Cuộc đối đầu tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới của Mỹ - Trung

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ trở thành nơi tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân lớp Columbia của Mỹ đối đầu với tham vọng vươn ra đại dương của Trung Quốc.

Không giống với tưởng tượng của một số tân binh, cuộc sống trên tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) rất ảm đạm.

"Không có wifi, TV, radio, hay bất cứ hình thức giải trí truyền phát sóng nào. Mọi người đều rất háo hức nếu nhận được vài cuộn phim hay băng DVD", Tom Shugart, cựu thủy thủ phục vụ trên tàu ngầm USS Olympia của Mỹ, nói với Nikkei Asia.

Nhưng bên cạnh thách thức cố hữu từ yêu cầu hoàn toàn cô lập khi thực hiện các nhiệm vụ dưới đại dương, hoạt động của SSBN còn phải bảo đảm bí mật.

Khác với tàu ngầm tấn công mang vũ khí thông thường, các SSBN lớp Ohio của Hải quân Mỹ không thể thường xuyên ghé thăm quân cảng nước ngoài, nguyên nhân bởi loại vũ khí mà chúng mang theo: tên lửa đạn đạo Trident D-5.

Các SSBN có một nhiệm vụ duy nhất: giấu mình dưới đáy đại dương chờ chỉ thị từ Washington khai hỏa tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Trong 60 năm qua từ khi chiếc SSBN đầu tiên nhận nhiệm vụ, lệnh tấn công này chưa từng được phát đi.

Vũ khí 15 tỷ USD của Mỹ

Trong kiến nghị ngân sách hoạt động năm 2022 vừa được công bố, Lầu Năm Góc phân bổ 5 tỷ USD để mua SSBN lớp Columbia, nhằm thay thế các tàu lớp Ohio vào năm 2031.

Nhiều ý kiến trong giới quốc phòng chỉ trích đề xuất ngân sách tổng thể không đủ để đáp ứng nhu cầu cạnh tranh với Trung Quốc. Nhưng chương trình phát triển tàu ngầm lớp Columbia là một trong những đề mục hiếm hoi nhận được ủng hộ rộng rãi.

Nhiều năm qua, các quan chức Hải quân Mỹ liên tục khẳng định dự án tàu ngầm lớp Columbia là ưu tiên hàng đầu.

"Từ góc nhìn của hải quân, chương trình tàu ngầm lớp Columbia sẽ được đầu tư, ngay cả nếu cần lấy tiền đầu tư cho các chương trình khác của hải quân", báo cáo của Quốc hội Mỹ về chương trình tàu ngầm lớp Columbia nhấn mạnh.

Tàu ngầm USS Pennsylvania của Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ.

14 tàu ngầm SSBN lớp Ohio sẽ được thay thế bằng 12 tàu ngầm lớp Columbia.

Các tàu ngầm lớp Ohio vốn đòi hỏi phải được nâng cấp giữa vòng đời, bổ sung nhiên liệu hạt nhân để duy trì hoạt động. Nhưng với lớp Columbia, các SSBN được trang bị một lõi phản ứng hạt nhân, giúp bảo đảm vận hành trọn đời mà không cần nạp nhiên liệu.

Chính thiết kế ưu việt này giúp Hải quân Mỹ luôn có 10 SSBN vận hành cùng lúc, đáp ứng nhu cầu tác chiến hạt nhân chiến lược.

Nhưng duy trì hoạt động của 10 tàu ngầm hạt nhân rất tốn kém và chi phí sẽ tiếp tục tăng lên. Giá của 12 tàu lớp Columbia vào khoảng 109 tỷ USD.

Hôm 7/6, tờ báo USNI News của Viện Nghiên cứu Hải quân Mỹ cho biết giá tàu ngầm đầu tiên lớp Columbia đã tăng thêm 637 triệu USD trong 12 tháng qua, hiện ở mức 15,03 tỷ USD.

"Răn đe hạt nhân là nền tảng cho mọi hình thức răn đe thông thường khác. Nếu chúng ta không sở hữu năng lực răn đe hạt nhân đáng tin cậy, mọi hình thức răn đe khác đều trở nên vô nghĩa. Đó là lý do chương trình Columbia là ưu tiên số 1", cựu thủy thủ tàu ngầm Shugart cho biết. Ông Shugart hiện là chuyên gia hàng đầu tại Trung tâm An ninh New America.

