầu do người Nhật xây dựng phần cầu, người Hoa thêm phần chùa vào sau. (Ảnh: Tư liệu)

Kiến trúc nhà trệt

Sau sự suy yếu của thương nhân người Nhật, Hội An được người Việt và người Hoa dần dần hồi sinh từ những đống đổ nát cũ, những ngôi nhà mới mọc lên theo kiến trúc giao thoa, vô hình chung xóa sạch mọi dấu vết của khu phố Nhật Bản. Kiến trúc phổ biến thời kỳ này là nhà trệt, lợp một hoặc hai tầng mái, nhà cổ Đức An ở 129 Trần Phú là một ví dụ tiêu biểu cho kiểu kiến trúc này.

Nhà trệt chia 3 gian, có giếng trời và lợp ngói âm dương. (Ảnh: Tư liệu)

Kiến trúc nhà lầu hai tầng

Đến khoảng những năm 1850 - 1888, Hội An vô cùng sầm uất, các thương nhân bắt đầu xây dựng những căn nhà trệt một lầu. Thời gian đầu tầng lầu chỉ cao bằng một nửa tầng trệt kèm theo phần ban công có mái che, sau đó kiến trúc nhà rường hai tầng cao bằng nhau được xây dựng tạo nên kiến trúc giao thoa độc đáo giữa nhà rường truyền thống, kiến trúc nhà gỗ của người Hoa và lối sống thương mại.

Nhà số 6 Nguyễn Thị Minh Khai là ví dụ tiêu biểu cho nhà gỗ 2 tầng. (Ảnh: Tư liệu)

Kiến trúc thời Pháp

Theo dòng thời sự, đến những năm 1880, văn hóa và tính thẩm mỹ Pháp đã du nhập và len lỏi vào kiến trúc nhà ở của các thương nhân thượng lưu người Việt và người Hoa ở Hội An. Kiến trúc Paris thể hiện qua những cửa chớp, mái vòm và cột nhà trạm trổ trong khối xây dựng kiên cố từ gạch và bê tông làm nên diện mạo mới, tân thời và khác biệt hẳn so với lối kiến trúc cổ ở Hội An. Tuy vậy, tinh thần giao thoa văn hóa không biến mất, thay vào đó nội thất Việt và Hoa ở không gian bên trong tạo nên sự pha trộn hài hòa.

Kiến trúc thuộc địa tại Hội An. (Ảnh: Tư liệu)

Và cuối cùng, thời kỳ nào cũng vậy, kiến trúc giao thoa chính là điểm mấu chốt để tạo ra sự hài hòa trong bức tranh nhiều phong cách với những chi tiết thiết kế tinh tuyển được áp dụng triệt để. Có thể kể đến chi tiết mái hai tầng lợp ngói đất nung bản địa theo lối âm dương của người hoa; kiến trúc nhà rường với hệ vì kèo, cầu phong, rui mè trạm trổ tinh tế; tổ chức 3 gian kinh doanh - thờ - sinh hoạt ở giữa có giếng trời thiên tỉnh; lối trang trí mặt tiền khúc chiết gãy gọn đối lập với nội thất bên trong tỉ mỉ, kiểu cách.

Tất cả những đặc điểm kiến trúc này tạo nên một Hội An đặc sắc, vừa dung dị gần gũi vừa giàu bản sắc văn hóa, thu hút những người yêu du lịch khắp nơi trên thế giới.

Hội An thân thiện và giàu bản sắc văn hóa trong mắt bạn bè quốc tế. (Ảnh: Tư liệu)

Cứ như thế, du khách chỉ cần để bước chân tự dẫn lối, sẽ bắt gặp đầy đủ các loại hình kiến trúc tại Hội An. Khi đã biết chúng là những mảnh ghép độc đáo dung chứa văn hóa, xu hướng và tính thẩm mỹ của cả một chặng đường lịch sử, du khách sẽ nhập vào những câu chuyện rất riêng nhưng bằng sự dung hòa của nhân tố con người và thời cuộc, nét khác biệt lại phối hợp ăn ý, hài hòa tạo nên một quần thể kiến trúc đầy đặc sắc của Hội An.

Thúy Hiền

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/cuoc-du-ngoan-kien-truc-duoi-nhung-nep-nha-pho-co-hoi-an-20240417111158641.htm