Cuộc đời ngoại hạng của ông Donald Trump: Gõ cửa chính trường

Chính trường là nơi ông Donald Trump tìm đến sau nhiều năm "bành trướng" hoạt động ra khỏi phạm vi sinh lợi chính là địa ốc.

Ông Donald Trump trong một buổi phát sóng chương trình The Apprentice

Thập niên 1990 đánh dấu ông Donald Trump là nhân vật có chỗ đứng vững chắc trong lĩnh vực văn hóa đại chúng. Tên tuổi của ông tiếp tục được đánh bóng bằng những bước đi vượt khỏi hoạt động phát triển và kinh doanh địa ốc, công cụ kiếm tiền chủ yếu của tài phiệt New York.

Tung hoành làng giải trí

Theo tờ The New York Times, ông sở hữu một phần hoặc toàn bộ các giải Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Mỹ và Hoa hậu Thiếu niên Mỹ. Ông cũng tham gia với vai trò diễn viên khách mời trong một số chương trình truyền hình và phim được ưa chuộng nhất trong thập niên đó, bao gồm Home Alone 2, Sex and the City, và The Fresh Prince of Bel-Air. Năm 1999, ông Trump thành lập Công ty người mẫu Trump Model Management, hoạt động tại Manhattan. Cùng với một công ty khác của mình là Trump Management Group, Trump Model Management đã đưa gần 250 người mẫu nước ngoài đến Mỹ làm việc trong ngành công nghiệp thời trang kể từ năm 2000. Nhà tài phiệt ở New York thậm chí còn có một chương trình phát thanh hằng ngày của riêng mình có tên gọi Trumped.

Năm 2003, ông Trump đã tận dụng tính cách và cả ngoại hình để bắt đầu sản xuất và đóng vai chính trong loạt chương trình truyền hình thực tế của Đài NBC mang tên The Apprentice. Các thí sinh tham dự phải tranh tài với nhau để giành các vị trí quản lý tại Trump Organization. Chương trình nhanh chóng trở nên ăn khách và nổi tiếng với câu nói cửa miệng của ông Trump “Bạn đã bị sa thải”. Thành công ngoài mong đợi của chương trình này đã dẫn đến sự ra đời của nhiều chương trình phụ khác, bao gồm The Celebrity Apprentice, với thí sinh là những nhân vật nổi tiếng. Năm 2007, ông Trump được trao tặng một ngôi sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood nhằm tôn vinh sự đóng góp của ông cho chương trình này.

Chương trình The Apprentice không chỉ giúp củng cố sự nổi tiếng của tỉ phú người Mỹ mà còn đem lại lợi nhuận đáng kể cho ông này. Trong 14 mùa dẫn chương trình, ông Trump tuyên bố đã bỏ túi hơn 200 triệu USD, theo tờ Telegraph.

“Phải lòng” chính trị

Ông Trump đã nêu ý tưởng chạy đua tranh chức tổng thống Mỹ vào các năm 1988, 2004 và 2012, và vị trí thống đốc bang New York vào các năm 2006 và 2014, nhưng chưa bao giờ bước vào các cuộc đua này. Theo tờ New York Post, ông từng được xem là ứng viên phó tiềm năng cho ông George H.W.Bush của đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 1988 nhưng đã thua trước vị phó tổng thống tương lai là Dan Quayle. Vào ngày 7.10.1999, ông Trump tuyên bố thành lập một ủy ban thăm dò nhằm tìm kiếm sự đề cử của đảng Cải cách làm ứng viên tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2000. Tuy nhiên, sau khi đạt kết quả tồi trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang California, tỉ phú New York đã quyết định từ bỏ nỗ lực ứng cử.

Ngọn lửa chính trị đã được nhen nhóm lại trong lòng ông Trump vào năm 2004 và đặc biệt là năm 2012, khi ông công khai tuyên bố cân nhắc khả năng tranh cử tổng thống. Tuy nhiên, sự dính líu trước đó với phong trào Birther, quy tụ những người tin rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama không chào đời ở Mỹ, đã làm mất uy tín chính trị của ông. Tờ New York Times cho biết kể từ năm 2011, ông Trump đã bày tỏ hoài nghi về tính chất hợp pháp của nơi sinh Tổng thống Obama với giới truyền thông. Nhằm dập tắt sự chỉ trích của các thành viên Birther và giúp nước Mỹ tránh một cuộc tranh cãi vô bổ, ông Obama đã quyết định công bố giấy khai sinh vào tháng 4.2011. Bất chấp nỗ lực của ông Obama, ông Trump vẫn tiếp tục chỉ trích vấn đề nơi sinh và cả những chính sách của chủ nhân Nhà Trắng trong suốt thời gian tái tranh cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2012.

Năm 2013, ông Trump còn loan tin trên mạng Twitter rằng một quan chức y tế ở bang Hawaii đã qua đời do chứng loạn nhịp tim sau một tai nạn máy bay, có liên quan đến việc che giấu giấy khai sinh của ông Obama. Ông cũng đã đòi chủ nhân Nhà Trắng công bố bảng điểm vì nghi ngờ khả năng học tập của nhà lãnh đạo Mỹ. Chỉ đến năm nay, ông Trump mới chịu thừa nhận Tổng thống Obama đích thực là công dân Mỹ, nhưng đó được xem như một chiến lược thu hút cử tri thiểu số trong cuộc đua vào Nhà Trắng mà ông đã quyết định đặt chân vào.

Chất xúc tác Obama

Nỗ lực tranh cử tổng thống của ông Trump được cho là xuất phát từ việc bị Tổng thống Obama “chọc quê” tại buổi dạ tiệc của Hiệp hội Phóng viên tại Nhà Trắng vào ngày 30.4.2011. Tại bữa tiệc, ông Obama đã công bố giấy khai sinh của mình trên một màn hình video. Sau đó, nhà lãnh đạo Mỹ xoay sang ông Trump và nói: “Tôi biết ông ấy gần đây nhận một số lời chỉ trích, nhưng không ai vui và tự hào hơn khi đặt dấu chấm hết cho vấn đề về giấy khai sinh hơn ông Donald. Bởi cuối cùng ông ấy có thể tập trung trở lại vào những vấn đề quan trọng, như là chúng ta có giả mạo việc đặt chân lên mặt trăng hay không? Điều gì thực sự xảy ra tại Roswell (nơi thường được đồn đại là có dấu vết người ngoài hành tinh)? Rồi Biggie và Tupac (2 rapper nổi tiếng bị ám sát bí ẩn) ở đâu?”. Cử tọa cười nghiêng cười ngả, duy chỉ ông Trump ngồi đó với vẻ mặt lạnh như tiền. Tỉ phú New York nổi tiếng nhạy cảm với những lời châm chọc, nên có thể sự việc trên là tác nhân khiến ông đi đến quyết định đánh cược lần nữa vào vị trí cao nhất nước Mỹ. Ông Obama giờ đã không còn cười nữa.

Trùng Quang

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/cuoc-doi-ngoai-hang-cua-ong-donald-trump-go-cua-chinh-truong-764050.html