Lực lượng hạt nhân chiến lược của Mỹ gồm 3 binh chủng: tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ mặt đất, máy bay ném bom chiến lược, và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo.

Trong 3 binh chủng này, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo được coi là có khả năng sống sót nhất trong chiến tranh hạt nhân, bởi một khi chúng đã lặn xuống đáy đại dương, các SSBN sẽ gần như không thể bị phát hiện.

"Cá mập" tại châu Á

Nhưng tàu ngầm Mỹ không phải con cá mập duy nhất giữa đại dương bao la, và Washington không phải người chơi duy nhất đang tăng cường năng lực răn đe hạt nhân dưới mặt nước.

Một nghiên cứu do Đại học Quốc gia Australia tiến hành từ tháng 2/2020 nhận định Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pháp, Anh, Pakistan và Triều Tiên cũng đang theo đuổi chương trình tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân.

Rory Medcalf, giám đốc trường An ninh Quốc gia, thuộc Đại học Quốc gia Australia, cho biết một trong những lý do Trung Quốc ồ ạt xây dựng và quân sự hóa các đảo ở Biển Đông là nhằm biến khu vực này trở thành một pháo đài, giúp hạm đội SSBN của Trung Quốc hoạt động an toàn trong trường hợp bị lực lượng Mỹ và đồng minh phát hiện hoặc tấn công.

Trung Quốc được cho là đang sở hữu 6 SSBN lớp Jin (Type 094), chiếc mới nhất vừa được biên chế hồi tháng 4. Tàu ngầm Trung Quốc mang theo 12 tên lửa đạn đạo JL-2 có tầm bắn ước tính 7.200 km.

Tàu ngầm lớp Jin của Trung Quốc. Ảnh: National Interest.

Với tầm bắn này, tên lửa JL-2 có thể vươn tới Alaska nếu phóng đi từ một tiền đồn gần Đại lục, hoặc tấn công các mục tiêu ở Hawai nếu phóng đi từ phía nam Nhật Bản.

Trường hợp tàu ngầm Trung Quốc đi xa tới phía tây Hawaii, tên lửa JL-2 thậm chí có thể tấn công bờ tây của nước Mỹ.

Rào cản lớn nhất cho hoạt động của SSBN của Trung Quốc là vị trí địa lý của nước này.

Bao quanh Trung Quốc là những vùng biển nông, nên tàu ngầm của Bắc Kinh sẽ phải đi qua những eo biển chiến lược để có thể tiếp cận vùng nước sâu ở Thái Bình Dương. Những eo biển nói trên đều có sự hiện diện của Mỹ và các đồng minh.

"Trong khi SSBN của Mỹ, Pháp, Anh, Ấn Độ hay Pakistan có thể thoải mái lặn xuống đáy đại dương, tàu ngầm Trung Quốc lại không thể làm điều đó", Stephan Fruehling, phó hiệu trưởng Đại học châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Đại học Quốc gia Australia, cho biết.

"Sự phát triển của quân đội Trung Quốc đã làm xói mòn lợi thế của Mỹ trong nhiều lĩnh vực. Nhưng trong chiến tranh dưới đáy đại dương, Mỹ vẫn có lợi thế to lớn", chuyên gia Shugart nhận định.

Nếu trong tương lai, Trung Quốc sở hữu tên lửa với tầm bắn xa hơn, Bắc Kinh có thể giữ SSBN của mình ở Biển Đông mà vẫn tấn công được nước Mỹ. Khoảng cách từ căn cứ ở Hải Nam tới San Francisco vào khoảng 11.600 km, còn tới Washington là 13.500 km.

"Trong vòng vài thập kỷ, nhiều khả năng Trung Quốc có thể chế tạo một loại tên lửa phóng từ dưới nước với tầm bắn đủ để tấn công bất cứ mục tiêu nào ở Mỹ từ Biển Đông", chuyên gia Hải quân Mỹ Norman Friedman nhận xét.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-doi-dau-tau-ngam-hat-nhan-the-he-moi-cua-my-trung-post1225029.html