Cuộc đối đầu xuyên Đại Tây Dương

Không biết do ngẫu nhiên hay có một dụng ý nào đó, Hội nghị thượng đỉnh G20 tới đây sẽ được tổ chức tại Canada, một quốc gia mà về mặt địa lý thì liền kề với Hoa Kỳ nhưng về nhiều mặt lại rất gần với châu Âu. Dường như đây sẽ là một hội nghị có sự giằng co giữa Hoa Kỳ và châu Âu.

Ngay trước thềm hội nghị, báo Pháp L'Express đã liệt kê một loạt những điều mà người ta đang mong chờ ở Hội nghị thượng đỉnh quan trọng này: ngã ngũ cuộc giằng co giữa chính sách khắc khổ và chính sách khuyến khích tăng trưởng kinh tế, thuế đánh vào các ngân hàng và các thỏa thuận tài chính lớn, tỷ giá đồng Nhân dân tệ, củng cố các quỹ tư nhân, kiểm soát thị trường ngoại hối, vấn đề quy mô của các ngân hàng ("càng to càng dễ sụp đổ"), rồi vấn đề các khoản thưởng trong giới tài chính và vấn đề liên quan đến các thiên đường tài chính. Dẫu vậy, trong tất cả những vấn đề đó, nổi lên hai vấn đề gần như quan trọng nhất đó chính cuộc chiến về tỷ giá đồng Nhân dân tệ và sự giằng có giữa chính sách khắc khổ và chính sách khuyến khích tăng trưởng. Quan trọng hơn nữa, gần đây nếu như có vẻ như Trung Quốc đã có những nhượng bộ về đồng nội tệ của nước mình thì những bất đồng giữa Mỹ (chủ trương kích thích kinh tế) và châu Âu (chủ trương thắt chặt) lại chưa có dấu hiệu dịu bớt. Đối với châu Âu bóng ma của những khó khăn vẫn chưa thôi đeo đuổi. Thực ra mọi việc đều có căn nguyên của nó. Trong khi nền kinh tế Mỹ có vẻ đã vững vàng đi qua được khủng hoảng thì đối với châu Âu, bóng ma của những khó khăn vẫn chưa thôi đeo đuổi. Nổi bật nhất là cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp và mới đây nhất, nhiều nguồn tin còn cho rằng, rất có nhiều khả năng là Tây Ban Nha sẽ "tiếp bước" Hy Lạp sa vào "vùng thời tiết xấu". Không phải là ngẫu nhiên khi mà cuối tuần trước, Chủ tịch Quỹ tiền tệ Quốc tế Dominique Strauss Kahn đã gặp riêng lãnh đạo cao nhất của Tây Ban Nha, Tổng thống José Luis Rodriguez Zapatero và sau đó đưa ra vào hôm thứ sáu tuần trước lời bảo đảm rằng ông thấy hoàn toàn tin tưởng vào viễn cảnh nền kinh tế Tây Ban Nha, trong giai đoạn trung - dài hạn, một tuyên bố có giá trị như một trấn an dư luận. Xuất phát từ tình hình đó, giữa tuần trước, lãnh đạo cao nhất của các nước thuộc Liên minh châu Âu đã gặp gỡ và thống nhất quan điểm về việc thắt chặt kỷ luật tài chính trong Liên minh châu Âu. Người ta đã đặt vấn đề về một định chế tài chính có chức năng kiểm soát nhà nước đối với các nền kinh tế của các nước thành viên cũng như phối hợp các chính sách tài chính của các quốc gia. Và phạm vi của những chính sách thắt chặt kỷ luật tài chính này không chỉ giới hạn trong 16 nước của khu vực đồng euro. Tất cả những động thái này là hoàn toàn dễ hiểu khi mà ta biết rằng chính châu Âu đã phải chi ra một khoản tiền lớn cả trăm tỷ euro để "cứu" Hy Lạp thoát khỏi vòng nợ nần. Vậy là một phong trào "thắt lưng buộc bụng" và siết chặt kỷ luật ngân sách đã lan ra gần như khắp các nền kinh tế quan trọng của châu Âu, từ Đức, Pháp, Italia sang đến tận Anh quốc ngoài Đại Tây Dương. Thế nhưng, chính sách đó lại chính là yếu tố gây nên những bất đồng giữa Mỹ và cựu lục địa. Trước sức ép của Mỹ, châu Âu không có vẻ gì là sẽ nhượng bộ. Cả Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu đều cũng công khai tuyên bố quyết tâm với các chính sách củng cố ngân sách công. Đặc biệt, một "mặt trận" đã được hình thành mà đứng đầu là nước Đức với mục tiêu bảo vệ các chính sách tài chính hà khắc. Dể hiểu là vì Đức là nước bị Mỹ chĩa mũi dùi công kích nhiều nhất thể hiện qua những tuyên bố công khai của những nhân vật cả thuộc giới công quyền như Quốc vụ khanh đặc trách tài chính Mỹ Timothy Geithner cho đến những nhà đầu tư "cá mập" như Georges Soros (kẻ đã từng góp phần làm sụp đổ nền kinh tế châu Á hồi cuối thế kỷ trước). Mỹ cho rằng Đức có đủ điều kiện hơn những nước khác để chọn cho mình một con đường khác với chính sách khắc kỷ khi mà nợ công của Đức chỉ ở mức 73% GDP so với mức 83% của Mỹ và 116% của Italia. Đáp lại những công kích của Mỹ, người Đức kiên quyết bảo vệ chính sách của mình. Thủ tướng Đức, trước khi lên máy bay sang Canada đã tỏ thái độ sẽ bảo vệ đến cùng chính sách của nước mình cũng nhấn mạnh "công dân Đức sẽ sẵn sàng chi tiền (cho các chương trình kinh tế) nếu như họ biết rằng họ có thể yên tâm với lương hưu và bảo hiểm y tế của mình" đồng thời "thành công trên phương diện xuất khẩu của Đức phản ảnh tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Đức và sức mạnh của việc cải tổ doanh nghiệp". Chưa biết rồi đây ai sẽ thắng trong "cuộc chiến" ở Canada nhưng rõ ràng, nếu nhớ lại những tai họa mà nhân loại đã phải trả cho những sự tăng trưởng quá nóng và các đại công ty, đại ngân hàng thì người ta thấy người Đức có lý. Và ít nhiều đó cũng là lời cảnh báo cho các đại dự án nhân danh sự tăng trưởng kinh tế và các thứ "tầm nhìn". LƯƠNG XUÂN HÀ

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20100625103239464p30c86/cuoc-doi-dau-xuyen-dai-tay-duong.htm